Tội phạm đang trẻ hóa

Cái tên Lê Văn Luyện năm nào làm dậy sóng dư luận về độ man rợ khi ra tay sát hại 3 người trong một gia đình ở tỉnh Bắc Giang, đã phần nào lắng xuống. Nguyên nhân vì thời gian qua đã nổi lên những cái tên khác gây ra những vụ án kinh hoàng, dã man hơn và đa số trong đó là những tội phạm trẻ tuổi.
Tội phạm đang trẻ hóa

Cái tên Lê Văn Luyện năm nào làm dậy sóng dư luận về độ man rợ khi ra tay sát hại 3 người trong một gia đình ở tỉnh Bắc Giang, đã phần nào lắng xuống. Nguyên nhân vì thời gian qua đã nổi lên những cái tên khác gây ra những vụ án kinh hoàng, dã man hơn và đa số trong đó là những tội phạm trẻ tuổi.

Những vụ án chấn động

Thử điểm lại khoảng thời gian gần đây sẽ thấy, trong số 4 vụ thảm sát gây chấn động dư luận nhất năm 2015, có tới 3 vụ thủ phạm trẻ dưới 30 tuổi. Đó là những cái tên, gương mặt có lẽ nhiều người sẽ chẳng thể quên như Nguyễn Hải Dương (25 tuổi, quê tỉnh An Giang), Vũ Văn Tiến (25 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) trong vụ thảm sát khiến 6 người trong một gia đình ở tỉnh Bình Phước thiệt mạng, sau đó chiếm đoạt tài sản giá trị gần 50 triệu đồng vào hồi tháng 7-2015. Trước đó, ngày 2-7-2015, Vi Văn Hai (21 tuổi, ngụ bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) cũng ra tay sát hại 4 người trong một gia đình ở cùng bản. Hay Đặng Văn Hùng (27 tuổi, ngụ xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) máu lạnh khi đoạt mạng 4 người cùng ngụ ở xã Lâm Giang do mâu thuẫn làm nương vào chiều ngày 12-8-2015.

Nguyễn Hải Dương cùng đồng bọn tại phiên xử phúc thẩm

Bên cạnh những vụ thảm án thì tội phạm “nhí” chủ mưu hoặc tham gia vào các vụ cướp táo tợn cũng ngày càng gia tăng. Chỉ riêng TPHCM, trong năm hai 2015 và 2016, Công an TPHCM đã phá hàng chục vụ dàn cảnh cướp tài sản mà thủ phạm ở độ tuổi vị thành niên, trong đó có em chỉ mới 11 tuổi. Chẳng hạn Trang Văn Quý (17 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cầm đầu một băng nhóm tuổi teen vừa bị Công an quận Bình Thạnh TPHCM triệt phá; băng nhóm này chuyên cướp giật tài sản với gần chục đàn em đều là những thanh thiếu niên lêu lỗng, không học hành, không nghề nghiệp, nghiện ma túy và game bắn cá - trong đó có cả những đối tượng chưa đủ 14 tuổi.

Thực trạng trên khiến không ít người dân bất an. Dù kinh tế khá giả nhưng chị Nguyễn Mai Hiền (ngụ đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh) chấp nhận bán chiếc xe đắt tiền để đi chiếc xe cũ và không đeo trang sức trên người. Chị Hiền tâm sự: “Sau những thông tin về các vụ cướp giật táo tợn trên đường phố, đặc biệt là đã tận mắt chứng kiến 2 cậu nhóc cỡ 14 -15 tuổi lạng lách rồi ép xe, giật phăng chiếc dây chuyền của một phụ nữ đang đi trên đường khiến người này ngã gãy chân làm tôi luôn lo lắng khi ra đường. Giờ tụi nhỏ manh động lắm, cứ sa đà vào game, nhậu rồi đua đòi chơi bời theo những chuyến “bay” thâu đêm suốt sáng là chuyện gì cũng dám làm”. Còn ông Phan Đắc Thoại (ngụ đường Lê Văn Thịnh, phường Bình Trưng Tây, quận 2) ngán ngẩm: “Giới trẻ ngày nay nhiều cái nhất quá, thông minh nhất, sáng tạo nhất nhưng cũng hung hãn nhất, manh động nhất. Ở nhà sợ đủ thứ, không dám giết con gà, làm con cá nhưng ra ngoài sẵn sàng vung dao, khua kiếm để cướp của, giết người dù biết trước sẽ phải trả giá cho tội ác của mình”.

Nhận diện lý do phạm tội

Trao đổi với chúng tôi, một số điều tra viên cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa là do các em thiếu sự quản lý, kiểm soát từ phía gia đình. Bởi lẽ cùng sống chung nhà thì không thể không biết con em mình đi chơi qua đêm, nhưng nhiều phụ huynh vẫn thờ ơ, không dạy bảo. Ma túy cũng là nguồn gốc dẫn đến các loại tội phạm. Kết quả điều tra các vụ án cho thấy không ít hơn phân nửa số trẻ em thực hiện các hành vi xâm phạm tài sản xuất phát từ nhu cầu cần tiền để sử dụng ma túy. Bên cạnh đó, công tác quản lý xã hội chưa chặt chẽ cũng là điều đáng lưu tâm. Chẳng hạn, ở Việt Nam hiện nay chưa kiểm soát được việc bán thuốc lá, rượu bia cho trẻ em, người dưới 18 tuổi; hoặc chưa có quy định cấm không cho trẻ em, người dưới 18 tuổi vào các quán nhậu, vũ trường, quán bar - nơi các em có điều kiện uống rượu bia và sử dụng ma túy.

Bàn sâu hơn về nguyên nhân từ phía gia đình, một luật sư phân tích: “Trong quá trình bào chữa cho trẻ vị thành niên phạm tội, khi được tiếp cận hồ sơ vụ án, xem lý lịch, tôi nhận thấy đa phần các em rơi vào hoàn cảnh gia đình cha mẹ ly hôn, không có điều kiện chăm sóc con cái hoặc thậm chí có đầy đủ điều kiện, khả năng nhưng lại không có thời gian quan tâm chăm sóc, dạy bảo con cái. Khi vào trại giam, hỏi han 100 em thì 99 em trả lời rằng không được gia đình quan tâm, chăm sóc. Đáng buồn là có những trường hợp các em phạm tội do không được cha mẹ chia sẻ kịp thời những nỗi lo lắng, bức xúc trong lòng. Trong một vụ án tôi được chỉ định bào chữa, bị cáo là một học sinh lớp 10 của một trường THPT tại quận 3. Bị một bạn trong lớp bắt nạt và hay đánh đập, chọc ghẹo, em muốn tâm sự với cha mẹ nhưng không ai có thời gian để lắng nghe, chia sẻ cùng em. Nghe lời bạn bè xúi giục, em lấy con dao Thái Lan ở nhà cất vào cặp để phòng thân. Đến một ngày tiếp tục bị bạn đánh, sau những dồn nén tâm lý, em rút dao đâm một người bạn chết tại chỗ”.

Ngoài ra, theo vị luật sư này, việc nhà trường hiện nay chỉ chú trọng dạy chữ mà quên dạy lễ, chỉ quan tâm làm sao đạt được thành tích dạy tốt - học tốt mà ít quan tâm tìm hiểu tâm lý của học sinh - cũng là một nguyên nhân đáng lưu tâm. Căn bệnh thành tích triền miên của người lớn lôi kéo các bậc phụ huynh ganh đua nhau “con tôi phải học trường này, phải đạt thành tích nọ, sẽ phải là người này người kia”... Chịu quá nhiều áp lực, đến lúc trẻ không kìm nén được nữa sẽ tự khắc phải bung ra, nghiêng về phía tự do, làm những chiêu trò tiêu cực.

 Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Công an vừa qua, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TPHCM, cho biết: Trong 10 tháng đầu năm 2016, các loại tội phạm xâm phạm tài sản - cướp, cướp giật, trộm cắp - trên địa bàn TPHCM, phần lớn (trên 70%) do số thanh thiếu niên thất nghiệp, hư hỏng tụ tập hình thành các nhóm nhỏ thực hiện.

ÁI CHÂN - THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục