Phát triển thành phố theo hướng Tây Bắc - tại sao không?

Điều chỉnh quy hoạch và chuyển hướng phát triển thành phố để phù hợp với yêu cầu thực tế, cũng như thích ứng với các điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng…, đang là một thách thức cho TPHCM hiện nay.

Nếu trước đây, TPHCM gần như ưu tiên phát triển về hai hướng Đông và Nam, thì nay trước thách thức biến đổi khí hậu, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, thành phố cần xem xét điều chỉnh lại và Tây Bắc là “giải pháp chọn” để phát triển đô thị là hợp lý nhất.

Có thể nói rằng, những ý kiến của nhà quản lý, chuyên gia trong buổi hội thảo “Quy hoạch Đô thị TPHCM: Thực tiễn và Cơ hội đầu tư” diễn ra trong tuần qua, đã nhìn nhận và đánh giá rất đúng với thực tiễn phát triển hạ tầng đô thị tại thành phố trong thời gian qua.

Có một thực tế không thể chối cãi là trong vài năm gần đây, tình trạng quá tải giao thông, kẹt xe, ngập lún… luôn thường xuyên diễn ra tại khu Đông và Nam thuộc TPHCM. Có thể hơn 10 năm trước, tình trạng đô thị và quy hoạch lúc đó là phù hợp, nhưng nay, với tốc độ phát triển liên kết vùng, mật độ dân cư cũng như tốc độ xây dựng nhanh, đã khiến khu vực này luôn quá tải.

Nhìn nhận vấn đề này, ông Lý Khánh Tâm Thảo, quyền Trưởng phòng Hạ tầng Kỹ thuật, Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, cho rằng, quy hoạch của TP được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2010 đến nay đã thực hiện khoảng 8 năm, hiện thành phố đang có kế hoạch điều chỉnh quy hoạch chung cho phù hợp.

Phát triển thành phố theo hướng Tây Bắc - tại sao không? ảnh 1
Theo đó, có 3 lý do điều chỉnh quy hoạch. Thứ nhất, TPHCM nằm trong “vùng TPHCM” gồm 8 tỉnh, thành. Tháng 12-2017, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch “vùng TPHCM” đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Từ đó, đặt ra yêu cầu điều chỉnh quy hoạch chung TP cho phù hợp với định hướng chung của toàn vùng. Thứ hai, điều chỉnh nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Thứ ba, trải qua thời gian thực hiện gần một thập niên, TP đã có những yêu cầu thực tiễn mới nên phải điều chỉnh quy hoạch chung.

“Trong một loạt các vấn đề hạn chế của TP, chúng tôi thấy rằng hạn chế lớn nhất và cũng là yếu kém lớn nhất là vấn đề quy hoạch. Quy hoạch có 3 khâu đó là: Xây dựng quy hoạch, quản lý quy hoạch hoặc và tổ chức thực hiện quy hoạch. Cả 3 khâu này TP đều có những hạn chế”- Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết. 

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, việc điều chỉnh quy hoạch lần này phải giải quyết được vấn đề ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Nếu tiếp tục phát triển ở Nhà Bè, Cần Giờ các dự án cao tầng thì sẽ tác động mạnh hơn đến việc lún sụt. Do đó, phát triển theo hướng Tây Bắc là một yêu cầu cấp thiết.

Cũng theo ông, hiện nay quy hoạch chỉ là mong muốn chủ quan của cơ quan Nhà nước, nó chưa phải là cơ hội đầu tư của doanh nghiệp và là một vấn nạn của người dân TP. Bởi còn nhiều chính sách giải quyết chưa tốt, trong quá trình làm cũng còn nhiều vấn đề phiền hà, ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của người dân. Hy vọng quy hoạch lần này sẽ trở thành một cơ hội cho tất cả nhà đầu tư và trở thành mong muốn của người dân…

Tại hội thảo, một trong những nội dung quan trọng cũng được đưa ra thảo luận, đây cũng là nội dung trọng tâm cần nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, đó là xem xét hướng ưu tiên phát triển thành phố. Được biết, nếu trước đây thành phố đề ra 4 hướng, trong đó có 2 hướng chính là phía Đông và Nam, 2 hướng phụ là Tây Bắc và Tây Nam.

Thế nhưng, theo ý kiến nhiều chuyên gia cùng những đánh giá khoa học về tác động môi trường trong thời gian gần đây, nên lần điều chỉnh này rất cần phải đánh giá, xem xét điều chỉnh lại nhằm kết nối với các vùng kinh tế lân cận, đồng thời nó phải phù hợp với điều kiện địa chất, thủy văn của TP cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…

Từ khảo sát cũng như đánh giá thực tế địa chất, nhiều ý kiến của chuyên gia cũng như nhà chuyên môn cho rằng, khu vực Tây Bắc thành phố là khu vực có quỹ đất trên nền cao, có nhiều điều kiện để phát triển đô thị++ hơn. Và đây chính là khu vực nên ưu tiên, có thể xem xét phát triển thành phố về hướng này là hợp lý nhất.

Tại hội thảo, đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc cũng cho rằng, quy hoạch chung cũng cần nghiên cứu điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất và cấu trúc đô thị hiệu quả hơn. Cần tích hợp quản lý rủi ro ngập lụt, phát triển đô thị thích ứng biến đổi khí hậu.

Tin cùng chuyên mục