Phát huy động lực sáng tạo thúc đẩy phát triển

Thành phố Hồ Chí Minh có truyền thống năng động, sáng tạo. Đây được xem là phẩm chất, cốt cách, nét văn hóa tiêu biểu của con người thành phố, được khẳng định qua thời gian, trong cuộc đấu tranh sinh tử giành độc lập tự do, trong thời kỳ đòi hỏi phải đổi mới để phát triển.

Chúng ta tự hào bởi những đóng góp của thành phố cho đường lối đổi mới, từ những con người dũng cảm, từ những mô hình, những điển hình dám nghĩ dám làm, dám “xé rào”, không cam chịu trì trệ, yếu kém… trong bối cảnh bị khủng hoảng kinh tế, bị bao vây cấm vận và chiến tranh biên giới trước đây. Chúng ta vô cùng yêu quý những nhà lãnh đạo như các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt… đã truyền cảm hứng sáng tạo cho người dân, cho lớp trẻ, đã tạo nên một sức sống mới của một thời tuổi trẻ dấn thân lên rừng, xuống biển… đã tạo nên những đổi thay ở từng nhà máy, xí nghiệp, nông trường… đã tạo nên những đổi thay bên trong mỗi con người.

Phát huy động lực sáng tạo thúc đẩy phát triển ảnh 1 Anh Nguyễn Thanh Hiền (phải) kỹ sư của Phòng Kỹ thuật cơ điện (Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre cùng đồng nghiệp bên băng chuyền cấp đông IQF do anh cải tạo
Thế hệ của ngày ấy, giờ đây vẫn còn nhiều người miệt mài đóng góp cho cái chung, quên tuổi tác… Cho dù sự đòi hỏi đổi mới của ngày hôm nay trong hoàn cảnh khác trước nhưng người dân Thành phố Hồ Chí Minh vẫn luôn khát khao, kỳ vọng rằng thành phố này phải có sự bứt phá xứng tầm hơn nữa.


Tài nguyên con người của thành phố chúng ta rất lớn, trên khắp các lĩnh vực; cùng sự kết nối nguồn lực với các tỉnh thành, với cả trong và ngoài nước rất mạnh mẽ. Đây chính là nơi có thực tiễn đầy sinh động, nhiều mô hình, điển hình cần tổng kết nhân lên, bài toán khó nào khó mấy cũng có thể tìm ra lời giải, quan trọng là sự sâu sát, lắng nghe, mạnh dạn tháo gỡ cơ chế không phù hợp. Trong thực tế, ách tắc còn nhiều do cơ chế, do không ít quy trình, thủ tục còn nặng chủ quan, gây phiền hà, gây nản lòng và ít nhiều làm thui chột sức sáng tạo.

Để tạo bước chuyển mới, lãnh đạo thành phố đã phát động đợt thi đua mới, công bố Giải thưởng Sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là giải thưởng danh giá, sẽ trao cho các cá nhân, tổ chức người Việt Nam (kể cả ở nước ngoài) có các công trình nghiên cứu, giải pháp, sản phẩm, dịch vụ sáng tạo góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Giải thưởng được trao 2 năm/lần, với 7 lĩnh vực, và năm nay là năm đầu tiên thành phố sẽ trao giải thưởng sáng tạo này.

Đến nay, Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận hơn 40 công trình, sáng kiến, giải pháp tham gia Giải thưởng Sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019. Rất mừng là các công trình, sáng kiến ấy có ở nhiều lĩnh vực, trong đó nhóm nghiên cứu khoa học cơ bản có tính mới chiếm số lượng áp đảo, kế đến là nhóm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh cải cách hành chính… Theo ban tổ chức, các công trình thể hiện sự đa dạng và có tính thực tiễn cao. Đối tượng tham gia có các nhà khoa học, lãnh đạo, quản lý và có cả người dân, người trẻ…

Chúng ta trân trọng tất cả sự tâm huyết đối với các giải pháp, hiến kế, đề xuất… Chúng ta tin tưởng rằng, việc xem xét quyết định trao giải sẽ hướng đến những công trình, giải pháp thực sự có chất lượng. Qua đây tiếp tục tổng kết nâng lên, nhân rộng, tạo đà cho những ứng dụng công nghệ kết nối, lan tỏa, cũng như có những hình thức kết nối nhà khoa học với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm mới, có chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường; những cách hỗ trợ Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, Quỹ đầu tư mạo hiểm cho những công trình cần có sự gia công, tiếp sức…

Cũng có ý kiến cho rằng, trong lĩnh vực đầu tư công, tài chính công cần có sự tham gia, hỗ trợ, thúc đẩy sáng tạo để có những cải cách ở các lĩnh vực này nhằm nâng cao hiệu quả và tiến độ công trình. Hy vọng qua đây sẽ có nhiều nhà lãnh đạo là “bà đỡ” cho những công trình, giải pháp, góp phần tạo sự chuyển biến có ý nghĩa không chỉ ở phạm vi thành phố. Ranh giới giữa sáng tạo và cố ý làm trái có khi chỉ là cái lằn ranh nhỏ, cần có thái độ và cái nhìn tích cực, công bằng mới thúc đẩy sáng tạo, nếu không thì sẽ cứ vừa làm vừa dè chừng, sợ bị bắt lỗi, bị quy “cố ý làm trái”... Điều này, cần trông cậy vào người lãnh đạo, người đứng đầu biết đứng ra bảo vệ những nhân tố tích cực vì lợi ích chung. Để sáng tạo mạnh mẽ, cần có môi trường sáng tạo, cần có đường băng rộng cho sáng tạo cất cánh.

Người dân, nhà doanh nghiệp cũng rất quan tâm những công trình nghiên cứu, đề xuất những cải cách trong quản lý nhà nước, trong cải cách hành chính để phục vụ người dân tốt hơn. Do sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, chế độ trách nhiệm không rõ ràng mà nhiều cán bộ công chức còn phải chịu lắm áp lực, thậm chí gặp rủi ro trong thực thi công vụ. Vì vậy, cái gì vượt quá thẩm quyền thì mạnh dạn đề xuất lên cấp trên để xây dựng thể chế, cơ chế phù hợp, có sự phân cấp phân quyền và những chính sách đặc thù đủ mạnh cho sự phát triển của thành phố và vì cả nước.

Trách nhiệm phát huy truyền thống năng động, sáng tạo vì một thành phố phát triển, văn minh, hiện đại, xây dựng thành phố thông minh… là trách nhiệm chung, từ người đứng đầu cho tới mỗi người dân. Một khi tạo được sự đồng thuận, tạo được sự thôi thúc từ bên trong, khi ấy mạch nguồn cảm hứng sáng tạo sẽ có sức mạnh vượt bậc đưa thành phố đi lên, vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục xứng đáng vai trò đầu tàu trong thời kỳ mới.

Tin cùng chuyên mục