Nhiều thay đổi về tội phạm và hình phạt

Nhiều thay đổi về tội phạm và hình phạt

Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ 1-7

Sau nhiều năm thi hành, Bộ luật Hình sự 1999 đã bộc lộ không ít bất cập, hạn chế. Nhằm tạo công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng chống tội phạm trong điều kiện mới và góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân, Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016) được ban hành thay thế Bộ luật Hình sự 1999 với nhiều sự thay đổi trong quy định về tội phạm, hình phạt. Bộ luật Hình sự 2015 được xác định là sửa đổi cơ bản và toàn diện, gồm 26 chương với 426 điều.

Pháp nhân cũng phải chịu trách nhiệm hình sự

Theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, việc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra đối với cá nhân (con người cụ thể). Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, Việt Nam phải đối mặt với nhiều hiện tượng tiêu cực được coi là mặt trái của kinh tế thị trường như các hành vi vi phạm quy định về độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh, buôn lậu, xâm phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại, làm ô nhiễm môi trường... gây những hậu quả rất nghiêm trọng, thậm chí đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội. Trong hoạt động quản lý của các doanh nghiệp, nhiều chính sách, hành vi của doanh nghiệp được thực hiện theo quyết định của tập thể lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp. Do vậy, việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với một hay một số cá nhân là thiếu công bằng, chưa thật sự hợp lý. Bên cạnh đó, thực tiễn xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, doanh nghiệp thời gian qua cho thấy các chế tài về hành chính, dân sự hoặc kinh tế chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa tái phạm, bởi nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt để được tiếp tục hoạt động. Việc xử lý hình sự đối với pháp nhân sẽ được tiến hành bởi các cơ quan tiến hành tố tụng mang tính chuyên nghiệp cao, với trình tự, thủ tục tư pháp chặt chẽ, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu (mà trong xử lý hành chính, dân sự không có) trong việc chứng minh các hành vi vi phạm, xác minh mức độ thiệt hại do pháp nhân gây ra và đảm bảo việc khắc phục thiệt hại, quyền của người bị hại do pháp nhân gây ra, không để lọt tội phạm.

Các bị cáo trong băng cướp gây ra 15 vụ cướp tài sản trên địa bàn TPHCM, trong đó có vụ chặt tay nạn nhân để cướp xe SH trên cầu Phú Mỹ. Bị cáo cầm đầu Hồ Duy Trúc (thứ hai từ phải sang) vừa qua bị tòa tuyên án tử hình

Bộ luật Hình sự 2015 quy định 31 tội phạm trong lĩnh vực kinh tế và môi trường mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể là các tội: “Buôn lậu”; “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”; “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”; “Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; sản xuất, buôn bán hàng giả”; “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”; “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”; “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi”; “Đầu cơ”; “Trốn thuế”; “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”; “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”; “Sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán”; “Thao túng thị trường chứng khoán”; “Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm”; “Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động”; “Vi phạm quy định về cạnh tranh”; “Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan”; “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”; “Vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”; “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản”; “Vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã”; “Gây ô nhiễm môi trường”; “Vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường”; “Vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai”; “Vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông”; “Đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam”; “Hủy hoại nguồn lợi thủy sản”; “Hủy hoại rừng”; “Vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”; “Vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên”; “Nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại”.

8 tội danh không còn án tử hình

Quan điểm về giảm hình phạt tử hình được thể hiện trong Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Hiến pháp năm 2013 cũng ghi nhận và bảo vệ quyền sống của con người. Vì vậy, Bộ luật Hình sự 2015 đã bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội là “Hoạt động phỉ”, “Cướp tài sản”, “Phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia”, “Chống mệnh lệnh”, “Đầu hàng địch”, “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”, “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, “Chiếm đoạt chất ma túy”.

  Đặc biệt, Bộ luật Hình sự 2015 mở rộng thêm 2 trường hợp không thi hành án tử hình. Thứ nhất là người từ đủ 75 tuổi trở lên. Thứ hai là người bị kết án tử hình về tội “Tham ô tài sản”, tội “Nhận hối lộ” mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Những trường hợp này sẽ chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục