Xét xử “đại án” tham ô, rửa tiền ở Vinashinlines: Tiền môi giới, hoa hồng là... “hợp pháp”!?

Ăn dày hơn “sếp”
Xét xử “đại án” tham ô, rửa tiền ở Vinashinlines: Tiền môi giới, hoa hồng là... “hợp pháp”!?

>> Mở lại phiên xử vụ án tham ô, rửa tiền ở Vinashinlines

>> Hoãn phiên tòa xét xử vụ tham nhũng tại Vinashinlines

>> 3 cựu quan chức Vinashinlines bị truy tố tội “Tham ô tài sản”

>> Khởi tố nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines

Ngày 17-2, phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo vụ án tham ô và rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines) tiếp tục thẩm vấn các bị cáo.

Để bảo đảm sự khách quan của vụ án, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã cách ly, tách riêng các bị cáo ra để thẩm vấn. Trước đó, trong ngày xét xử đầu tiên, cả 4 bị cáo là Trần Văn Liêm (nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines), Giang Kim Đạt (nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines) và Trần Văn Khương (nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines) và Giang Văn Hiển (ngụ quận 2, TPHCM, bố đẻ bị cáo Đạt) đều phủ nhận hành vi phạm tội cũng như nội dung cáo trạng.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử ngày 16-2-2017

Ăn dày hơn “sếp”

Là người đầu tiên trả lời thẩm vấn của HĐXX, bị cáo Giang Kim Đạt cho rằng, khoản tiền hàng tỷ đồng mà Đạt nhận được qua việc môi giới mua bán 3 con tàu cho Vinashinlines với đối tác nước ngoài không phải là hoa hồng mà là “lệ phí môi giới” do đối tác nhận và trích ra cho Đạt nên có quyền nhận. Bởi lẽ, Đạt cho rằng mình là người trực tiếp tự tìm và tự liên hệ với những công ty môi giới mua bán tàu và theo thông lệ quốc tế khi mua bán tàu, công ty môi giới sẽ được hưởng từ 1%-5,75% tùy theo thỏa thuận. Tiếp tục lý giải về việc cho rằng đó là lệ phí môi giới bình thường, Đạt cho biết, công ty môi giới được hưởng hoa hồng từ công ty đóng tàu, sau mua bán tàu, công ty môi giới chuyển tiền cho Đạt làm môi giới là nguồn tiền hợp pháp. “Bị cáo nghĩ đơn giản, bị cáo làm môi giới mà người ta cho bị cáo thôi...” - Đạt bày tỏ.

Trước thái độ quanh co, chối bỏ hành vi nhận tiền hoa hồng, HĐXX liền truy xét, nếu là tiền hợp pháp sao lại phải chuyển vào tài khoản của bố đẻ (bị cáo Giang Kim Hiển)!? Trả lời HĐXX, nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines thản nhiên cho rằng, chính vì là tiền hợp pháp nên mới chuyển về tài khoản cho bố đẻ, còn nếu không hợp pháp thì Đạt đã chuyển vào tài khoản của mình ở nước ngoài.
Trả lời về việc nhận được hơn 711.000USD qua việc môi giới mua 3 con tàu cho Vinashinlines nhưng chỉ đưa cho Trần Văn Liêm số tiền 150.000USD, Đạt cho rằng bị cáo Liêm không quan tâm đến chuyện đó và cũng không chỉ đạo Đạt phải đưa tiền hoa hồng môi giới cho mình. Hơn nữa, việc nhận tiền hoa hồng từ công ty môi giới, Đạt cũng không báo cáo Liêm nhưng Đạt vẫn đưa cho Liêm một phần xem như... “món quà” biếu cấp trên. “Số tiền này, công ty môi giới bán tàu trích ra cho em, em gửi cho anh một khoản” - Đạt thuật lại khi đưa số tiền 150.000USD cho Liêm.

Trước thái độ trả lời thiếu thành khẩn, HĐXX đã buộc phải công bố một số bút lục, bản tường trình tại cơ quan điều tra. Theo đó, những lời khai tại cơ quan điều tra, bị cáo Liêm biết rõ có hoa hồng môi giới và có sự chỉ đạo Đạt thỏa thuận phải được hưởng từ 1%-2% tiền hoa hồng mua tàu.

Liên quan tới việc các bị cáo Liêm, Đạt và Khương thông qua các công ty môi giới, thỏa thuận với các chủ tàu để gửi giá cước cho thuê ngoài hợp đồng 9 con tàu để chiếm đoạt của Vinashinlines gần 250 tỷ đồng như cáo trạng quy kết, Đạt khai nhận việc cho thuê 9 con tàu này là do Đạt thực hiện nhiệm vụ do Liêm giao với các đối tác làm ăn có quen biết lâu nay. Trước tòa, Đạt khẳng định bố đẻ của mình là bị cáo Giang Văn Hiển không liên quan gì đến việc cho thuê tàu tại Vinashinlines. Đồng thời cũng khẳng định số tiền mà các công ty thuê tàu chuyển gửi vào tài khoản của bố Đạt không liên quan đến thuê tàu mà là tiền môi giới thương mại của Đạt và là tiền của Đạt cho bố mình.

“Tiền sạch” nên rút ra

Trong khi đó, trả lời thẩm vấn của HĐXX, bị cáo Giang Văn Hiển đã xin được thay đổi toàn bộ lời khai tại cơ quan điều tra. Trong khi trước đó, cáo trạng đã chỉ rõ hành vi của bị cáo Hiển là đã mở 22 tài khoản ngoại tệ tại nhiều ngân hàng khác nhau nhằm giúp con trai mình che giấu nguồn tiền tham ô, vi phạm pháp luật vì qua các tài khoản được ông Hiển mở, các công ty nước ngoài đã 92 lần chuyển tiền vào các tài khoản này với tổng số gần 16 triệu USD. Sau khi nhận được số tiền này, bị cáo Hiển đã rút ra đưa cho Đạt một phần còn lại mua khoảng 40 nhà cửa, đất đai, ô tô... đứng tên mình và nhiều người thân.

 Tuy nhiên, trước vành móng ngựa khi trả lời thẩm vấn, số tiền 16 triệu USD, bị cáo Hiển lại thản nhiên cho rằng. “Bị cáo nghĩ là tiền sạch nên rút ra mua bất động sản, những tài sản này hiện nay vẫn còn”. Bố đẻ của Giang Kim Đạt còn cho rằng, số tiền mà ông dùng để mua hàng chục bất động sản là tiền của ông làm ăn tích lũy từ lâu. “Tôi có rất nhiều tiền, mỗi tháng tôi còn phải chi 8 triệu đồng tiền thuốc cho bệnh tiểu đường nữa là...” - bị cáo Hiển khoe. Thậm chí, khi trả lời các câu hỏi của luật sư liên quan đến khoản tiền 16 triệu USD, bị cáo Hiển khăng khăng cho rằng đây là tiền của ông ta, không liên quan đến con trai mình và việc mở nhiều tài khoản là để mọi giao dịch đều được thực hiện dễ dàng.

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục