Kiên Giang: Hai cán bộ Công an tham ô lãnh án 38 năm tù

Ngày 25-7, TAND tỉnh Kiên Giang mở phiên tòa xét xử nguyên sĩ quan công an là thiếu tá Phạm Văn Mạnh (45 tuổi) và đại úy Trịnh Thị Ngọc Nhung (39 tuổi) về tội tham ô tài sản.
Kiên Giang: Hai cán bộ Công an tham ô lãnh án 38 năm tù

Ngày 25-7, TAND tỉnh Kiên Giang mở phiên tòa xét xử nguyên sĩ quan công an là thiếu tá Phạm Văn Mạnh (45 tuổi) và đại úy Trịnh Thị Ngọc Nhung (39 tuổi) về tội tham ô tài sản.

Trước đó, ngày 26-3-2015, vụ án được TAND tỉnh Kiên Giang xử sơ thẩm và tuyên phạt Phạm Văn Mạnh 17 năm tù giam, Trịnh Thị Ngọc Nhung 15 năm tù giam. Tuy nhiên, sau đó TAND cấp cao tại TPHCM kháng nghị giám đốc thẩm, vì cho rằng mức án còn nhẹ, chưa tương xứng với hành vi phạm tội của 2 bị cáo. Do đó, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã chấp nhận kháng nghị và TAND cấp cao đã tuyên hủy án, yêu cầu TAND tỉnh Kiên Giang xét xử lại. Tại phiên xử lần này, TAND tỉnh Kiên Giang đã tăng mức án đối với bị cáo Phạm Văn Mạnh lên 20 năm tù giam và Trịnh Ngọc Nhung lên 18 năm tù giam.

Hai bị cáo Mạnh và Nhung tại tòa

Theo cáo trạng, Mạnh công tác tại Phòng Hậu cần-Kỹ thuật Công an tỉnh Kiên Giang từ tháng 12-1991. Đến tháng 8-1998, Mạnh được bổ nhiệm làm kế toán tổng hợp- Đội trưởng Đội Tài vụ thuộc Phòng Hậu cần-Kỹ thuật. Còn Trịnh Thị Ngọc Nhung vào ngành năm 1993 và đến năm 2009 được phân công làm thủ quỹ Phòng Hậu cần-Kỹ thuật.

Lợi dụng nhiệm vụ được giao, vào khoảng tháng 7-2009, trong khi thực hiện lấy số liệu trên máy tính để phục vụ cho dự toán kinh phí năm sau, Mạnh phát hiện phần mềm của bản báo cáo tổng hợp và phân tích quỹ lương hàng tháng của Công an Kiên Giang, do Bộ Công an cài đặt có thể thay đổi trang cuối. Bằng cách tạo ra mẫu mới để chỉnh sửa số liệu theo ý muốn ở trang cuối mà khó ai phát hiện ra sự chênh lệch giữa số liệu thực tế với số liệu khống. Mạnh đã chủ động gặp Trịnh Thị Ngọc Nhung nhiều lần để đặt vấn đề, bàn bạc cách thức cùng thực hiện.

Đầu tháng 9-2009, Mạnh trực tiếp tạo ra hai mẫu mới trên máy vi tính của Mạnh sử dụng nội dung và hình thức giống như hai trang cuối bản báo cáo tổng hợp và phân tích quỹ lương thật, rồi tiến hành chỉnh sửa số liệu theo ý muốn của Mạnh. Sau đó, Mạnh in ra để thay thế vào hai trang cuối của bản báo cáo tổng hợp và phân tích quỹ lương do Bộ Công an cài đặt. Với cách làm này, số tiền lương trong bản lương của công an các đơn vị, địa phương đã được bộ kế toán lương và kế toán thanh toán nhập vào bản báo cáo không có gì thay đổi, Mạnh chỉ sửa tổng số tiền ở hai trang cuối bản báo cáo tổng hợp.

Bằng thủ đoạn nêu trên, từ tháng 9-2009 đến tháng 11-2013, Phạm Văn Mạnh đã chỉnh sửa, thay đổi bản báo cáo tổng hợp quỹ lương của Công an Kiên Giang 51 tháng, chiếm đoạt mỗi tháng ít nhất gần 140 triệu đồng và cao nhất trên 700 triệu đồng; tổng số tiền chiếm đoạt hơn 13,4 tỷ đồng…

VĨNH THUẬN

Tin cùng chuyên mục