Phất nhờ nuôi… sâu

Anh Nguyễn Thanh Hà (ấp 4, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè) không còn làm ruộng và nuôi gà, việc chính bây giờ là nuôi sâu gạo. Chỉ cần diện tích 150m², gần 500 khay gỗ mà có thu nhập cao. Anh cho biết, cuộc sống nâng cao, nhu cầu về sinh vật cảnh cũng tăng lên, hàng loạt dịch vụ kèm theo cũng phát triển, trong đó có nghề nuôi và kinh doanh côn trùng cung cấp cho chim cảnh.

Sâu gạo mà anh đang nuôi, được gọi là superworm, một loại côn trùng dễ nuôi, chu kỳ sống từ 7 - 10 ngày, riêng sâu quy trưởng thành dài khoảng 6 - 8cm, sống 6 - 7 tháng. Đây là loại sâu đang là nguồn thức ăn được giới chơi chim, cá cảnh ưa chuộng, nhất là cá rồng. Theo anh Nguyễn Văn Tủi (Phó ban Kinh tế xã hội, Hội Nông dân TP), nhu cầu cần thức ăn cho chim cá cảnh rất cao, nhiều người sẵn sàng bỏ tiền để mua những loại thức ăn phù hợp cho thú cưng.

Khác với cách nuôi thông thường của những nơi khác, anh Hà sử dụng khay gỗ (50cm x 100cm) xếp cao thành tầng liền kề để nuôi thay vì là dùng thau nhựa hay bể kiếng, nhờ đó mà sản lượng nuôi tăng trên 40%. Trước khi cho sâu vào phải rải một lớp cám dày khoảng 3cm (loại cám dùng để làm thức ăn cho gà con). Mỗi khay có thể chứa khoảng 1.000 con sâu. Thức ăn của chúng chính là lớp cám lót thùng, dùng táo, khoai tây, cà rốt cắt từng lát mỏng và rau xà lách làm nguồn cung cấp nước cho sâu. Khoảng 2 - 3 tháng thay lớp cám trong khay. Nguồn thức ăn cung cấp nước cho sâu 3 - 4 ngày thay một lần. Muốn thêm chất bổ dưỡng cho cá rồng hay các chim quý ăn thì nên cho sâu superworm ăn thêm các loại thức ăn có vitamin, sau khoảng 24 giờ thì đem cho cá hay chim ăn rất tốt.

Về hiệu quả kinh tế thì từ lúc sâu con nở ra cho đến lúc bán được, mất khoảng 3 tuần, một khay nuôi sâu chỉ tốn hết khoảng 2kg cám và vài quả táo. Bình quân 1kg sâu gạo thành phẩm bán giá 150.000 - 160.000 đồng/kg. Sâu quy (sâu mẹ) từ 300.000 - 400.000 đồng/kg. Nếu làm tốt việc cho sâu ăn và hút nước đầy đủ thì có thể rút ngắn thời gian thu hoạch xuống.

Về quy trình nuôi sâu gạo khá đơn giản, con giống có thể mua ở các cơ sở sản xuất giống, chuồng trại nên xấp khay kệ nhiều tầng, tạo thoáng mát. Dùng sàng lược mắt nhỏ lược bỏ hết cám, vỏ thơm, đầu cá, lấy sâu theo từng lon cho vào túi vải thưa giao cho mối lái. Anh còn có sản phẩm độc đáo là “sâu rang khô chờ giá”, có thể ăn được, nếu bán thì giá cao hơn sâu tươi nhiều (khoảng 20.000 đồng/lon). Thị trường tiêu thụ nhiều nhất của sâu gạo là TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng…

Ông Đoàn Văn Sâm (khu phố 2, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2), một người chuyên nuôi sâu gạo kể, nhờ người bạn ở Bình Chánh đi trước giúp cho kinh nghiệm, hướng dẫn mua giống về nuôi. Lúc đầu nuôi vài chậu để làm thức ăn cho chim nhà, về sau chuyển qua nuôi sâu với gần 1.000 chậu. Đây là nghề vốn đầu tư thấp, lợi nhuận khá. Tại huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 2, 8, Tân Bình, Gò Vấp… nơi người ta nuôi cá kiểng, chim cảnh khá mạnh nên việc tìm nguồn thức ăn cho các vật nuôi cũng trở thành cấp thiết. Nhiều hộ đã tổ chức nuôi sâu gạo vừa sử dụng, vừa kinh doanh khấm khá lên.

Có thể kể trường hợp gia đình anh Bùi Duy Quan (khu phố 1, phường An Lạc, Bình Tân) nhờ nuôi sâu gạo mà mỗi tháng có thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng, gia đình Lê Ngọc Hiếu (quận Tân Bình) mỗi ngày bán sâu gạo thu nhập cả triệu đồng, hộ Huỳnh Thị Xê (phường 14, quận 8) mỗi ngày sản xuất và bán từ 50 - 100 lon sâu thu lãi trên 600.000 đồng, hộ anh Nguyễn Văn Lâm (Phú Nhuận) nhờ nuôi và bán sâu gạo giống mà ngày một khá giả... Việc nuôi này phù hợp với hoàn cảnh chuyển đổi cây trồng vật nuôi ở các vùng nông thôn đang đô thị hóa, nhưng cần được ngành bảo vệ thực vật TP hướng dẫn cụ thể việc nuôi côn trùng này.

ĐẶNG VĂN THÀNH

Tin cùng chuyên mục