Thận trọng chuyển phạt tiền thành phạt tù

Cần thận trọng khi bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền thành phạt tù. Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tại cuộc họp các đơn vị thuộc bộ nhằm xây dựng, hoàn thiện Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi mới đây.

Cần thận trọng khi bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền thành phạt tù. Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tại cuộc họp các đơn vị thuộc bộ nhằm xây dựng, hoàn thiện Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi mới đây.

Dự thảo hiện nay của bộ luật này có 427 điều, trong đó giữ nguyên 17 điều, bổ sung mới 47 điều, sửa đổi 361 điều và bãi bỏ 7 điều của BLHS hiện hành. Trong đó, việc bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành phạt tù trong trường hợp người bị kết án cố tình không chấp hành án phạt tiền, án cải tạo không giam giữ được đặc biệt quan tâm cho ý kiến.

Nhiều ý kiến tán thành sự cần thiết bổ sung cơ chế trên để bảo đảm tăng tính răn đe, phòng ngừa của hai hình phạt này, vì nếu chờ đợi để xử lý về tội không chấp hành án thì quá lâu mà không hiệu quả. Hầu như tội này cũng chưa được xét xử trên thực tế. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa nhận định, việc bổ sung quy định này cần được cân nhắc hết sức thận trọng, vì đây là sự chuyển đổi hình phạt theo hướng nặng hơn.

Ngoài ra, cũng phải tính kỹ nhiều vấn đề: tỷ lệ chuyển đổi từ tiền thành hình phạt tù là bao nhiêu, nhất là trong trường hợp khung hình phạt được áp dụng lại không có quy định hình phạt tù; thủ tục, thẩm quyền chuyển đổi; quan hệ giữa quy định này với quy định của BLHS về tội không chấp hành án và quy định của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án…

Đối với loại hành vi vi phạm vừa có chế tài xử phạt hành chính vừa có chế tài xử lý hình sự cũng còn những quan điểm khác biệt. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền cho rằng, mức khởi điểm của hình phạt tiền trong chế tài hình sự phải bằng hoặc cao hơn mức tối đa của phạt tiền hành chính để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về xử lý các vi phạm pháp luật. Ngược lại, có ý kiến lại cho rằng, tính nghiêm khắc của việc xử phạt hình sự so với xử phạt hành chính không chỉ thể hiện thuần túy ở chế tài xử phạt mà còn ở các khía cạnh khác liên quan đến quy trình tố tụng hình sự và đặc biệt là hậu quả pháp lý mà người bị kết án phải gánh chịu (án tích).

Hơn nữa, mức phạt tiền hành chính tối đa không phải áp dụng đối với mọi trường hợp vi phạm hành chính mà thường chỉ áp dụng trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng có nhiều tình tiết tăng nặng… Nếu lấy mức tối đa của phạt tiền hành chính làm mức khởi điểm phạt tiền hình sự thì sẽ dẫn đến tình trạng quy định mức phạt tiền đối với các tội phạm hình sự quá cao, vừa không hợp lý, vừa tạo ra khả năng tồn đọng án không thi hành được.

Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Đặng Thanh Sơn nói: “Mối quan hệ giữa hành chính và hình sự không đơn thuần là phạt tiền, mà còn tước quyền sử dụng giấy phép và cấm hành nghề”. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng ủng hộ quan điểm cho rằng, không nhất thiết trong mọi trường hợp mức khởi điểm của hình phạt tiền trong chế tài hình sự phải bằng hoặc cao hơn mức tối đa của phạt tiền hành chính...

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục