Đề nghị lấy ý kiến nhân dân về dự án Bộ luật Hình sự sửa đổi

Chiều 20-5, các dự án trong lĩnh vực tư pháp đã được trình bày trước Quốc hội, gồm dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi); dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).

(SGGPO).- Chiều 20-5, các dự án trong lĩnh vực tư pháp đã được trình bày trước Quốc hội, gồm dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi); dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).

Qua thẩm tra dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, để bảo đảm tính khả thi, chất lượng và hiệu quả của dự án Bộ luật, việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật lần này trước hết cần tập trung giải quyết những vấn đề thực sự vướng mắc làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã được làm rõ trong quá trình tổng kết thực tiễn thi hành BLHS, chỉ bổ sung những vấn đề mới khi thực sự cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hoàn thiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước. 

Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự án Bộ luật này. Tuy nhiên, trong điều kiện Quốc hội khóa XIII chỉ còn 3 kỳ họp, Ủy ban đề nghị Quốc hội xem xét chỉ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về một số vấn đề quan trọng còn nhiều ý kiến khác nhau, làm cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật, để bảo đảm chương trình cho ý kiến và thông qua dự án BLHS qua 2 kỳ họp.

Không nên quy định tội phạm và hình phạt trong luật chuyên ngành

Theo Tờ trình của Chính phủ, có 4 vấn đề lớn về nội dung còn ý kiến khác nhau xin ý kiến Quốc hội. Cụ thể, về quy định tội phạm và hình phạt trong luật chuyên ngành (mở rộng nguồn của luật hình sự), Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc các đạo luật chuyên ngành đơn lẻ quy định tội phạm và hình phạt sẽ khó có thể đáp ứng yêu cầu bảo đảm tính khách quan, thống nhất và đồng bộ của cả hệ thống tội phạm, hình phạt và các chế định khác của pháp luật hình sự. Vì vậy, Ủy ban Tư pháp đề nghị không đặt vấn đề quy định tội phạm và hình phạt trong luật chuyên ngành khác.

Cân nhắc kỹ việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân 

Liên quan đến trách nhiệm hình sự của pháp nhân, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân là nội dung đã được Quốc hội thảo luận nhiều lần, vì vậy cần được cân nhắc kỹ. Căn cứ quy định hiện hành, vẫn có thể xử lý trách nhiệm dân sự, hành chính đối với pháp nhân và xử lý hình sự đối với người có thẩm quyền của pháp nhân. Bên cạnh đó, các chế tài hình sự áp dụng đối với pháp nhân theo phương án của dự thảo Bộ luật (tước quyền sử dụng giấy phép, đình chỉ hoạt động, cấm kinh doanh...) cũng đã được áp dụng trong xử lý vi phạm hành chính. Hơn nữa, nếu đặt ra vấn đề xử lý TNHS đối với các pháp nhân là tổ chức kinh tế và chỉ trong một số loại tội như dự thảo, thì sẽ không bảo đảm tính công bằng với các loại hình pháp nhân khác cũng có vi phạm tương tự. Mặc dù vậy, vẫn có một số ý kiến khác tán thành với đề xuất của Chính phủ về sự cần thiết bổ sung vào BLHS quy định về TNHS và phạm vi chịu TNHS của pháp nhân là tổ chức kinh tế.

Chưa nên bỏ khung hình phạt tử hình ở một số tội danh

Về vấn đề hạn chế hình phạt tử hình, Ủy ban Tư pháp tán thành định hướng tiếp tục hạn chế hình phạt tử hình ở cả 3 phương diện: giảm bớt số tội danh có hình phạt tử hình; quy định điều kiện chặt chẽ nhằm hạn chế các trường hợp áp dụng hình phạt tử hình và mở rộng hơn đối tượng bị kết án tử hình nhưng không phải thi hành án tử hình nhằm thể hiện rõ sự khoan hồng, nhân đạo của nhà nước ta.

Ở nội dung giảm bớt số tội danh có hình phạt tử hình, hiện đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành việc bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình, gồm: cướp tài sản; phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh.

Có ý kiến cho rằng, có thể cân nhắc để bỏ hình phạt tử hình ở Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157 BLHS hiện hành), song chưa nên bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược,  tội chống loài người, tội phạm chiến tranh (các điều: 436, 437 và 438 dự thảo), vì đây là loại tội nghiêm trọng nhất trong các tội đặc biệt nghiêm trọng và xét về ý nghĩa chính trị, chừng nào còn duy trì hình phạt tử hình thì không nên bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh này.

Không tán thành chuyển phạt tiền thành phạt tù

Cuối cùng, về bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp không tán thành với quy định việc chuyển hình phạt tiền thành hình phạt tù vì cho rằng, quy định này không phù hợp với mục tiêu giảm hình phạt tù theo định hướng cải cách tư pháp và khó bảo đảm tính khả thi. Bên cạnh đó, cơ chế, tỷ lệ chuyển từ hình phạt tiền thành hình phạt tù như dự thảo chưa bảo đảm sự thống nhất và tính hợp lý, sẽ khó bảo đảm tính công bằng. 

Chẳng hạn, theo quy định tại khoản 4 Điều 35 dự thảo, người bị phạt tiền mức tối thiểu là 1 triệu đồng có thể bị quy đổi thành tù 3 tháng, trong khi người bị phạt 100 triệu đồng bị quy đổi thành tù 1 năm; người bị phạt tiền trên 100 triệu đồng có thể bị quy đổi tù 1 năm, người bị phạt 500 triệu có thể bị quy đổi thành tù 3 năm; trong khi đó, người bị phạt tiền mức 5 tỷ đồng chỉ có thể bị quy đổi thành 5 năm tù.

Bên cạnh đó, có ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc bổ sung cơ chế chuyển hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án để bảo đảm hiệu lực và hiệu quả của loại hình phạt này. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, trước mắt chỉ nên quy định cho phép chuyển đổi từ hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục