Việc lập vi bằng của Thừa phát lại gián tiếp giảm tải cho tòa án

Ngày 24-7, Sở Tư pháp TPHCM tổ chức tọa đàm hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại: lý luận và thực tiễn.
Việc lập vi bằng của Thừa phát lại gián tiếp giảm tải cho tòa án

(SGGP).- Ngày 24-7, Sở Tư pháp TPHCM tổ chức tọa đàm hoạt động lập vi bằng của Thừa phát lại: lý luận và thực tiễn.

Sở Tư pháp TPHCM cho biết, từ khi thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (năm 2010) đến hết tháng 6-2015, các Thừa phát lại trên địa bàn TP đã lập hơn 32.500 vi bằng. Số lượng vi bằng được lập của năm sau luôn cao hơn năm trước. Các vi bằng được lập có nội dung đa dạng về các sự kiện, hành vi xảy ra trong đời sống xã hội. Riêng từ đầu năm 2015 đến nay, trong số hơn 7.200 vi bằng được đăng ký tại Sở Tư pháp, thì sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại ghi nhận nhiều nhất là hành vi giao nhận tiền (hơn 4.900 vi bằng, chiếm hơn 68%); ghi nhận cuộc họp, buổi làm việc của các bên; ghi nhận việc giao nhận tài sản… Ngoài ra còn có các dạng vi bằng khác như: ghi nhận nội dung trên trang thông tin điện tử, nội dung ghi âm; ghi nhận việc trưng bày, mua sản phẩm, việc thăm nom con…

Góp ý dự thảo báo cáo về chế định Thừa phát lại tại Sở Tư Pháp TPHCM

Theo thống kê của Tòa án nhân dân TPHCM, tính đến tháng 6-2015, Tòa án nhân dân hai cấp tại TP có 117 vụ việc sử dụng vi bằng của Thừa phát lại làm chứng trong xét xử. Xét về mặt hiệu quả tác động đến xã hội, hoạt động lập vi bằng đã cung cấp được những chứng cứ xác thực, có độ tin cậy về tính khách quan đối với sự kiện, hành vi được lập vi bằng cho hoạt động xét xử, góp phần quan trọng trong việc chứng minh yêu cầu của người khiếu kiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Bên cạnh hiệu quả trong việc cung cấp chứng cứ xác thực, khách quan cho hoạt động xét xử của tòa án, hoạt động Thừa phát lại có tác dụng quan trọng trong việc phòng ngừa, hạn chế tranh chấp. Bởi, các bên trong quan hệ giao dịch đã có căn cứ pháp lý để chứng minh và bảo vệ quyền dân sự của mình (thông qua những nội dung sự kiện, hành vi được ghi nhận trong các vi bằng do Thừa phát lại lập). Từ đó, gián tiếp giảm tải cho hoạt động xét xử và thi hành án của tòa án, của cơ quan thi hành án.

Tuy nhiên, trong thời gian thí điểm, các quy định pháp luật về Thừa phát lại nói chung và các quy định về hoạt động lập vi bằng nói riêng còn chưa đầy đủ, gây khó khăn cho các Thừa phát lại trong quá trình hoạt động, cũng như làm cho một số cơ quan, tổ chức, cá nhân ngộ nhận vi bằng với văn bản công chứng, chứng thực, vì đều có giá trị chứng cứ.

Do đó, trong thời gian tới cần thiết phải có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp đối với việc lập vi bằng của Thừa phát lại. Trong đó, cần quy định cụ thể, rõ ràng thẩm quyền lập vi bằng của Thừa phát lại, tránh chồng lấn với thẩm quyền công chứng, chứng thực của tổ chức hành nghề công chứng và UBND các cấp. Đặc biệt, cần quy định chi tiết trình tự, thủ tục lập vi bằng để các Thừa phát lại thực hiện thống nhất.

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục