Thi hành án quận 1: Trì hoãn bằng cách… chờ, hỏi, hủy

Bỏ ra hơn 36 tỷ đồng mua căn nhà đấu giá theo đúng quy định của pháp luật. Thế nhưng đến nay đã gần 2 năm, cơ quan thi hành án (THA) dân sự quận 1 vẫn cứ “hứa” thi hành. Trong khi Luật THA quy định rõ việc ưu tiên bảo vệ người mua đấu giá, nhưng rồi cơ quan THA đùn đẩy, tòa cản trở… Người mua ngay tình lâm vào khủng hoảng, nợ nần, trong khi bên phải THA lại dùng nhà cho thuê thu lợi mỗi tháng hàng trăm triệu đồng. Ai sẽ chịu trách nhiệm?
Thi hành án quận 1: Trì hoãn bằng cách… chờ, hỏi, hủy

Bỏ ra hơn 36 tỷ đồng mua căn nhà đấu giá theo đúng quy định của pháp luật. Thế nhưng đến nay đã gần 2 năm, cơ quan thi hành án (THA) dân sự quận 1 vẫn cứ “hứa” thi hành. Trong khi Luật THA quy định rõ việc ưu tiên bảo vệ người mua đấu giá, nhưng rồi cơ quan THA đùn đẩy, tòa cản trở… Người mua ngay tình lâm vào khủng hoảng, nợ nần, trong khi bên phải THA lại dùng nhà cho thuê thu lợi mỗi tháng hàng trăm triệu đồng. Ai sẽ chịu trách nhiệm?

Thi hành án quận 1: Trì hoãn bằng cách… chờ, hỏi, hủy ảnh 1



Tòa, THA cùng trì hoãn!

Cuối năm 2014, chị Trần Thị Ba trúng đấu giá căn nhà 19 Bùi Thị Xuân do cơ quan THA quận 1 ủy quyền bán. Chị đã chạy vạy nộp đủ số tiền hơn 36 tỷ đồng để thanh toán cho căn nhà. Thế nhưng, ngay trước 1 ngày cưỡng chế bàn giao nhà cho chị thì bất ngờ Tòa án nhân dân (TAND) quận 1 ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “tạm hoãn việc giao tài sản bán đấu giá…”, với lý do bên phải THA là bà Nguyễn Thị Bích Thanh khởi kiện yêu cầu tuyên hợp đồng bán đấu giá vô hiệu! Về việc này, theo Luật THA thì người phải THA không thuộc đối tượng được khởi kiện yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá. Và nếu bà Thanh khởi kiện công ty bán đấu giá thì đó là vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại riêng, không liên quan đến việc bàn giao tài sản đã đấu giá. Chính Điều 103 Luật THA quy định bảo vệ người mua tài sản đấu giá. Thế nhưng, thẩm phán TAND quận 1 Nguyễn Quang Huynh vẫn ban hành quyết định dừng cưỡng chế giao tài sản cho bên trúng đấu giá căn nhà. Thêm một điều lạ, quyết định này là…vô hạn!

Do vướng “lệnh” này nên người trúng đấu giá rơi vào cảnh “tiền đã trả, nhà chưa thể nhận”. Đã mất tiền, người mua đấu giá còn vướng vào vòng kiện tụng mới. Chị Ba phải gửi đơn khắp nơi khiếu nại quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nhưng Chánh án TAND quận 1 Mai Xuân Bình vẫn trả lời mình đúng. Thế nhưng, nửa năm sau, tức tháng 3-2015, cũng chính vị chánh án này thừa nhận mình sai và ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Niềm vui tưởng đã trở lại khi Chi cục THA dân sự quận 1 thông báo sẽ cưỡng chế THA bàn giao nhà cho chị Ba vào ngày 27-4-2016. Nhưng cũng “bài cũ”, đúng trước 1 ngày cưỡng chế, THA quận 1 lại ra thông báo “tạm dừng cưỡng chế” vì lý do… địa phương bận lo an ninh trật tự cho lễ 30-4 và 1-5. Đến qua lễ, chấp hành viên tiếp tục ra thông báo tạm dừng cưỡng chế vì lý do bận tập trung lo cho bầu cử (diễn ra vào 22-5)! Và sau bầu cử, không còn lý do nào khác nhưng Chi cục THA vẫn… im luôn!

Chúng tôi đã gặp ông Đỗ Mạnh Thủy, Chi cục trưởng THA dân sự quận 1, ông cho biết chưa thi hành vì THA quận đã gửi văn bản hỏi cơ quan THA cấp trên và đang chờ trả lời! Chúng tôi đặt vấn đề, tại sao trước đây khi THA ban hành quyết định cưỡng chế lại không hỏi, nay chỉ là tiếp tục thi hành quyết định ấy thì lại hỏi, ông Thủy không trả lời được. Đến nay, các cơ quan THA cấp trên đã có văn bản trả lời, yêu cầu thực hiện cưỡng chế, giao nhà cho bà Ba. Thế nhưng, Chi cục THA dân sự quận 1 vẫn không thực hiện. Lý do ông Đỗ Mạnh Thủy đưa ra là phải chờ xem TAND quận 1 xử vụ yêu cầu hủy phiên đấu giá như thế nào… Chúng tôi chất vấn: “Tòa đã rút lại quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Còn nếu tòa quận 1 xét xử xong thì bản án vẫn chưa có hiệu lực, có thể bị kháng cáo, kháng nghị, vậy chờ đến bao giờ. Vụ việc ấy không phải là căn cứ pháp lý để dừng THA thì tại sao phải chờ?”. Câu hỏi này, ông Đỗ Mạnh Thủy cũng không trả lời được.

Ai chịu trách nhiệm?

Lâu nay, nhiều người cho rằng khâu quan trọng nhất trong tố tụng không phải xét xử mà là… THA! Nếu thắng kiện mà không được thi hành thì bản án cũng vô nghĩa. Và với cách trì hoãn, gây khó khăn gây thiệt hại cho người trúng đấu giá như thế, ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại? Điều 103 Luật THA quy định rõ bảo vệ quyền của người mua tài sản bán đấu giá như sau: “Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan THA dân sự tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế THA để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác”. Như vậy, đến ngày phải THA, không có bất cứ quyết định, bản án nào hủy kết quả đấu giá thì tại sao THA quận 1 vẫn không thi hành mà lại chờ (?!).

Trong lúc đó, căn nhà chị Ba đã trả tiền mua đầy đủ hiện bị bên phải THA cho thuê và thu lợi hàng trăm triệu đồng/tháng. Nếu xét theo lãi suất số tiền hơn 36 tỷ đồng mà chị Ba đã thanh toán hơn năm qua, tiền lãi đã lên đến hàng tỷ đồng. Các luật sư cho rằng, chị Ba có quyền khiếu nại yêu cầu tòa án và THA quận 1 bồi thường thiệt hại trong thời gian chậm thi hành này.

HÀN NI
 

Tin cùng chuyên mục