Dư luận trái chiều qua bản án 7 năm tù

Dư luận trái chiều qua bản án 7 năm tù

Vụ đổi chai nước ngọt có ruồi giá 500 triệu đồng

(SGGP).- Chiều 18-12, sau 2 ngày xét xử sơ thẩm, HĐXX TAND tỉnh Tiền Giang tuyên phạt bị cáo Võ Văn Minh (35 tuổi, ngụ xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) 7 năm tù giam về tội Cưỡng đoạt tài sản.

HĐXX nhận định: Trong trường hợp phát hiện chai nước ngọt của Tân Hiệp Phát có ruồi thì đúng ra bị cáo Minh nên báo với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, bị cáo Minh đã dùng chai nước ngọt này để uy hiếp tinh thần của Công ty Tân Hiệp Phát. Hành vi của bị cáo Minh gây nguy hiểm cho xã hội; uy hiếp, đe dọa gây thiệt hại đến tài sản của người khác. HĐXX xác định bị cáo Minh đã nhận 500 triệu đồng từ nhà sản xuất và bị bắt quả tang. Tòa cho rằng đây không phải là việc giao kết hợp đồng dân sự vì không có sự hoàn toàn thỏa thuận tự nguyện, mà đây là hành vi sử dụng thủ đoạn để chiếm đoạt 500 triệu đồng và bị công an bắt quả tang.

Tuy nhiên, HĐXX xét thấy Minh chưa có tiền án tiền sự, chưa gây ra thiệt hại, nguyên đơn dân sự xin giảm nhẹ hình phạt nên đã quyết định tuyên phạt Võ Văn Minh 7 năm tù. HĐXX cũng cho rằng yêu cầu xin lỗi của phía Công ty Tân Hiệp Phát là không có căn cứ, bởi bị cáo chưa đăng báo, chưa phát tán tờ rơi.

Bị cáo Võ Văn Minh tại phiên tòa. Ảnh: Bình Đại

Theo HĐXX nhận định, lời bào chữa của các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo chưa có cơ sở vững chắc, chưa phù hợp pháp luật nên không được xem xét. Trong khi đó, HĐXX cũng lưu ý nhà sản xuất nên xem lại cách hành xử của mình với khách hàng; nên báo với cơ quan chức năng để cùng xử lý những vụ việc tương tự.

Điều đáng lưu ý là trong 2 ngày diễn ra phiên tòa, nhiều vấn đề tranh luận về pháp lý đã được nêu ra. Luật sư bảo vệ quyền lợi bị cáo cho rằng, vụ án không thể đưa ra xét xử bởi điều tra viên cho luật sư của người bị hại tham gia hỏi cung, còn luật sư của bị đơn thì không. Mọi lời khai không ngoài khả năng mớm cung nên không có giá trị. Việc gia hạn điều tra nhưng điều tra viên không thông báo cho luật sư làm ảnh hưởng nghiêm trọng quyền bào chữa của luật sư và bị cáo. Việc đưa bản án một vụ việc tương tự của Tân Hiệp Phát hồi năm 2013 vào hồ sơ vụ án này cũng không khách quan. Thiếu nhiều nhân chứng là những người trực tiếp tham gia giải quyết vụ việc cũng như những người chứng kiến.

Trong khi đó, luật sư bảo vệ quyền lợi nhà sản xuất cho rằng, Công ty Tân Hiệp Phát lo sợ hành vi của anh Minh vì Minh liên tục đe dọa, buộc phải giao tiền. Chính vì thế nhà sản xuất mới lo và báo công an nhưng “không thấy gì” nên phải giải quyết yêu cầu của Minh. Vì thế, nếu công an không bắt quả tang, thì hôm nay Tân Hiệp Phát sẽ yêu cầu Minh trả lại 500 triệu đồng. Thiệt hại gián tiếp là về uy tín, thương hiệu từ hành vi của Minh…

Dư luận xã hội cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Một luồng dư luận cho rằng, anh Minh là người tiêu dùng thì có quyền yêu cầu Tân Hiệp Phát chuộc lại sản phẩm lỗi với số tiền mà anh Minh cảm thấy phù hợp. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng khi anh Minh phát hiện ra con ruồi trong chai nước, thay vì yêu cầu Hội Bảo vệ người tiêu dùng vào cuộc thì anh Minh lại yêu cầu Tân Hiệp Phát đưa tiền để làm lợi cho bản thân. Hành vi của anh Minh là tham lam. Ngoài những ý kiến tranh luận trên, còn có các ý kiến đặt câu hỏi về đạo đức kinh doanh của Tân Hiệp Phát khi đã có hàng loạt hành vi báo công an để đưa “khách hàng” phản ánh về chai nước vào tù.

ĐĂNG NGUYÊN - BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục