Phát triển rạp chiếu phim địa phương: Cuộc đua khốc liệt

Không dừng lại ở các thành phố lớn, hiện nay nhiều đơn vị kinh doanh đã chú ý đến việc phát triển hệ thống cụm rạp chiếu phim ở các địa phương. Người hưởng lợi rõ ràng là khán giả, nhưng trong cuộc đua này, dẫu ở thể yếu, các đơn vị kinh doanh trong nước vẫn nỗ lực tạo dấu ấn riêng trước sức ép lớn từ các công ty liên doanh nước ngoài. 
Cụm rạp BHD Huế là địa chỉ vui chơi, giải trí hút khách
Cụm rạp BHD Huế là địa chỉ vui chơi, giải trí hút khách

“Ông lớn” áp đảo

Tính đến đầu tháng 8, CGV có 61 rạp chiếu phim tại 21 tỉnh, thành. Trừ các thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, đơn vị này có 20 rạp tại 16 tỉnh thành với tổng cộng 87 phòng chiếu, 12.193 ghế, trong đó có các địa bàn xa như: Yên Bái, Sơn La, Thái Nguyên, Hậu Giang, Phú Yên, Đắk Lắk... “Phát triển cơ sở hạ tầng điện ảnh đạt tiêu chuẩn quốc tế là yếu tố quan trọng để nâng cấp nền điện ảnh Việt nói chung. Theo dự kiến, trong giai đoạn này, CGV sẽ mở khoảng 10-15 rạp mới mỗi năm, trong đó có 4-5 rạp tại các tỉnh thành xa”, ông Sim Joon Beom - Tổng Giám đốc CGV chia sẻ. Theo tiết lộ, mỗi cụm rạp của CGV có mức đầu tư từ 3-5 triệu USD.  

Theo sau ngay CGV là hệ thống rạp Lotte cinema. Tính đến tháng 5 vừa qua, đơn vị này đã có 37 cụm rạp với hơn 150 phòng chiếu và hơn 20.000 ghế ngồi. Số lượng cụm rạp ở các địa phương của Lotte cinema thậm chí còn nhiều hơn (hơn 20 tỉnh thành đã phủ sóng) như: Tuyên Quang, Bắc Giang, Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Bình, Tây Ninh, An Giang... Cả hai hệ thống này đều là cụm rạp liên doanh nước ngoài do Hàn Quốc làm chủ.  

Trong cuộc đua không cân sức này, dù ở thế yếu nhưng các đơn vị kinh doanh rạp chiếu Việt Nam như: Galaxy, BHD, Beta... cũng cho thấy những nỗ lực đáng ghi nhận. Sau hai thị trường chính là Hà Nội và TPHCM, tháng 5 vừa qua BHD cũng cho khai trương cụm rạp BHD Huế. “Một trong những cam kết đóng góp xây dựng thị trường điện ảnh Việt là ý thức mang trải nghiệm điện ảnh đến những khán giả ở các tỉnh ngoài Hà Nội và TPHCM, để họ cũng có cơ hội xem được những bộ phim bom tấn cùng lúc với các thành phố lớn và thưởng thức chất lượng điện ảnh tương xứng với giá cả hợp lý”, ông Danny Quách - Giám đốc marketing cụm rạp BHD Star, chia sẻ. Trong số các đơn vị trong nước, Galaxy cinema ở vị trí tiên phong khi đã mở rộng phạm vi hoạt động đến các tỉnh: Cà Mau, Bến Tre, Vinh...  

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến cụm rạp chiếu phim giá rẻ Beta cineplex mới gia nhập thị trường cách đây không lâu. Theo ông Bùi Quang Minh, Tổng Giám đốc Beta Media, đơn vị sở hữu cụm rạp Beta cineplex, ngoài 4 cụm rạp ở Hà Nội và TPHCM, hiện đơn vị này có 6 cụm rạp ở các tỉnh thành: Thái Nguyên, Bắc Giang, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đồng Nai, An Giang với 25 phòng chiếu, khoảng 4.000 ghế.

Xác định việc đầu tư rạp phim ở các tỉnh thành xa nhằm phát triển thị trường mới, ông Minh nhấn mạnh: “Hiện tại, theo chúng tôi đánh giá, thị trường giải trí và đặc biệt là rạp chiếu phim vẫn đang là một ngành hấp dẫn, mang lại lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư và các doanh nghiệp. Tuy vậy, có một sự phân bố không đồng đều. Ở các thành phố lớn, số lượng các cụm rạp phim dồn về quá nhiều, trong khi thị trường ở các tỉnh thành xa hoàn toàn không có một mô hình nào thực sự phục vụ được nhu cầu của khách hàng. Chúng tôi xác định, phát triển chuỗi cụm rạp Beta để nhắm tới phân khúc khách hàng trung cấp…”. Hiện, chi phí xây dựng mỗi cụm rạp ở các địa phương được ông Minh tiết lộ là khoảng 30 tỷ đồng (gần 1,5 triệu USD). 

Không kể đến hệ thống rạp của nhà nước, các đơn vị tư nhân kinh doanh rạp chiếu hiện có mặt ở các tỉnh thành xa, phải kể đến: Cinestar Lâm Đồng; hệ thống rạp chiếu phim hợp tác với EVC tại Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang, Pleiku, Đắk Lắk...  

Cạnh tranh là tất yếu

Với mức tăng trưởng trung bình khoảng 20%-25% mỗi năm, điện ảnh Việt đang là một trong những thị trường phát triển nhanh trên thế giới. Số lượng cụm rạp càng ngày càng tăng, trải đều trên khắp cả nước, giúp khán giả có nhiều lựa chọn hơn cho nhu cầu giải trí. Ông Sim Joon Beom cũng khẳng định, thị trường rạp chiếu phim sẽ còn tiếp tục phát triển bởi nhu cầu giải trí lớn, số lượng dân số trẻ đông, nền kinh tế vĩ mô, chính trị và xã hội rất ổn định, mức độ đầu tư trên thị trường chưa bão hòa… Một dữ liệu thống kê cho thấy, ở Việt Nam, cứ 1 triệu dân có khoảng 7 rạp chiếu phim, trong khi con số này ở Mỹ là 126 rạp, Trung Quốc là 23 rạp và Nhật Bản là 26. Trước năm 2011, tốc độ phát triển rạp chiếu phim trên thị trường Việt Nam rất chậm, chủ yếu ở các thành phố lớn, trong khi hiện nay, mỗi năm có khoảng 20-25 cụm rạp được mở mới. 

Ông Sim Joon Beom khẳng định: “Đầu tư rạp phim là một cách để gia tăng lượng người xem, tăng doanh thu, lợi nhuận. Mỗi cụm rạp của bất kỳ đơn vị nào mở ra cũng sẽ tạo ra được khách hàng cho riêng mình, mang đến trải nghiệm điện ảnh nhiều hơn tại các địa phương - nơi đang hạn chế về các hạ tầng vui chơi giải trí. Vòng tròn tăng trưởng này chính là động lực để các đơn vị tiếp tục tái đầu tư và mở rộng thị trường, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành 1 trong 5 quốc gia có nền điện ảnh phát triển toàn cầu vào năm 2025”.

Nhiều người quan tâm đến điện ảnh nước nhà đã và đang lo lắng việc thị phần hệ thống rạp chiếu phim do các công ty liên doanh nước ngoài chiếm ưu thế sẽ khiến các đơn vị kinh doanh rạp trong nước gặp nhiều bất lợi. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Thực tế cho thấy, các cụm rạp trong nước đang dần từng bước tìm được chỗ đứng dù vẫn ở thế yếu.

Ông Danny Quách khẳng định: “Dù bị áp đảo về số lượng cụm rạp, các doanh nghiệp Việt vẫn có khả năng cạnh tranh bằng những yếu tố nội tại. Trước tiên, doanh nghiệp Việt cũng khá am hiểu thị trường, văn hóa và thị hiếu phân khúc khán giả riêng của mình. Họ mạnh dạn đầu tư vào dịch vụ, đặc biệt là con người và quy trình, để làm sao phục vụ tốt nhất cho khán giả địa phương. Cuối cùng, không kém phần quan trọng là sự mạnh dạn đầu tư vào công nghệ, giúp cho khả năng cạnh tranh của các cụm rạp trong nước trở nên đáng kể”.  

Thừa nhận tính cạnh tranh của thị trường nhưng từ kết quả kinh doanh với mức độ tăng trưởng khá đều đặn, ông Bùi Quang Minh tỏ ra lạc quan, bởi mỗi đơn vị có phân khúc khách hàng khác nhau: “Nếu chúng ta khéo léo chọn được những địa điểm tránh sự cạnh tranh trực tiếp, thì thị trường sẽ sôi động hơn, thậm chí chúng ta cùng nhau đưa thị trường tăng trưởng. Sự xuất hiện thêm những mô hình mới, những doanh nghiệp mới, chưa chắc là điều xấu. Với một thị trường đang mới và nhiều tiềm năng như rạp chiếu phim, tôi nghĩ vẫn là một điều tốt khi chúng ta có thêm đối thủ để cùng khai phá các góc độ của thị trường”.

Cả ông Bùi Quang Minh và ông Danny Quách đều tin tưởng, việc nắm rõ nhu cầu của khách hàng, phương thức phục vụ và tạo nên sự khác biệt là yếu tố quyết định thành công, bên cạnh vị trí đắc địa và cơ sở vật chất tại mỗi cụm rạp.  

Tuy thị trường mở và nhiều cơ hội, nhưng kinh doanh rạp chiếu tại các tỉnh thành của cả đơn vị liên doanh hay trong nước vẫn nhiều khó khăn. Ông Bùi Quang Minh nhấn mạnh đến yếu tố địa lý, bởi nó làm tăng các khoản chi phí rất nhiều, việc điều hành công việc gặp nhiều khó khăn hơn. “Khi đầu tư ở thị trường này, chúng tôi và có lẽ các nhà đầu tư khác cũng có thể gặp phải các thách thức như: đa số người dân địa phương chưa có thói quen và chưa sẵn sàng chi tiêu cho giải trí, thời gian thu hồi vốn dài. Do đó, đầu tư làm sao để đạt tỷ suất hoàn vốn và sinh lợi là bài toán rất khó. Từ đó dẫn đến việc nâng cấp hạ tầng điện ảnh tại các vùng, miền còn chưa đồng bộ. Nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư xây dựng cụm rạp tại các địa phương ở vùng sâu, vùng xa, vì e ngại rủi ro thu hồi vốn khó hơn nhiều so với các thành phố lớn”, ông Sim Joon Beom chỉ ra.

Tin cùng chuyên mục