Đại gia thủy sản ôm 800 tỷ đồng bỏ trốn, 25 sếp ngân hàng hầu tòa

Ngày 20-7, TAND tỉnh Sóc Trăng mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam.
Đại gia thủy sản ôm 800 tỷ đồng bỏ trốn, 25 sếp ngân hàng hầu tòa

(SGGPO).- Ngày 20-7, TAND tỉnh Sóc Trăng mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam.

Đây là 1 trong những vụ án nghiêm trọng từng được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo xử lý.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Có tất cả 27 bị cáo được triệu tập ra tòa. Trong đó nguyên kế toán trưởng của Công ty Phương Nam là Lâm Minh Mẫn và Phó giám đốc Trịnh Hồng Phượng (cùng 35 tuổi) bị Viện KSND tối cao truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 25 bị cáo còn lại nguyên là lãnh đạo, cán bộ của 5 ngân hàng có chi nhánh tại tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu cùng bị truy tố về tội: “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Gần 30 luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo và các ngân hàng có liên quan. Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Lý Thị Thu Nga, Phó Chánh tòa kinh tế TAND tỉnh Sóc Trăng. Viện KSND tối cao ủy quyền cho Viện KSND tỉnh Sóc Trăng làm đại diện cơ quan công tố.

Theo cáo trạng của Vụ Thực hành quyền Công tố và Kiểm sát điều tra án tham nhũng (Viện KSND Tối cao), công ty TNHH Phương Nam thành lập năm 1998 đến năm 2000 thì nâng lên thành công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam (gọi tắt là công ty Phương Nam) với ngành nghề kinh doanh thu mua chế biến tôm xuất khẩu, tiêu thụ nội địa và mua bán thức ăn, vật tư phục vụ nuôi tôm... với vốn điều lệ 295 tỷ đồng. các cổ đông gồm: Lâm Ngọc Khuân góp 35,26%; Trần Thị Mỹ (vợ ông khuân) 20,5%; Lâm Ngọc Hân (con gái ông Khuân, việt kiều Mỹ) 20,24%; Huỳnh Phúc Quế 24% (cháu ông Khuân, thực tế chỉ đứng tên, không góp vốn). Ông Khuân làm người đại diện theo pháp luật, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc công ty.  

Cha con đại gia thủy sản Lâm Ngọc Khuân và Lâm Ngọc Hân đang bỏ trốn

Năm 2008 đến tháng 9-2012, công ty Phương Nam liên tục hoạt động thua lỗ với tổng số tiền gần 1.000 tỷ đồng. Công ty thiếu nợ các ngân hàng 1.700 tỷ đồng. Để các ngân hàng cho Công ty Phương Nam vay vốn, Lâm Ngọc Khuân, Lâm Ngọc Hân, Lâm Minh Mẫn, Trịnh Thị Hồng Phượng đã có những hành vi: Lập 19 báo cáo tài chính gian dối về kết quả kinh doanh hàng năm đều có lãi gửi các ngân hàng vay vốn; Gian dối trong việc thế chấp tài sản là hàng tồn kho tôm đông lạnh vay vốn ngân hàng; Dùng một tài sản là hàng tồn kho thế chấp nhiều Ngân hàng vay vốn; Gian dối trong việc cung cấp các báo cáo, số liệu về tình hình sản xuất kinh doanh và hàng tồn kho khi cán bộ ngân hàng xuống kiểm tra việc sử dụng vốn vay nhằm che giấu việc sử dụng vốn sai mục đích để chiếm đoạt số tiền hơn 784 tỷ đồng của 5 ngân hàng gồm (LPB Hậu Giang, VDB Sóc Trăng, VCB Sóc Trăng, Sacombank Sóc Trăng và AB bank Bạc Liêu).

Trong đó, Lâm Ngọc Khuân và Lâm Ngọc Hân có vai trò chủ mưu, cầm đầu chỉ đạo Lâm Minh Mẫn và Trịnh Thị Ngọc Phượng thực hiện các hành vi để chiếm đoạt số tiền trên. Sau khi phạm tội, Lâm Ngọc Khuân cùng con gái Lâm Ngọc Hân đã bỏ trốn ra nước ngoài. Cơ quan CSĐT, Bộ Công an ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nả quốc tế; khi nào bắt được sẽ phục hồi điều tra xử lý. Đại diện Viện kiểm sát xác định, hành vi của Lâm Minh Mẫn và Trịnh Thị Ngọc Phượng đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vai trò đồng phạm giúp sức.

Theo Viện Kiểm sát, căn cứ tài liệu điều tra tại 5 Ngân hàng (LPB Hậu Giang, VDB Sóc Trăng, VCB Sóc Trăng, Sacombank Sóc Trăng và ABbank Bạc Liêu) có cơ sở xác định hành vi vi phạm quy định về cho vay của các cán bộ ngân hàng trong thẩm định hồ sơ vay vốn, thẩm định tài sản bảo đảm là hàng tồn kho, quản lý tài sản là hàng tồn kho để thế chấp cho ngân hàng, giải ngân và kiểm tra sau giải ngân không đúng; đã vi phạm khoản 3, điều 94 Luật các tổ chức tín dụng…. dẫn đến hậu quả cho 5 ngân hàng không thu hồi được số tiền hơn 825 tỷ đồng.

Trong đó, Ngân hàng VDB Sóc Trăng có 5 bị cáo có liên quan, gồm: Giám đốc Nguyễn Thế Thắng; Phó giám đốc Nguyễn Văn Xem; Trần Văn Nhã, Vũ Văn Quang; Từ Quỳnh Ngân (lần lượt là trưởng, phó phòng và cán bộ phòng tín dụng)) đã vi phạm và gây hậu quả cho VDB Sóc Trăng không thu hồi được số tiền hơn 314,1 tỷ đồng. Ngân hàng LPB Hậu Giang có 8 bị cáo, gồm: Giám đốc Đỗ Hùng Sở; Phó Giám đốc Vũ Ngọc Thuận; Trưởng phòng khách hàng Nguyễn Hoài Bảo; Trưởng phòng quản lý tín dụng Nguyễn Thanh Hải; Tống Hùng Vĩ, Nguyễn Việt Tâm, Nguyễn Thanh Vinh, Phạm Vĩnh Phúc (là cán bộ, chuyên viên tín dụng)) gây hậu quả cho ngân hàng không thu hồi được số tiền gần 196 tỷ đồng. Sacombank Sóc Trăng có 6 bị cáo gồm: Giám đốc Nguyễn Thanh Long, Phó Giám đốc Lưu Quốc Cường, Trưởng phòng doanh nghiệp Võ Lê Việt Thắng, Trưởng phòng hỗ trợ kinh doanh Lê Hoàng Phong, Trưởng bộ phận quản lý tín dụng Lê Mạnh Hùng, chuyên viên khách hàng Trương Văn Hùng gây hậu quả không thu hồi số tiền hơn 132 tỷ đồng. AB bank Bạc Liêu có 3 bị cáo liên quan gồm: Giám đốc Nguyễn Văn Sơn; Trưởng Phòng quan hệ khách hàng Võ Văn Trương; Trưởng phòng Quản lý tín dụng Kim Hoàng Minh Tân …gây hậu quả không thu hồi được số tiền hơn 53 tỷ đồng. Cuối cùng là VCB Sóc Trăng có 3 bị cáo gồm: Phó giám đốc Nguyễn Thị Bích Dung; Trưởng phòng khách hàng Lâm Quốc Tuấn; cán bộ tín dụng Huỳnh Thị Ngọc Huệ gây hậu quả cho VCB Sóc Trăng không thu hồi được hơn 77 tỷ đồng.  Theo Viện Kiểm sát, hành vi của 25 lãnh đạo, cán bộ 5 ngân hàng này đã phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức chức tín dụng”. Trong đó, những người chịu trách nhiệm chính là các giám đốc, phó giám đốc. Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài đến ngày 31-7.

 BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục