Phát triển kinh tế tư nhân sau Nghị quyết 10 - Bài 2: Chính sách hỗ trợ phải thực chất

Từ Nghị quyết 10-NQ/TW đến Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển các doanh nghiệp (DN) đến năm 2020 được xem như một luồng sinh khí mới thổi vào cộng đồng các DN hiện hữu và cả những người đang nuôi dưỡng khát vọng khởi nghiệp. 
Tại TPHCM, hàng loạt văn bản, chương trình hành động nhằm triển khai Nghị quyết 35 đã được ban hành, thế nhưng hiệu quả còn rất hạn chế. 
Phát triển kinh tế tư nhân sau Nghị quyết 10 - Bài 2: Chính sách hỗ trợ phải thực chất ảnh 1 Sản xuất thực phẩm chế biến tại một doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: THÀNH TRÍ
Nuôi mãi vẫn không lớn!
Ngay sau khi Nghị quyết 10-NQ/TW (về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa) được ban hành, đã có rất nhiều cuộc hội thảo bàn về vai trò của kinh tế tư nhân. Hầu hết các ý kiến khẳng định, đến nay, vai trò của kinh tế tư nhân chưa phát huy đầy đủ do những yếu tố cản trở tự thân và bất cập trong quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế này. Thực tế, những “đại gia” đang nhận được nhiều ưu ái, trong khi DN nhỏ và yếu thế thường bị phân biệt đối xử về nhiều mặt. 
Nói về chính sách thuế, nhiều DN bức xúc, cho đến nay Nhà nước vẫn chưa có những biện pháp hữu hiệu để nuôi dưỡng nguồn thu, tạo đà cho DN phát triển. Nếu chúng ta cứ mãi áp dụng phương thức DN có doanh thu là phải nộp thuế ngay, sẽ rất khó để khuyến khích DN làm ăn bài bản. Bởi lẽ, bản thân DN tư nhân nói chung, DN khởi nghiệp nói riêng, còn thiếu và yếu về nhiều mặt, trong khi vẫn phải chịu chung mức thuế như các DN đã lớn mạnh là không bình đẳng. Tuy Bộ Tài chính đã đề xuất giảm Thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa từ 20% xuống 15%, nhưng theo các DN, đây là tư duy nhỏ giọt. Với nhiều DN hiện nay làm ăn không có lãi thì việc giảm thuế sẽ không mang lại ý nghĩa thiết thực.
Thực tế này có thể lý giải, vì sao TPHCM đã đổ nhiều công sức để vận động các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN nhưng kết quả còn rất hạn chế. Chủ một cửa hàng kinh doanh thực phẩm (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh) thẳng thắn: “Các cửa hàng truyền thống đang cạnh tranh quyết liệt với cửa hàng tiện lợi của nước ngoài. Nếu chuyển đổi mô hình sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí về nhân sự cũng như các thủ tục hành chính, chưa kể Nhà nước không có chính sách về ưu đãi thuế, dẫn đến phí chồng thuế. Nếu Nhà nước miễn giảm thuế trong những năm đầu, chắc chắn tôi sẽ chuyển lên DN”.
Ở góc độ DN, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nam Thái Sơn, nhiều lần chia sẻ sở dĩ DN tư nhân không lớn lên được, ngoài những nguyên nhân khách quan thì tự thân các DN thiếu sự liên kết nên không làm nên sức mạnh cộng hưởng. 
Thị trường đang xuất hiện phổ biến tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, DN lớn “đàn áp” DN nhỏ, thông qua việc chèn ép hoặc tự ý cắt giảm giá trị các hợp đồng rất trắng trợn và gần như không có bất cứ một sự thỏa thuận nào. DN nào chấp nhận thì tiếp tục để có nguồn thu, còn không thì “nghỉ chơi”! Đây chính là hệ quả của việc đầu tư theo phong trào, thiếu sản phẩm và công nghệ riêng biệt, tự cạnh tranh không lành mạnh nên không mang lại hiệu quả. Bản thân các DN cũng chưa xây dựng được hiệp hội ngành nghề đủ mạnh để giữ sân chơi và bảo vệ quyền lợi cho chính mình. 
Nuôi dưỡng nguồn thu
Theo nghiên cứu của một chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Việt Nam, cấu trúc nền kinh tế Việt Nam đang rất manh mún và hầu như không có sự thay đổi nào đáng kể. Các DN nhỏ và vừa vẫn không thể phát triển, không hề thay đổi về giá trị gia tăng và tăng trưởng trong hơn 10 năm qua (2005-2016). 
Bàn về hướng phát triển bền vững cho các DN, nhiều ý kiến cho rằng nếu tự thân các DN không có sự liên kết, chắc chắn sẽ không thể cạnh tranh và phát triển. Theo chuyên gia kinh tế Trương Trọng Nghĩa, sự liên kết phải đặt trong mối quan hệ sâu rộng hơn,  là liên kết giữa Nhà nước với DN, giữa DN với DN, giữa DN với người tiêu dùng. Trong đó, Nhà nước cần đảm bảo sự công bằng, làm tốt vai trò thuyền trưởng và dẫn dắt các DN trong hợp tác quốc tế, phải có đội ngũ làm công tác hành chính trong sạch, không nhũng nhiễu DN. Nhà nước cần chặt đứt quan hệ thân hữu, sự phân phối nguồn lực không cân bằng. Còn các DN có trách nhiệm cùng nhau lành mạnh hóa môi trường đầu tư, có tiếng nói chung trong đối thoại về chính sách với Nhà nước, cũng như có cơ chế để liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình đó, DN phải tuân thủ theo 3 quy tắc: Sự tự tôn dân tộc; đạo đức kinh doanh; tôn trọng pháp luật. Liên kết không chỉ là kết nối, mà phải tương tác với nhau, sáp nhập và hội nhập. Cạnh tranh cũng là liên kết, cạnh tranh lành mạnh sẽ tạo ra liên kết lành mạnh để tạo ra sự phát triển.
Theo phân tích của PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, số lượng DN tư nhân của Việt Nam không phải là nhỏ, nhưng để biến số lượng thành lực lượng có sức mạnh là cả một câu chuyện dài, cần được bàn bạc và mổ xẻ kỹ. Nguyên nhân chính là các DN đang phải đối mặt với quá nhiều rào cản, trong đó lớn nhất là nguồn thu của Nhà nước. Thu của Nhà nước càng nhiều thì chi phí DN càng tăng cao, làm cho sức cạnh tranh của DN và chất lượng sản phẩm kém. Ông Trần Đình Thiên cho rằng, lâu nay chúng ta thường bàn về nguồn thu mà ít đề cập đến việc phải chi thế nào cho hợp lý. Nếu giải quyết tốt được vế sau thì chi phí của DN sẽ giảm đi. 
Liên quan đến các cơ chế, chính sách phát triển DN, theo các chuyên gia, vẫn thiếu sự đồng bộ, chưa rõ nét, tính khả thi thấp, do đó phải lấy lại lòng tin của cộng đồng DN, lời nói phải đi đôi với việc làm. Nghị quyết 24/2016 của Quốc hội cũng chỉ rõ sự cần thiết xây dựng môi trường cạnh tranh minh bạch, công bằng, bình đẳng, thuận lợi, giảm chi phí liên quan đến quản lý nhà nước và rủi ro thể chế đối với khu vực DN, nhất là DN tư nhân. Nếu DN nỗ lực để đổi mới, còn các cơ quan nhà nước chỉ cần làm đúng với tinh thần của các nghị quyết, chắc chắn hoạt động của các DN sẽ có sự cải thiện.
“Chúng ta đang nói nhiều đến vấn đề khởi nghiệp. Hơn lúc nào, tôi mong muốn thế hệ doanh nhân trẻ hãy khắc phục điểm yếu thiếu liên kết. Bởi lẽ, khi chúng ta ra khỏi Việt Nam, đi đến đâu “có bạn, có phường” vẫn cảm thấy ấm lòng hơn là đi một mình. Để làm được điều này, rất cần sự hậu thuẫn từ Chính phủ. Nói cách khác, cơ quan nhà nước phải làm tròn vai trò “bà đỡ”, thông qua các cơ chế, chính sách phù hợp và đi vào cuộc sống, còn các DN lớn phải là vai trò đầu tàu, từ đó tạo dựng được một đội ngũ doanh nhân có tâm, có tầm, không vì lợi ích ngắn hạn của riêng mình mà phá lợi ích chung của cộng đồng, khi đó đất nước mới thực sự giàu mạnh”, giám đốc một DN bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục