Phát triển kinh tế vùng biên giới

Để thúc đẩy kinh tế khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia phát triển nhanh và bền vững, nâng dần đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới; đồng thời gắn kết hơn nữa mối quan hệ láng giềng giữa dân cư hai bên biên giới ngày càng tốt đẹp…  
Đồng Tháp có chiều dài đường biên giới hơn 48km, giáp với nước bạn Campuchia, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế Thường Phước và Dinh Bà, cùng 5 cửa khẩu phụ. Những năm qua, người dân ở 8 xã biên giới thuộc các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng và thị xã Hồng Ngự sống chủ yếu dựa vào sản xuất lúa với hơn 16.700ha, một số ít nuôi thủy sản, trồng rau màu, nuôi gia súc, gia cầm và buôn bán…
Trước đây, do ảnh hưởng lũ thường xuyên, điều kiện đi lại trở ngại… đời sống người dân vùng biên giới còn khó khăn. Khảo sát thu nhập bình quân đầu người ở 8 xã biên giới năm 2010 chỉ 8-10 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo khá cao với hơn 28%... Để tháo gỡ khó khăn, giữa tháng 3-2013, UBND tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng đề án “Phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự 8 xã biên giới đến năm 2020”… 
Trong 3 năm qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng hơn 600 công trình về cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông đi lại, nhu cầu dân sinh; hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động ở vùng biên giới; 8/8 xã biên giới có đường ô tô đến trung tâm và cả 8 xã đạt được 11 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; kinh tế biên mậu ở vùng biên giới giữa Đồng Tháp và Campuchia phát triển khá, trong đó riêng 6 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua biên giới 2 tỉnh Đồng Tháp - Prâyveng ước đạt hơn 45 triệu USD (tăng gần 50% so cùng kỳ 2016). Riêng 6 tháng đầu năm 2017, Đồng Tháp huy động hơn 586 tỷ đồng thực hiện các chương trình phát triển ở 8 xã.
Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong 3 năm qua giảm được 4,6% (hiện còn hơn 14,8% hộ nghèo). Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp nhận định: Nhờ triển khai nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, cùng hoàn thiện hệ thống hạ tầng đã thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào nhiều hoạt động sản xuất nông nghiệp, dịch vụ ở vùng biên giới.
Ngành nông nghiệp cũng tập trung hỗ trợ 8 xã biên giới tái cơ cấu nông nghiệp, áp dụng mô hình khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng; mở rộng liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa; đẩy mạnh chương trình cụm tuyến dân cư với 20 cụm ở giai đoạn 1, bố trí hơn 4.220 hộ ở 8 xã biên giới; giai đoạn 2 xây dựng thêm 3 cụm để bố trí khoảng 800 hộ, nhờ đó người dân có nơi ở ổn định, an tâm sản xuất…
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được cũng còn không ít khó khăn. Trong đó, việc chuyển đổi sản xuất còn chậm, quy hoạch vùng chuyên canh rau màu chưa hiệu quả, các HTX chưa tạo được đột phá, thiếu các dự án thu hút lao động tại chỗ…
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Từ nay đến năm 2020, các chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình xóa đói giảm nghèo ở 8 xã biên giới cần được phối hợp đồng bộ hơn giữa các ngành và đạt hiệu quả hơn. Các ngành chức năng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình hiệu quả nhằm ổn định sinh kế cho người dân. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư, vừa để giải quyết việc làm cho dân, đồng thời phát triển vùng biên giới...”.
UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các sở ngành liên quan tập trung hơn nữa việc phát triển kinh tế - xã hội ở 8 xã biên giới. Phấn đấu đến năm 2020 cả 8 xã biên giới hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới; hàng năm tạo việc làm mới cho khoảng 6.000 lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo hơn 1,5%/năm, nâng thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 49 triệu đồng/người/năm...

Tin cùng chuyên mục