Xét xử vụ nâng khống giá trị tàu lặn tại Công ty ALC II: Các bị cáo xin xem lại tội danh

Ngày 16-9, TAND TPHCM đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ nâng khống giá trị tàu lặn, sau đó giải ngân để chiếm đoạt xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (viết tắt là Công ty ALC II).

(SGGPO).- Ngày 16-9, TAND TPHCM đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ nâng khống giá trị tàu lặn, sau đó giải ngân để chiếm đoạt xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (viết tắt là Công ty ALC II).

Trong vụ án này có 11 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Tham ô tài sản”, gồm: Vũ Quốc Hảo (59 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc Công ty ALC II), Nguyễn Văn Tài (55 tuổi, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty ALC II), Phạm Xuân Nghị (52 tuổi, nguyên Trưởng Phòng cho thuê của Công ty ALC II), Nguyễn Văn Thọ (34 tuổi, nguyên Phó Trưởng Phòng cho thuê của Công ty ALC II), Đinh Nguyên Tý (52 tuổi, nguyên Phó Trưởng Phòng cho thuê của Công ty ALC II), Phùng Văn Đồng (42 tuổi, nguyên Phó Trưởng phòng kinh doanh 1 Công ty ALC II), Phạm Minh Tuấn (56 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cát Long Hải, công ty sân sau của Vũ Đức Hảo), Vũ Đức Hòa (35 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty Cát Long Hải), Lê Thị Minh Huệ (45 tuổi, nguyên Kế toán trưởng Công ty Cát Long Hải), Hoàng Lộc (49 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần giám định, thẩm định Việt Nam), Lê Phúc Đức (38 tuổi, nguyên Trưởng phòng giám định, thẩm định của Công ty cổ phần giám định, thẩm định Việt Nam).

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, năm 2003, các bị cáo Hảo, Tuấn cùng một số người khác thành lập Công ty Cát Long Hải. Biết một người Nhật Bản có tàu lặn Tinro 2 và muốn hợp tác nên bị cáo Hảo thỏa thuận đưa tàu này thành tài sản góp vốn vào Công ty Cát Long Hải. Tuy nhiên, do tàu không có hồ sơ pháp lý, chưa được đăng ký, đăng kiểm nên bị cáo Tuấn chuyển tàu Tinro 2 ra địa phận TP Hải Phòng để tạo tình huống bắt giữ. Ngày 8-6-2008, Cục Hải quan TP Hải Phòng kiểm tra, tạm giữ tàu Tinro 2. Sau đó, trong phiên bán đấu giá, Công ty Cát Long Hải mua tàu Tinro 2 với giá 100 triệu đồng. Tiếp theo, các bị cáo tìm cách nâng giá trị tàu Tinro 2 từ 100 triệu đồng lên thành 130 tỷ đồng; đồng thời chỉ đạo cấp dưới thực hiện hợp đồng mua bán, thuê tài chính giữa Công ty ALC II và Công ty Cát Long Hải để giải ngân 130 tỷ đồng. Trong số tiền chiếm đoạt được, bị cáo Hảo sử dụng gần 79 tỷ đồng để mua 89.496,4 m² đất Trạm dừng chân Miền Tây ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Hành vi phạm tội này thực hiện trót lọt nhờ sự tiếp tay của một số cán bộ, nhân viên tại Công ty ALC II.

Trong phần thẩm vấn tại phiên tòa sáng nay, các bị cáo kêu oan, xin Hội đồng xét xử xem xét lại tội danh đối với mình. Các bị cáo Nghị, Thọ, Tý, Đồng, Tuấn, Hòa... cho rằng đã thực hiện đúng theo quy định về cho thuê tài chính, làm việc theo đúng nghiệp vụ, không biết mục đích nâng khống giá trị tàu lặn Tinro 2 là nhằm để chiếm đoạt tiền của Nhà nước, hoàn toàn không vụ lợi gì từ vụ việc này. Bị cáo Huệ nói lời khai của bị cáo ghi trong cáo trạng không giống với lời khai tại cơ quan điều tra, bị cáo đã làm đơn khiếu nại gửi đến Viện KSND tối cao nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự trả lời. Riêng bị cáo Hảo cho biết sẽ nêu ý kiến của mình trong phần tranh luận.

 ÁI CHÂN

>> Nâng khống giá trị tàu lặn để giải ngân 130 tỷ đồng

Tin cùng chuyên mục