Phát triển rừng cao su ồ ạt xâm hại tài nguyên rừng

Theo quy hoạch phát triển cao su cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009, đến năm 2020, diện tích cao su ổn định 800.000ha, trong đó vùng Tây Nguyên 280.000ha và Tây Bắc 50.000ha. Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, diện tích cao su của cả nước đã lên đến 915.000ha và vẫn đang tiếp tục mở rộng khiến rừng tự nhiên đang dần bị thu hẹp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mất rừng và suy thoái môi trường.
Phát triển rừng cao su ồ ạt xâm hại tài nguyên rừng

Theo quy hoạch phát triển cao su cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009, đến năm 2020, diện tích cao su ổn định 800.000ha, trong đó vùng Tây Nguyên 280.000ha và Tây Bắc 50.000ha. Tuy nhiên, đến cuối năm 2012, diện tích cao su của cả nước đã lên đến 915.000ha và vẫn đang tiếp tục mở rộng khiến rừng tự nhiên đang dần bị thu hẹp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mất rừng và suy thoái môi trường.

        Trồng cao su gây suy thoái rừng

Tại hội thảo “Chuyển đổi rừng sang trồng cao su: Cơ hội và thách thức” do Tổ chức Forest Trends và Tropenbos International tại Việt Nam tổ chức mới đây, ông Triệu Văn Hùng, Giám đốc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam cho biết, trong những năm qua, việc chuyển đổi đất rừng sang trồng cây cao su đã diễn ra rộng khắp ở nhiều vùng và địa phương. Thực tế, diện tích trồng cao su đã vượt xa quy hoạch của Chính phủ. Cụ thể, chiến lược phát triển cao su đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, 56% diện tích trồng cao su của Tây Nguyên được lấy từ rừng nghèo kiệt, còn lại là từ đất nông nghiệp của hộ gia đình. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, có đến 79% diện tích được mở rộng trồng cây cao su tại Tây Nguyên là diện tích rừng tự nhiên chuyển đổi sang. Điều đáng quan tâm là không phải toàn bộ diện tích này là rừng nghèo kiệt, vì có gần 400.000m³ gỗ tận thu được từ việc chuyển đổi 700.000ha rừng tự nhiên sang đất trồng cao su.

Một cánh rừng bị phá để chuyển đổi sang trồng cao su tại tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: HUY ANH

Một cánh rừng bị phá để chuyển đổi sang trồng cao su tại tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: HUY ANH

Phân tích tác động của việc mở rộng diện tích trồng cao su tại Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt tập trung vào hai vùng có tốc độ mở rộng diện tích nhanh nhất là Tây Nguyên và Tây Bắc, báo cáo phát triển cao su và bảo vệ rừng ở Việt Nam của tổ chức Tropenbos International và tổ chức Forest Trends chỉ ra rằng, việc mở rộng diện tích trồng cao su đã có tác động rất lớn đến tài nguyên rừng. Cũng theo báo cáo này, diện tích trồng mới cao su phát triển mạnh trên diện tích đất rừng tự nhiên tại Tây Nguyên ngoài nguyên nhân do quá trình thực hiện chuyển đổi rừng sang trồng cao su bị lạm dụng, mà còn do các công ty cao su buông lỏng quản lý, giao rừng không theo quy định của chính quyền một số địa phương. Không chỉ ở Tây Nguyên mà tại Tây Bắc, việc mở rộng rừng cao su cũng đã và đang làm mất đi những diện tích rừng tự nhiên do cộng đồng trực tiếp quản lý.

Thực tế phát triển cây cao su ở Tây Bắc và nhất là ở Tây Nguyên vừa qua cho thấy, hiện trạng phát triển cao su đang bộc lộ nhiều vấn đề liên quan đến quản trị rừng tại địa phương. Chính phủ cũng đã xác định rằng việc chuyển đổi rừng sang trồng cây công nghiệp, bao gồm cả cây cao su, được xác định là một trong 5 nguyên nhân gây mất rừng và suy thoái rừng tại Việt Nam.

        Rừng tiếp tục “chảy máu”

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, chỉ trong 8 năm, từ 2005 - 2012, khu vực Tây Nguyên đã mất hơn 200.000ha rừng tự nhiên, bình quân mỗi năm mất 25.700ha rừng. Trong đó, diện tích rừng chuyển đổi sang trồng cây cao su chiếm 46,7%. Đi thực tế tại các tỉnh ở Tây Nguyên chúng tôi thấy nhiều cánh rừng tự nhiên xanh tốt trước đây đã phải nhường chỗ cho những dự án trồng cao su. Nhiều khu rừng hiện nay vẫn đang bị tiếp tục đốn trụi để chuyển đổi thành rừng cao su. Cánh rừng ở thôn 3 xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng bị đốn trụi vào khoảng cuối tháng 8-2013 dù được xác định là rừng nghèo kiệt và được tỉnh giao cho các DN trên địa bàn khai thác để chuyển đổi trồng cao su nhưng những thân cây bị đốn hạ đều có đường kính từ 25 - 60cm, có nhiều cây có đường kính từ 70 - 80cm. Cá biệt, có nhiều cây gỗ có đường kính lên đến cả 100cm. Theo thống kê, tại xã Lộc Bảo tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng có tới 15 công ty trồng cao su được UBND tỉnh cho phép chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su. Tuy nhiên, người dân và chính quyền xã không đồng tình trong việc chuyển đổi này vì diện tích rừng chuyển đổi có rừng giàu, gỗ quý và thuộc đất di tích lịch sử cách mạng.

Theo Tổ chức Forest Trend, Việt Nam đang tham gia Sáng kiến giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng (REDD+); Tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT). Thực hiện các cam kết này đòi hỏi phải thiết kế và vận hành các cơ chế nhằm giải quyết các nguyên nhân gây mất rừng và suy thoái rừng, bao gồm cả nguyên nhân chuyển đổi rừng sang trồng cao su, hiệu quả. Để làm được điều này đòi hỏi cần phải tăng cường công tác kiểm tra giám sát đối với quá trình thẩm định dự án và thực hiện dự án chuyển đổi rừng. Các công ty được cấp phép chuyển đất rừng sang đất trồng cao su không chỉ phải tuân thủ các quy định về đánh giá tác động môi trường mà còn phải tham vấn rộng rãi với cộng đồng địa phương.

Rừng không chỉ là lá phổi của thiên nhiên mà còn là lá chắn thiên tai, lũ lụt. Những thiệt hại mà lũ lụt để lại ngày càng nặng, trong đó có lý do rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đã bị “chảy máu” quá nhiều, đầu nguồn không còn rừng giữ nước thì hạ lưu tất yếu sẽ chìm trong lũ. Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển đổi rừng theo kiểu tàn phá này chắc chắn sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vai trò ý nghĩa của rừng còn là giá trị môi trường, giá trị sinh thái chứ không chỉ là giá trị kinh tế thuần túy nên quá trình chuyển đổi này cần được cân nhắc một cách kỹ càng.

MINH HUY

Tin cùng chuyên mục