Sửa luật phải phù hợp thực tế

Cân nhắc TNHS đối với người dưới 16 tuổi
Sửa luật phải phù hợp thực tế

Ngày 14-10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức Hội thảo góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Dự kiến luật này sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV. 18 lượt ý kiến tại buổi hội thảo xoay quanh những nội dung về phạm vi sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự…

Quan cảnh buổi hội thảo

Cân nhắc TNHS đối với người dưới 16 tuổi

Thời gian gần đây, các vụ án do những đối tượng trẻ tuổi gây ra ngày càng nhiều. Đứng trước tình trạng độ tuổi tội phạm ngày càng trẻ hóa, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM Lê Minh Đức đề nghị Quốc hội cân nhắc khi bổ sung khoản 2 Điều 12 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 (gọi tắt là dự thảo) liên quan đến phạm vi chịu TNHS của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Theo khoản 2 Điều 12 dự thảo, người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm “rất nghiêm trọng do cố ý” hoặc tội phạm “đặc biệt nghiêm trọng” quy định tại một trong các điều sau: Điều 123 (tội giết người), Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác), Điều 141 (tội hiếp dâm), Điều 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi), Điều 143 (tội cưỡng dâm), Điều 144 (tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi), Điều 150 (tội mua bán người), Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi), Điều 168 (tội cướp tài sản), Điều 169 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản), Điều 170 (tội cưỡng đoạt tài sản), Điều 171 (tội cướp giật tài sản), Điều 173 (tội trộm cắp tài sản), Điều 178 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản), Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy), Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy), Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy), Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy), Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy), Điều 265 (tội tổ chức đua xe trái phép), Điều 266 (tội đua xe trái phép), Điều 286 (tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử), Điều 287 (tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử), Điều 289 (tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác), Điều 290 (tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản), Điều 299 (tội khủng bố), Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia), Điều 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự). Theo ông, có thể do quá nhấn mạnh đến tính nhân đạo hoặc chưa có sự tách bạch về độ tuổi của người chưa thành niên phạm tội mà các quy định thể hiện việc xử lý quá nhẹ đối với hành vi phạm tội của người chưa thành niên. Điều này có thể gây lo lắng về sự an toàn của xã hội cũng như hoài nghi về tính nghiêm minh của Bộ luật Hình sự.

Ngược lại với quan điểm trên, TS. Trần Du Lịch (nguyên Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM) tán thành quan điểm người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ chịu TNHS đối với các tội “rất nghiêm trọng do cố ý” hoặc “đặc biệt nghiêm trọng”, và chỉ giới hạn trong các tội danh được liệt kê cụ thể trong Bộ luật Hình sự. “Quan điểm này phù hợp với chính sách giáo dục người vị thành niên”, ông phát biểu. Cũng cho rằng người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS về các tội “rất nghiêm trọng do cố ý” hoặc “đặc biệt nghiêm trọng” nhưng Thượng tá Nguyễn Hữu Bằng, Phó Trưởng Phòng Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp – Công an TPHCM đề nghị không giới hạn trong tội danh được liệt kê.

Pháp nhân có chịu TNHS như cá nhân?

Khoản 1 Điều 9 dự thảo phân chia tội phạm thành 4 loại: ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Khoản 2 Điều 9 dự thảo quy định: tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại dựa trên cơ sở phân loại tội phạm quy định tại khoản 1. TS. Phan Anh Tuấn (Trường Đại học Luật TPHCM) đề nghị bỏ khoản 2 Điều 9. Theo ông, quy định về phân loại tội phạm và thời hiệu truy cứu TNHS trong Bộ luật Hình sự 2015 dựa vào hình phạt tù, pháp nhân không phải chịu hình phạt này nên không có cơ sở để áp dụng đối với pháp nhân. Bên cạnh đó, có những trường hợp chỉ có cá nhân chịu do đặc điểm xấu về nhân thân (như đã bị xử phạt hành chính, có án tích, tái phạm nguy hiểm…) thì không thể bắt pháp nhân chịu.

Tuy nhiên, nêu quan điểm của mình, TS. Trần Du Lịch lại cho rằng tội phạm do pháp nhân thương mại gây ra cũng xếp thành 4 loại ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nhằm áp dụng tương ứng cho 31 tội phạm của pháp nhân thương mại.

Đối với Điều 292 trong Bộ luật Hình sự 2015 - “Tội cung cấp dịch cụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông”, TS. Trần Du Lịch cho rằng cần phải bỏ vì điều luật này trái với Luật Đầu tư, Luận Doanh nghiệp; đồng thời trái với quan điểm người dân được làm những gì pháp luật không cấm.

Theo Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM Lê Minh Đức, trong thời gian gần đây, các cơ quan tiến hành tố tụng không thể thống nhất được có hay không giám định hàm lượng chất ma túy để xử lý hình sự, dẫn đến tồn đọng án ma túy kéo dài, vi phạm về thời hạn tố tụng, thời hạn tạm giam gây bức xúc xã hội. Do đó, ông đề nghị bổ sung cụ thể các quy định giám định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự và tạo sự thống nhất giữa các cơ quan xét xử án ma túy.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục