Phát huy vai trò giám sát của phụ huynh

Trong 2 ngày qua, hàng trăm phụ huynh có con đang theo học tại Trường Mầm non Hoàng Lam (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TPHCM) tá hỏa khi trường thông báo ngưng tổ chức giữ trẻ do bị rút giấy phép hoạt động. Đáng nói, cơ sở này đã hoạt động gần 2 năm nay, hiện đang giữ 250 trẻ. 
Trường Mầm non Hoàng Lam
Trường Mầm non Hoàng Lam
Việc trường bị rút giấy phép hoạt động vào thời điểm chỉ vài tuần nữa là kết thúc năm học được đại diện Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh giải thích là do trường xây dựng trên phần diện tích đất sai công năng sử dụng (vốn là bãi giữ xe).
Trước đó cơ quan quản lý đã nhiều lần yêu cầu di dời cơ sở nhưng chủ đầu tư vẫn chây ỳ, buộc phải rút giấy phép hoạt động để đơn vị không tiếp tục chiêu sinh thêm học sinh mới.
Trao đổi với chúng tôi, một phụ huynh bức xúc cho biết: “Phòng giáo dục gợi ý chúng tôi gửi con qua một số cơ sở mầm non khác trên cùng địa bàn, nhưng đâu phải gia đình nào cũng sắp xếp được chuyện đưa đón. Chưa kể việc học hành của các cháu đang ổn định, giờ mọi thứ đảo lộn”. 
Thực tế hiện nay, khi tìm một cơ sở giáo dục để gửi con, phụ huynh thường dựa trên các yếu tố như khoảng cách đi lại từ nhà đến trường, học phí, điều kiện cơ sở vật chất, chứ ít quan tâm việc cơ sở hoặc trung tâm đó có được cấp giấy phép hoạt động hay không, bằng cấp, trình độ giáo viên ra sao.
Ở một số trường hợp, phụ huynh phát hiện trường không đảm bảo yêu cầu về phòng chống cháy nổ, diện tích, ánh sáng trong lớp học, nhưng cũng dừng ở việc phản ánh với giáo viên chứ chưa có kênh thông tin tới cơ quan quản lý.
Đó là những nguyên nhân góp phần khiến chất lượng hoạt động của nhiều cơ sở giáo dục tư nhân không đảm bảo. Chỉ khi có sự cố xảy ra, cơ quan quản lý lẫn người học mới té ngửa, dù những sai phạm đã nhìn thấy trước. 
Trước thực tế khó khăn đó, hơn ai hết, chính phụ huynh cần phát huy vai trò chủ động của mình. Khi quyết định gửi con vào một cơ sở giáo dục, phụ huynh nên tìm hiểu cơ sở đã được cấp phép hoạt động hay chưa, chất lượng chăm sóc và nuôi dạy trẻ thế nào.
Khi phát hiện bất ổn, phụ huynh chính là “cánh tay nối dài” của cơ quan quản lý trong việc lên tiếng về chất lượng hoạt động của các cơ sở. Đợi đến khi có hậu quả nghiêm trọng thì lúc đó mọi thiệt thòi đều thuộc về phía người học! 

Tin cùng chuyên mục