Phát triển STEM toàn diện và linh hoạt

STEM là phương pháp giáo dục được triển khai trong vài năm trở lại đây và thường chỉ dưới dạng câu lạc bộ, hoạt động cuối tuần tại các trường học. để có thể đạt được hiệu quả giáo dục tốt thì cần gắn liền STEM với các môn học liên quan, như những phương pháp học tập mindmap, bàn tay nặn bột… trước đây.

Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) là một trong số ít trường đang áp dụng STEM vào chương trình học chính khóa qua các môn Lý, Hóa, Sinh. Vừa qua, trường Lê Quý Đôn cũng triển khai nhà kính quản lý tự động và dự kiến sẽ đưa vào hỗ trợ giảng dạy trong thời gian tới.

Đây là một phương pháp dạy học linh động, không bị bó buộc trong không gian nhất định nào, cho học sinh nhiều trải nghiệm mới, tạo thêm hứng thú học tập. Tuy nhiên phải cần một khoản đầu tư lớn, với khoảng 40 triệu đồng cho một chiếc kính VR và phần mềm học tập.

Phát triển STEM toàn diện và linh hoạt ảnh 1 Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn hứng thú thực hành tại phòng STEM
Một giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn cho biết, dạy học theo định hướng STEAM ở trường có thể được chia ra như sau: “Một là chủ đề STEAM, hai là tích hợp STEM vào bài giảng. STEM theo chủ đề là học sinh được trang bị kiến thức về khoa học và công nghệ, sau đó chúng tôi đưa ra chủ đề STEM và các em sẽ thực hiện. Còn đưa STEM vào bài giảng, như trong bài Sự nóng chảy và đông đặc, chúng tôi sẽ cho học trò đúc đèn sáp. Khi làm sẽ thấy đươc quá trình nóng chảy và quá trình đông đặc, học sinh biết thêm về công nghệ đúc, kỹ năng tạo khuôn và lấy vật phẩm khỏi khuôn. Từ thực tế đó, học sinh dễ dàng hiểu và nhớ lâu kiến thức của bài”. 

Với phương pháp học này, học sinh sẽ khắc phục được những điểm yếu và tự tin nghĩ, sáng tạo, tiếp cận sớm với công nghệ để khơi dậy đam mê.

Sau hơn một năm đưa vào sử dụng phòng thực hành STEM, các em đã hoàn thành được nhiều sản phẩm như đèn sáp thắp sáng bằng LED, kính tiềm vọng, pin trái cây (khối lớp 6, 7); máy lọc nước mưa và nước máy lạnh thành nước uống, máy phát điện lắc tay, xe băng xóa, kính thiên văn… (khối lớp 8 và 9).

Theo thầy Phạm Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn: “Sau một năm triển khai phương pháp dạy học này, chất lượng học sinh được nâng cao rất rõ và các em hứng thú hơn với việc học.

Tuy đây không phải là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng trường học, nhưng là phương pháp giáo dục thực tế và hiệu quả để giúp không chỉ học sinh mà còn nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên 

Để có thể đưa STEM vào chương trình học chính khóa thì không chỉ học sinh học mà giáo viên cũng phải học. Với mô hình nhà kính, thầy cô Trường Lê Quý Đôn cho biết đã phải mày mò, tìm hiểu cách trồng, chế độ chăm bón, công nghệ quản lý... để có thể chia sẻ, hướng dẫn cho các em bằng phương pháp hợp lý nhất. Hoặc cả thầy và trò cùng nhau tìm hiểu và phát triển đề tài cũng là một cách giáo dục hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục