Điều tra, xử lý hình sự các vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm

Ngày 9-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ thị yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh thành tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP).

(SGGP).- Ngày 9-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ thị yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh thành tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP).

Chỉ thị nêu rõ, tình trạng vi phạm về ATTP vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là nhiều địa phương chưa quan tâm và thiếu tập trung trong quản lý ATTP, chậm phát hiện và không kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm... Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Y tế, NN-PTNT, Công thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về ATTP đối với ngành hàng được phân công, quản lý chặt chẽ các vật tư liên quan đến ATTP, giải quyết kịp thời các sự cố mất ATTP; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm và các cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý ATTP. Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương nắm chắc tình hình các tuyến, địa bàn trọng điểm về vi phạm tập thể, cá nhân, điều tra, xử lý hình sự các vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực ATTP theo quy định của pháp luật hình sự.

Các bộ: Y tế, NN-PTNT, Công thương quy định danh mục các chất cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm thuộc ngành hàng mình quản lý và phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về chất đó đưa vào danh mục chất cần kiểm soát đặc biệt; tập trung xử lý dứt điểm việc sử dụng salbutamol, chất vàng ô, kháng sinh trong chăn nuôi, sản xuất, chế biến thực phẩm…

Thủ tướng yêu cầu, trước ngày 20-5, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phương án kinh phí cho công tác quản lý ATTP theo hướng cho phép các địa phương sử dụng toàn bộ số tiền phạt vi phạm hành chính về ATTP và bổ sung kinh phí từ ngân sách nhà nước đáp ứng yêu cầu công tác này, đặc biệt là kinh phí cho công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, trang thiết bị kỹ thuật, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn; tổ chức, cá nhân vi phạm phải trả chi phí xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn. Trước mắt, ứng trước 90% dự toán chi ngân sách trung ương năm 2016 đã bố trí cho dự án ATTP thuộc Chương trình mục tiêu y tế - dân số để các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm ATTP năm 2016.

Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp chỉ đạo và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP của cơ quan nhà nước cấp dưới; kiên quyết xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý. Lãnh đạo các cấp từ xã đến tỉnh phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn. Cùng với đó, xác định việc bảo đảm ATTP là một tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa. Các địa phương đầu tư trang thiết bị đo kiểm di động hoặc cố định tại các trung tâm thương mại, chợ nông sản lớn, hướng dẫn và giúp người dân nhận biết thực phẩm an toàn, thực phẩm không an toàn; phát huy năng lực của các trung tâm đo kiểm trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện ATTP.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục