Bắt hai đối tượng tham gia lừa đảo qua điện thoại

ÁI CHÂN
Bắt hai đối tượng tham gia lừa đảo qua điện thoại

(SGGPO).- Chiều 24-8, Đội 8, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an TPHCM đã thi hành Lệnh bắt khẩn cấp đối với Li Shi Min (30 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Việc thi hành Lệnh khám xét khẩn cấp cũng được thực hiện tại phòng 305 Khách sạn Hà Nội, đường Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình, TPHCM - nơi Li Shi Min đang lưu trú. Cơ quan công an thu giữ nhiều thẻ ATM của các ngân hàng ACB, VIB, Sacombank, BIDV, Vietinbank... và giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ án.

Li Shi Min (bìa trái) nghe công bố Lệnh bắt khẩn cấp và Lệnh khám xét khẩn cấp

 
Theo kết quả điều tra ban đầu, trong thời gian sinh sống tại Trung Quốc, Li Shi Min tham gia vào đường dây giả danh các cơ quan pháp luật do một số đối tượng tổ chức nhằm mục đích lừa tiền người Việt Nam. Theo sự phân công, Li Shi Min cùng một đối tượng tên Sán (người Trung Quốc, chưa xác định được lai lịch) sang Việt Nam gặp Huỳnh Thị Như Mai (30 tuổi, ngụ TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) để thu mua thẻ ATM. Sau đó, Li Shi Min cung cấp những thẻ này cho đồng bọn để chuyển tiền lừa đảo.
 
Ngày 20-8-2014, đồng bọn của Li Shi Min gọi điện thoại cho bà T.T.T.C. (47 tuổi, ngụ quận 12) thông báo bà đang nợ cước điện thoại 8,6 triệu đồng, sau đó cho biết bà liên quan đến đường dây tội phạm do Công an và Viện KSND TP Hà Nội đang điều tra, yêu cầu bà chuyển tiền vào tài khoản cơ quan công an để xác minh làm rõ, sau khi xác minh sẽ trả lại. Tin lời, bà C. chuyển 300 triệu đồng vào tài khoản số 19028174839010 mang tên Huỳnh Thanh Phong mở tại Techcombank. Đây là một trong những tài khoản Li Shi Min cung cấp cho đồng bọn. Ngay lập tức, các đối tượng lừa đảo rút hết số tiền này. Quá trình điều tra mở rộng cho thấy số tiền (từ bà C. và những người bị hại khác) chuyển vào tài khoản số 19028174839010 do ông Huỳnh Thanh Phong đứng tên lên đến hơn 500 triệu đồng.
 
Cùng lúc, các CB-CS của Đội 8, PC46 - Công an TPHCM cũng triển khai một mũi khác đến phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang để thi hành Lệnh bắt khẩn cấp, Lệnh khám xét khẩn cấp đối với Huỳnh Thị Như Mai. Tại cơ quan điều tra, Mai khai nhận đã làm đầu mối thu mua thẻ hơn 80 thẻ ATM cung cấp cho Li Shi Min với giá từ 1 - 3 triệu đồng/thẻ, trong đó có tài khoản số 19028174839010 mở tại Techcombank mang tên Huỳnh Thanh Phong.

Huỳnh Thị Như Mai tại cơ quan điều tra


Mặc dù cơ quan cảnh sát điều tra và cơ quan báo chí nhiều lần thông tin, Ban Giám đốc Công an TPHCM cũng đã có văn bản gửi Trưởng Công an 24 quận, huyện yêu cầu chỉ đạo tuyên truyền hình thức tội phạm này đến từng hộ dân nhưng vẫn còn một số người dân bị sập bẫy của các đường dây, băng nhóm sử dụng công nghệ viễn thông lừa đảo xuyên quốc gia. Do vậy, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TPHCM đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác trước những lời hù dọa vô căn cứ.

Tang vật, tại liệu thu giữ tại phòng khách sạn, nơi Li Shi Min đang lưu trú

Trung tá Nguyễn Thành Nhân, Đội trưởng Đội 8, PC46 - Công an TPHCM một lần nữa đưa ra một số biện pháp phòng ngừa khuyến cáo người dân cần lưu tâm và thông báo cho người thân biết để phòng ngừa. Đầu tiên là cảnh giác khi nghe điện thoại của người lạ, đặc biệt là người xưng cán bộ cơ quan pháp luật có yêu cầu xác minh, thu thập tiền, tài khoản trong các ngân hàng. Tiếp theo là không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, số thẻ tín dụng cho người khác nếu thấy không cần thiết. Ngoài ra, khi có người tự xưng là cán bộ cơ quan điều tra, viện kiểm sát liên hệ thì đề nghị cho biết tên, nơi làm việc để trực tiếp liên hệ trao đổi với các cơ quan đó. Đồng thời, nếu nhận được cuộc gọi có nội dung lừa đảo nêu trên, đề nghị báo ngay cho công an phường - xã hoặc số điện thoại 113 biết và ghi nhận lại (nếu nhớ): tên người gọi, chức danh, đơn vị, số điện thoại, nam hay nữ, nói giọng miền Bắc/Trung/Nam. "Tuyệt đối không chuyển tiền, tài khoản khác theo yêu cầu của đối tượng gọi đến" - trung tá Nguyễn Thành Nhân nhấn mạnh.


ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục