Xét xử vụ nâng khống giá trị tàu lặn lên 1.300 lần: Đề nghị mức án tử hình cho 3 bị cáo

(SGGPO).- Ngày 18-9, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ nâng khống giá trị tàu lặn, sau đó giải ngân để chiếm đoạt xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (viết tắt là Công ty ALC II) bước sang ngày làm việc thứ ba. Buổi sáng và phần đầu buổi chiều, hội đồng xét xử và các luật sư tiếp tục phần thẩm vấn để làm rõ một số nội dung liên quan trong vụ án.
Xét xử vụ nâng khống giá trị tàu lặn lên 1.300 lần: Đề nghị mức án tử hình cho 3 bị cáo

(SGGPO).- Ngày 18-9, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ nâng khống giá trị tàu lặn, sau đó giải ngân để chiếm đoạt xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (viết tắt là Công ty ALC II) bước sang ngày làm việc thứ ba. Buổi sáng và phần đầu buổi chiều, hội đồng xét xử và các luật sư tiếp tục phần thẩm vấn để làm rõ một số nội dung liên quan trong vụ án.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Đến 15 giờ 30 phút, phiên tòa kết thúc phần thẩm vấn, chuyển sang phần tranh luận.

Mở đầu phần tranh luận, đại diện Viện KSND TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa đọc bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo. Theo công tố viên, đây là vụ án tham ô tài sản với tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Bị cáo Vũ Quốc Hảo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Tổng Giám đốc Công ty ALC II bàn bạc với Phạm Minh Tuấn (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cát Long Hải, là công ty sân sau của Hảo), Vũ Đức Hòa (nguyên Giám đốc Công ty Cát Long Hải) và Lê Thị Minh Huệ (nguyên Kế toán trưởng Công ty Cát Long Hải) trong việc mua tàu lặn Tinro 2. Do tàu không có hồ sơ pháp lý, chưa được đăng ký, đăng kiểm nên bị cáo Tuấn chuyển tàu Tinro 2 ra địa phận TP Hải Phòng để tạo tình huống vi phạm pháp luật, bị Hải quan TP Hải Phòng bắt giữ. Sau đó, Tuấn liên hệ để Công ty Cát Long Hải được mua tàu Tinro 2 với giá 100 triệu đồng.
 
Tiếp theo, theo chỉ đạo của bị cáo Hảo, hai bị cáo Tuấn và Huệ gặp và đặt vấn đề với Hoàng Lộc (giám định viên, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần giám định, thẩm định Việt Nam) về việc nâng giá trị tàu Tinro 2 để Công ty Cát Long Hải bán và thuê tài chính với Công ty ALC II. Bị cáo Lộc biết rõ tàu Tinro 2 không đủ điều kiện để thẩm định giá do không có Giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm, tình trạng kỹ thuật hư hỏng, không hoạt động được nhưng vẫn chỉ đạo Lê Phúc Đức (giám định viên, nguyên Trưởng phòng giám định, thẩm định của Công ty cổ phần giám định, thẩm định Việt Nam) lập khống hồ sơ giám định, thẩm định giá.

Bị cáo Đức khi thực hiện nghiệp vụ giám định, thẩm định biết rõ việc nâng giá trị tàu Tinro 2 theo chỉ đạo của bị cáo Lộc là không đúng với tình trạng của tàu nhưng vẫn lập biên bản giám định hiện trường, lập kế hoạch thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá, kết luận chất lượng kỹ thuật của tàu Tinro 2 sai sự thật. Từ đó, bị cáo Lộc ký ban hành Chứng thư thẩm định giá, kết luận thiết bị lặn Tinro 2 có giá trị 130 tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của bị cáo Hảo, các bị cáo Nguyễn Văn Tài (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty ALC II), Phạm Xuân Nghị (nguyên Trưởng Phòng cho thuê của Công ty ALC II), Nguyễn Văn Thọ (nguyên Phó Trưởng Phòng cho thuê của Công ty ALC II), Đinh Nguyên Tý (nguyên Phó Trưởng Phòng cho thuê của Công ty ALC II), Phùng Văn Đồng (nguyên Phó Trưởng phòng kinh doanh 1 Công ty ALC II) dù biết được giá trị tàu Tinro 2 được Công ty Cát Long Hải mua chỉ 100 triệu đồng, có sự chênh lệch lớn giữa giá trị đầu vào, giá bán và thuê lại, không đảm bảo hồ sơ pháp lý về tài sản theo quy định về nghiệp vụ cho vay nhưng vẫn hoàn tất thủ tục, hồ sơ tín dụng không đúng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc thẩm định dự án kinh doanh, năng lực tài chính và giá trị về tài sản đầu tư của Công ty Cát Long Hải; ký biểu quyết cho thuê tài chính với tài sản bảo đảm là tàu Tinro 2 đã được nâng giá trị lên 1.300 lần.

Với tư cách đại diện Công ty ALC II, bị cáo Hảo ký hợp đồng mua tàu Tinro 2 từ Công ty Cát Long Hải với giá 130 tỷ đồng, và trong cùng ngày ký hợp đồng cho Công ty Cát Long Hải thuê tài chính chiếc tàu Tinro 2 với giá 130 tỷ đồng trong thời hạn 60 tháng. Vài ngày sau, Công ty ALC II giải ngân 130 tỷ đồng cho Công ty Cát Long Hải. Trong số tiền chiếm đoạt được, bị cáo Hảo sử dụng gần 79 tỷ đồng để mua 89.496,4 m2 đất Trạm dừng chân Miền Tây ở huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang.

Theo công tố viên, hành vi của các bị cáo đã phạm vào tội "Tham ô tài sản", làm ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế, xã hội của Nhà nước, gây bức xúc trong dư luận quần chúng về việc thực thi chính sách pháp luật, cần phải xét xử bằng một mức án nghiêm. Việc nâng khống giá trị Tinro 2 xuất phát từ sự biến chất, tha hóa, ý thức đục khoét tài sản Nhà nước của bị cáo Hảo và đồng phạm. Đối với từng bị cáo, công tố viên nhận xét:

- Trong vụ án này, bị cáo Hảo là đối tượng chủ mưu, với sự giúp sức đắc lực của bị cáo Tuấn và bị cáo Lộc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Những bị cáo này không còn khả năng cải tạo, cần loại trừ vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội.
 
- Các bị cáo Hòa, Huệ, Đức tham gia vụ án với vai trò giúp sức, cần cách ly vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội.
 
- Các bị cáo Tài, Tý, Thọ, Nghị, Đồng là mắt xích quan trọng trong vụ án, biết rõ việc nâng khống giá trị tàu Tinro 2 nhưng vẫn hoàn tất thủ tục, hồ sơ tín dụng không đúng theo quy định; ký biểu quyết cho thuê tài chính với tài sản bảo đảm là tàu Tinro 2 đã được nâng giá trị lên 1.300 lần. Tuy nhiên, cũng cần xét các bị cáo này phạm tội có phần hạn chế, có nhiều cống hiến cho hoạt động của Công ty ALC II nên giảm một phần hình phạt, chỉ cách ly ra khỏi xã hội trong một thời gian dài.

Với những nhận định trên, công tố viên đề nghị hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo Hảo, Tuấn, Lộc cùng mức án tử hình; các bị cáo Hòa, Huệ, Đức cùng mức án tù chung thân; các bị cáo Tài, Tý, Thọ, Nghị cùng mức án từ 18 đến 20 năm tù; bị cáo Đồng mức án từ 16 đến 18 năm tù.

Ngày mai 19-9, phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục