Nhấn mạnh mô hình chính quyền cảng

Góp ý Luật Hàng hải Việt Nam

(SGGP).- Chiều 11-5, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo góp ý dự thảo về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng hải Việt Nam.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đề nghị Bộ luật Hàng hải Việt Nam cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến quyền vận tải nội địa, hàng hải, đặt tên cảng biển, tai nạn hàng hải, tài sản chìm đắm, đầu tư xây dựng luồng hàng hải và cần bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho giám đốc cảng vụ hàng hải… Cụ thể, quyền lợi, nghĩa vụ của thuyền viên; ngăn ngừa việc chuyên chở người, hàng hóa trên tàu bất hợp pháp; Vùng đón trả hoa tiêu là vùng nước được thiết lập và công bố cho tàu thuyền neo đậu để đón trả hoa tiêu hàng hải. Bổ sung khoản 4 và khoản 5 vào sau khoản 3 Điều 60 như sau: Cảng biển quốc tế là cảng biển mở cho tàu biển Việt Nam và tàu biển nước ngoài ra, vào hoạt động phục vụ cho vận chuyển quốc tế và vận chuyển nội địa. Cảng biển nội địa là cảng biển mở ra cho tàu biển Việt Nam ra, vào hoạt động. Bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 và sửa đổi, bổ sung Điều 61 như sau: Bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường cho tàu thuyền ra, vào hoạt động.

Sở Giao thông Vận tải TPHCM góp ý tại khoản 5 điều 3 Luật Biển Việt Nam: Tàu thuyền công vụ là tàu thuyền chuyên dùng để thực hiện các công vụ của Nhà nước không vì mục đích thương mại; tại khoản 2 điều 7 Luật Biên giới Quốc gia: Vùng nước cảng được giới hạn bởi đường nối các điểm nhô ra ngoài khơi xa nhất của các công trình thiết bị thường xuyên là bộ phận hữu cơ của hệ thống cảng; tại điều 64b chính quyền cảng nên tách ra, bổ sung thành một chương về chính quyền cảng vì đây là điểm đột phá nhất trong các nội dung sẽ được nghiên cứu, sửa đổi bổ sung lần này, phải có một mô hình tổ chức cho phù hợp để thống nhất được tất cả các lực lượng liên quan trong khu vực cảng biển; không hoàn toàn quản lý nhà nước mà vừa làm nhiệm vụ quản lý cảng, vừa đầu tư kinh doanh, khai thác cảng. Không phải cảng nào cũng có chính quyền cảng, mà chỉ triển khai thực hiện tại các cảng biển đặc biệt quan trọng có quy mô lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội của cả nước và liên vùng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Trần Du Lịch ghi nhận những ý kiến, kiến nghị, đồng thời khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Hàng hải Việt Nam lần này càng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động hàng hải, giúp cho ngành Hàng hải Việt Nam ngày càng phát triển.

Quốc Hùng

Tin cùng chuyên mục