Vụ bị cáo tố chồng thư ký tòa "chạy án": Nên được xem xét hoãn thi hành án

Vụ bị cáo tố chồng thư ký tòa "chạy án": Nên được xem xét hoãn thi hành án

>>Tăng án từ 9 tháng lên 4 năm tù người tố chồng thư ký tòa chạy án

(SGGPO).- Đến ngày 27-9, có nhiều người là hàng xóm của chị Mai Thị Ngọc Vân (36 tuổi, ngụ quận Tân Bình TPHCM, người bị TAND TPHCM xét xử phúc thẩm tuyên tăng án từ 9 tháng tù lên 4 năm tù giam về tội "Cố ý gây thương tích") đã ký tên xác nhận vào đơn xin hoãn thi hành án của chị Vân rằng: chồng chị Vân đã rời khỏi nhà khoảng 2 năm, không liên lạc với vợ con, chị Vân đang là lao động chính nuôi 3 con nhỏ. Lãnh đạo UBND phường 2 quận Tân Bình cũng xác nhận: "Bà Vân là lao động chính nuôi 3 con nhỏ, gia đình thuộc hộ cận nghèo".

Bị cáo Mai Thị Ngọc Vân tại phiên xử phúc thẩm

Trao đổi về trường hợp của chị Vân, luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng có căn cứ để xem xét hoãn thi hành án. Luật sư phân tích: về nguyên tắc, bản án phúc thẩm của TAND TPHCM kết án chị Mai Thị Ngọc Vân với mức án 4 năm tù đã có hiệu lực pháp luật thì phải được tôn trọng chấp hành và TAND nơi xét xử sơ thẩm (TAND quận Tân Bình) có trách nhiệm ra quyết định thi hành án hình sự. Tuy nhiên, khi thi hành án hình sự, cơ quan, tổ chức ra quyết định thi hành ngoài việc tuân thủ pháp luật, còn phải tuân thủ nguyên tắc bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa; tôn trọng nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án và phải xem xét hoãn thi hành án nếu có đủ điều kiện. Trường hợp người bị kết án có đơn xin hoãn thi hành án thì Chánh án TAND quận Tân Bình, nơi ra quyết định thi hành án phạt tù, có trách nhiệm xem xét, quyết định trong hạn 7 ngày.

Điều 61 Bộ luật Hình sự 1999 quy định các trường hợp sau có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù: a/ Bị bệnh nặng được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục; b/ Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi; c/ Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến một năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; d/Bị kết án về tội ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến một năm.

Trường hợp của chị Mai Thị Ngọc Vân đã có đơn xin hoãn chấp hành án phạt tù với lý do là người lao động duy nhất trong gia đình, đang nuôi 3 con nhỏ, chồng bỏ đi. Đơn của chị Vân đã được chính quyền địa phương, người dân nơi cư trú xác nhận, cho thấy lý do chị đưa ra là có căn cứ chứ không phải là cố tình trốn tránh việc thi hành án.

Theo mục 7 Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP ngày 2-10-2007 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Bộ luật Hình sự về thi hành án hình sự có nêu người bị xử phạt tù nếu có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng, đồng thời sau khi bị xử phạt tù không có hành vi vi phạm pháp luật nghiệm trọng, không có căn cứ cho rằng họ bỏ trốn và thuộc trường hợp sau thì được hoãn chấp hành hình phạt tù: người bị kết án tù không phải về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiệm trọng và là người duy nhất trong gia đình đang lao động có thu nhập và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì gia đình họ sẽ gặp khó khăn đặc biệt trong cuộc sống (như không có nguồn thu nhập nào khác, không có ai chăm nom, nuôi dưỡng... những người thân thích của họ trong gia đình mà không có khả năng lao động). "Như vậy, trường hợp của chị Vân đáp ứng đủ các điều kiện được hoãn thi hành án quy định tại Điều 61 Bộ luật Hình sự 1999 và Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP", luật sư Nguyễn Văn Đức phân tích.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục