Phát sinh nhiều điểm ùn tắc giao thông mới

Yêu cầu đặt ra hiện nay đối với ngành giao thông vận tải (GTVT) TPHCM là bằng mọi cách phải xử lý, kiểm soát được các vị trí, khu vực điểm nóng, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông. Hiện ngành chức năng thành phố đã hoạch định kế hoạch khá chi tiết để xử lý, kiểm soát các điểm nóng có nguy cơ cao xảy ra ùn tắc giao thông.

Yêu cầu đặt ra hiện nay đối với ngành giao thông vận tải (GTVT) TPHCM là bằng mọi cách phải xử lý, kiểm soát được các vị trí, khu vực điểm nóng, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông. Hiện ngành chức năng thành phố đã hoạch định kế hoạch khá chi tiết để xử lý, kiểm soát các điểm nóng có nguy cơ cao xảy ra ùn tắc giao thông.

Dàn trải nhiều nơi

Thống kê mới nhất từ ngành chức năng, trên địa bàn TPHCM hiện đang có 37 vị trí, khu vực được xếp vào diện có nguy cơ ùn tắc giao thông. Trong số này, có 26 vị trí tồn tại từ trước năm 2015 và 11 vị trí phát sinh trong năm 2016.

Theo Sở GTVT TPHCM, các điểm nóng ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp thời gian qua tập trung ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Cảng Cát Lái và khu trung tâm thành phố.

Cụ thể, khu vực trung tâm thành phố được nhận diện đang tồn tại 6 điểm có nguy cơ cao xảy ra ùn tắc giao thông. Đó là khu vực các tuyến đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm; giao lộ Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo; khu vực đường Lý Tự Trọng - Pasteur - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn; ngã sáu Công trường Dân Chủ; đường Nguyễn Tất Thành và khu vực đường Sư Vạn Hạnh - Thành Thái - 3 Tháng 2.

Trong khi đó, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất cũng có 6 điểm nóng ùn tắc giao thông, bao gồm: đường Trường Chinh, đoạn từ đường Âu Cơ đến đường Tân Kỳ Tân Quý; vòng xoay Lăng Cha Cả; giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám; giao lộ Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn; nút giao Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn - Bạch Đằng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Kiệm và suốt tuyến đường Hoàng Minh Giám.

điểm nóng tại khu vực Cảng Cát Lái, ngành chức năng xác định 3 điểm nóng nhất là tại nút giao An Phú; đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ vòng xoay Mỹ Thủy đến Cảng Cát Lái) và ngay tại nút giao thông Mỹ Thủy.

Sở GTVT ghi nhận đang có 8 điểm nóng giao thông tại khu vực cửa ngõ thành phố. Đó là khu vực xa lộ Hà Nội - Thảo Điền - Quốc Hương, giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh, giao lộ Huỳnh Tấn Phát - Lưu Trọng Lư, ngã tư Tây Hòa; ngã tư Thủ Đức; ngã tư An Sương, quốc lộ 50 (đoạn cầu Ông Thìn), nút giao quốc lộ 50 - Nguyễn Văn Linh.

14 điểm nóng ùn tắc giao thông còn lại nằm ở nhiều vị trí riêng lẻ khác, chẳng hạn như tại giao lộ Lê Văn Việt - đình Phong Phú; đường Lã Xuân Oai, đoạn từ cầu Tăng Long đến đường Lò Lu; ngã tư Bốn Xã; giao lộ Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng; đường Phan Văn Trị, đoạn từ cầu Hang Trong đến đường Phạm Văn Đồng;  giao lộ Quang Trung - Lê Văn Thọ; giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng; đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đoạn từ đường Bạch Đằng đến ngã năm Đài Liệt sĩ; giao lộ Vĩnh Lộc - Nguyễn Thị Tú - Quách Điêu…

Phương tiện giao thông phải di chuyển chậm tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Tri Phương. Ảnh: THÀNH TRÍ

Bài toán không đơn giản

Nhìn chung giải pháp cho vấn đề xử lý, kiểm soát các điểm nóng có nguy cơ cao xảy ra ùn tắc giao thông sẽ tập trung chú trọng vào các nhóm giải pháp gọi là giải pháp công trình và giải pháp phi công trình.

Một cách tổng quát, nhóm giải pháp công trình sẽ bao gồm việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đẩy nhanh tiến độ giải tỏa mặt bằng thực hiện các công trình, dự án…; trong khi nhóm các giải pháp phi công trình bao gồm các phần việc như làm tốt công tác phân luồng giao thông; lắp đặt thêm camera giám sát; tổ chức điều tiết giao thông; kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến giao thông, rà soát và kiểm soát tốt các điểm tập trung đông người; công tác tuyên  truyền vận động…

Có một thực tế rằng, công tác xử lý, kiểm soát các điểm nóng giao thông nói riêng và công tác đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố nói chung không thể tách rời với việc lập lại trật tự kỷ cương đường phố. Vấn đề lập lại trật tự kỷ cương đường phố không phải đến bây giờ mới được chú ý, bởi cách đây gần 5 năm, vào đầu năm 2012, UBND TPHCM đã đề ra kế hoạch thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn trong năm 2012 và giai đoạn đến năm 2015. Đáng chú ý, trong số này là kế hoạch tổng thể gồm một loạt biện pháp để ngăn chặn, đẩy lùi “căn bệnh” trầm kha ùn tắc giao thông. Đó là lập lại trật tự, kỷ cương đường phố; bố trí lệch giờ làm việc, giờ học tập; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, bảo đảm khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu; nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải hành khách công cộng... Các biện pháp ấy đều quan trọng, cần thiết và gần như giữa chúng có mối quan hệ hỗ tương vì cái này tác động xa gần đến cái kia. Chính vì thế, các biện pháp này giống như các chân kiềng của một cái kiềng, không thể bỏ bớt chân kiềng nào. Nói cách khác, không có biện pháp nào thứ yếu nhưng quan trọng là có sự đa dạng và linh động khi triển khai từng biện pháp trong thực tế. Điều này đến nay vẫn còn nóng hổi tính thời sự, vẫn hợp thời.

Việc xử lý, kiểm soát các vị trí, khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông trên địa bàn sẽ có vai trò nhất định, nếu không muốn nói là vai trò quan trọng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ X về Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục