Đề nghị truy tố băng nhóm cung cấp tài khoản để lừa đảo

Ngày 10-4, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TPHCM cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND TPHCM truy tố 13 bị can trong băng nhóm giả danh công an để lừa đảo.

​(SGGPO).- Ngày 10-4, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TPHCM cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND TPHCM truy tố 13 bị can trong băng nhóm giả danh công an để lừa đảo.

Các bị can gồm: Peng Kang Yu (sinh năm 1992, quốc tịch Đài Loan - Trung Quốc), Liu En Hsiang (sinh năm 1990, quốc tịch Đài Loan - Trung Quốc), Lu Shih Wei (sinh năm 1992, quốc tịch Đài Loan - Trung Quốc), Huang I Jen (sinh năm 1986, quốc tịch Đài Loan - Trung Quốc), Hsieh Chia Chun (sinh năm 1978, quốc tịch Đài Loan - Trung Quốc), Giáp Thị Diễm Thúy (sinh năm 1978, ngụ tỉnh Đồng Nai), Giáp Thanh Đạt (em Thúy, sinh năm 1985, ngụ tỉnh Đồng Nai), Nguyễn Hữu Minh Tuấn (sinh năm 1997, ngụ tỉnh Đồng Nai), Đặng Quốc Bảo (sinh năm 1993, ngụ tỉnh Đồng Nai), Nguyễn Thanh Bình(sinh năm 1994, ngụ tỉnh Đồng Nai), Đoàn Quốc Hiếu (sinh năm 1990, ngụ tỉnh Đồng Nai), Châu Vĩnh Huy (sinh năm 1994, ngụ TPHCM) và Nguyễn Hoàng Huy (sinh năm 1995, ngụ TPHCM) cùng bị đề nghị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Các bị can trong băng nhóm tại cơ quan công an

Theo cáo trạng, đầu tháng 2-2016, Peng Kang Yu, Liu En Hsiang, Lu Shih Wei được tổ chức lừa đảo tại Đài Loan - Trung Quốc phân công sang Việt Nam tìm người đăng ký mở tài khoản ngân hàng để mua, chuyển thông tin tài khoản về Đài Loan, từ đó sử dụng làm phương tiện tiếp nhận tiền lừa đảo do người bị hại chuyển vào rồi cùng nhau rút ra chiếm đoạt.

Ba bị can này đến TPHCM, ngụ tại một căn hộ ở quận 6 và móc nối nhiều người cùng tham gia. Các bị can còn lại đóng vai trò đăng ký mở tài khoản, thu mua tài khoản được mở tại các ngân hàng, cung cấp cho đồng phạm sử dụng làm phương tiện tiếp nhận tiền lừa đảo, đồng thời tham gia rút tiền lừa đảo của người bị hại.

Từ ngày 1-4 đến 14-4-2016, đồng phạm của Peng Kang Yu, Liu En Hsiang từ nước ngoài gọi vào điện thoại cố định, giả danh công an hù dọa chủ thuê bao rằng có liên quan đường dây tội phạm đang bị điều tra, buộc phải chuyển tiền vào các tài khoản do các bị can trên cung cấp để giám định nguồn gốc.

Thiếu bình tĩnh và mất tự chủ, 13 người bị hại tại TPHCM đã chuyển gần 6,4 tỷ đồng. Số tiền này bị rút ra chiếm đoạt và chuyển sang tổ chức lừa đảo ở Trung Quốc thông qua một dịch vụ không chính thống.

​ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục