Phát triển lệch

Chiếc HCV đầu tiên của thể thao Việt Nam tại Asiad 2018 lại đến từ môn rowing (chèo thuyền), một môn không được dự báo là có HCV dù cách đây 4 năm từng đoạt HCB. Điều đáng nói hơn, chiếc HCV quý giá ấy đến ngay sau khi những hy vọng lớn nhất đã không thể hoàn thành chỉ tiêu. Chính vì vậy, có thể chiếc HCV môn rowing đã “cứu” cả một kỳ Asiad mà thể thao Việt Nam tham dự với số lượng VĐV cũng như số môn thi đấu vào loại kỷ lục.

Rowing không phải là môn thể thao phổ biến tại Việt Nam, nói chính xác là không ai chơi môn này cả, nhưng lại có HCV thì đó là một nghịch lý lớn. Về nguyên tắc, môn càng ít phổ biến thì mức độ đầu tư của cả ngân sách nhà nước lẫn xã hội càng nhỏ. Điều này cũng đồng nghĩa ngay cả trong trường hợp đoạt HCV của rowing thì chưa hẳn sau này môn chơi sẽ được đầu tư nhiều hơn, hay dễ dàng phát triển, thu hút người chơi hơn. Đây chính là thực trạng của thể thao Việt Nam.

Trước rowing, có trường hợp HCV Olympic của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, hay chiếc HCV duy nhất ở Asiad 2014 của nữ võ sĩ wushu Dương Thúy Vi. Tại Asiad 2018 này, họ vẫn là những niềm hy vọng lớn nhất, có nghĩa là tính kế thừa vẫn rất yếu. Đây không phải là điều bất ngờ bởi trước và sau những thành tích vang dội mà họ đã đạt được thì mọi thứ hầu như không thay đổi. Môn thi đấu của họ không được phát triển, đồng nghĩa sẽ thiếu tài năng kế thừa và mọi gánh nặng thành tích lại dồn lên vai họ cho đến khi giải nghệ. Ở tuổi 35, tay vợt Nguyễn Tiến Minh vẫn là “niềm hy vọng” của cầu lông Việt Nam tại Asiad, dù thời đỉnh cao của anh đã ở 10 năm trước.

Dù là tương đối, nhưng nếu theo dõi thể thao Việt Nam lâu năm, dễ đưa đến một kết luận: Những môn thể thao nào ít được quan tâm, thành tích chủ yếu đến từ nỗ lực của cá nhân VĐV, nguồn đầu tư phần lớn thuộc về cơ sở đào tạo hay tư nhân thì lại có cơ hội để tạo được thành tích nhiều hơn những môn được đầu tư ngân sách. Ngay như bóng đá cũng vậy. Thành công của đội bóng do HLV Park Hang-seo dẫn dắt chủ yếu đến từ lứa cầu thủ của 2 CLB Hà Nội FC và HA.GL.

Đó là sản phẩm của một quá trình đầu tư mang tính đột phá của bầu Đức và bầu Hiển chứ không nằm trong sự phát triển chung của nền bóng đá. Trên thực tế, dù ai cũng thấy những thành công này, nhưng gần 20 CLB mang tiếng chuyên nghiệp tại Việt Nam hiện nay liệu có mấy ai làm được điều tương tự, liệu các nhà quản lý bóng đá Việt Nam có kế sách gì để khuyến khích các CLB đầu tư như 2 đội bóng trên?

Về cơ bản, thể thao thành tích cao của Việt Nam có quá ít dấu ấn từ bàn tay nhà quản lý ở tầm vĩ mô. Đó là nguyên nhân mà các VĐV đỉnh cao hiện nay, kể cả một nhà vô địch Olympic như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, hoàn toàn không nhận được những sự ưu đãi đặc biệt nào trong đời sống cũng như quá trình tập luyện. Ngoài những khoản tiền thưởng đến từ thành tích, họ thiếu thốn mọi thứ như các VĐV khác. Chế độ lương, bảo hiểm dành cho VĐV đỉnh cao vẫn còn bị cào bằng, gây nhiều tranh cãi, nói gì đến cuộc sống sau khi giải nghệ.

Do đặc thù của xã hội, đa số các môn thể thao đỉnh cao tại Việt Nam đều không phải nhà nghề, nên VĐV cũng không thể sống đời chuyên nghiệp quá lâu, việc tìm kiếm tài năng cũng vì vậy luôn bị ngắt quãng. Ở hoàn cảnh như vậy, vai trò của quản lý nhà nước với thể thao đỉnh cao càng phải được thể hiện nhằm bảo đảm tính ổn định về thành tích. Rất tiếc, vai trò đó quá mờ nhạt nên mới có chuyện là đưa hàng trăm VĐV, dự hàng chục môn nhưng lại không có khả năng dự báo chính xác. Ngược lại, các “hy vọng vàng” thường để lại nhiều thất vọng nhất bởi áp lực thành tích dồn vào 1-2 cá nhân.

Thể thao Việt Nam vẫn đang phát triển, nhưng có chiều hướng… đi lệch và cần phải chỉnh lại nếu không muốn bị lãng phí nguồn lực.

Tin cùng chuyên mục