Phát triển thương mại điện tử chưa bền vững

Trong 3 năm gần đây, lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam được đánh giá có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, với mức tăng bình quân khoảng 20%/năm. Giai đoạn 2018-2020, nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng tiếp tục bứt phá do nhu cầu còn rất lớn. Tuy nhiên, điều khiến các nhà đầu tư lo lắng, đó là TMĐT chưa có sự phát triển bền vững, cạnh tranh chưa lành mạnh. 
Qua mạng xã hội người tiêu dùng có thể chọn mua thời trang. Ảnh: THÀNH TRÍ
Qua mạng xã hội người tiêu dùng có thể chọn mua thời trang. Ảnh: THÀNH TRÍ

Nhiều cơ hội, lắm rủi ro

Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công thương, dự báo quy mô thị trường TMĐT Việt Nam có thể đạt tới 10 tỷ USD trong 4 năm tới. Bên cạnh doanh nghiệp (DN), các quỹ đầu tư và tập đoàn nước ngoài cũng đang tích cực mua cổ phần, bỏ tiền đầu tư vào các sàn và trang web TMĐT trong nước, giúp thị trường này ngày càng sôi động. 

Theo nghiên cứu, khoảng trên 50% người mua sắm Việt Nam thích mua hàng nước ngoài do tin tưởng vào chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, tuy thói quen mua sắm đặc trưng của người Việt là “thấy, sờ và thử”, nhưng với sự thay đổi của xã hội và nhịp sống hiện đại, thời gian dành cho việc ra ngoài mua sắm sẽ hạn chế rất nhiều và TMĐT chính là lựa chọn phù hợp. Việc tham gia sân chơi tại Việt Nam của các thương hiệu TMĐT lớn như Amazon mới đây, chắc chắn sẽ góp phần tạo thêm động lực cho thị trường này, cũng như tái khởi động cuộc đua giành thị phần. Theo dự báo từ giới chuyên gia, khả năng đến năm 2025, TMĐT Việt Nam sẽ vượt qua các nước trong khu vực. 

Dù tiềm năng phát triển là có thật, nhưng trong bài đánh giá về TMĐT ở Việt Nam của bộ phận bán lẻ, Công ty Tư vấn Bất động sản Savills Việt Nam, phát hành ngày 15-3, có nêu TMĐT tại Việt Nam cũng gặp không ít trở ngại như sự phát triển thiếu bền vững, người tiêu dùng còn nghi ngại ở sản phẩm; thông tin đơn điệu, thiếu chi tiết, thiếu sức hấp dẫn cũng như một số công cụ hỗ trợ khách hàng. 

Bên cạnh những trang mua sắm đang thể hiện rõ tính chuyên nghiệp như Lazada, Thegioididong, Sendo, Shopee, Tiki… được đầu tư bài bản, vẫn còn tồn tại loại hình mua sắm qua các kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo… Việc “nhà nhà bán hàng, người người bán hàng” này dù quy mô nhỏ lẻ nhưng số lượng lại vô cùng lớn. Đáng chú ý, chi phí của hoạt động này không đáng kể và chính sách thuế vẫn chưa tác động đến đối tượng này, dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng. Thực tế cho thấy, do chi phí thấp, dẫn đến giá thành sản phẩm thấp nên mô hình “bán hàng qua mạng xã hội” vẫn thu hút được khách hàng. Trong khi đó, các trang mạng tên tuổi, đầu tư bài bản từ con người đến hệ thống vận hành, đang gặp không ít khó khăn từ các chi phí liên quan. Một trong số đó là chi phí tiếp thị quảng cáo giữ vai trò then chốt và chiếm khá cao. 

Theo ghi nhận của Savills Việt Nam, ngân sách “chạy” marketing cho kế hoạch trong 2 năm đầu của TMĐT dao động xấp xỉ 2 triệu USD và tính “sống còn” của một trang web TMĐT sẽ được quyết định vào thời gian sau đó. Do vậy,  dù được đánh giá là màu mỡ, nhưng mảnh đất TMĐT cũng không dễ phát triển với bất cứ ai và nhiều thương hiệu trong lĩnh vực này vẫn trong giai đoạn đi tìm chỗ đứng cho mình. Hiện có không ít thương hiệu buộc phải rút khỏi thị trường như Beyeu, Deca, Foodpanda... “Thị trường TMĐT rất tiềm năng nhưng cũng chứa đựng không ít rủi ro. Do vậy, các nhà đầu tư cần có những bước đi thử nghiệm trước khi tiếp cận và có kế hoạch thực hiện đầu tư vào thị trường này”, ông Phạm Thái Bình, Trưởng bộ phận bán lẻ của Savills Việt Nam, nhấn mạnh.

TPHCM tiếp tục dẫn đầu 

Trong khuôn khổ diễn đàn “Thương mại điện tử Việt Nam 2018” vừa diễn ra tại Hà Nội, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) đã công bố chỉ số TMĐT Việt Nam 2018. Theo đó, TPHCM tiếp tục dẫn đầu về chỉ số TMĐT với 82,1 điểm tổng hợp, cao hơn 3,5 điểm so với năm 2017. Biểu đồ các chỉ số thành phần của TPHCM phản ánh mức độ phân cách lớn so với mức trung bình của cả nước, đặc biệt với 2 chỉ số thành phần là hạ tầng cùng nguồn nhân lực và giao dịch TMĐT DN với DN (B2B).

Đứng thứ hai là Hà Nội với 79,8 điểm tổng hợp, cao hơn 4 điểm so với năm trước. Đặc biệt, trong năm nay, Hải Phòng vươn lên vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng về chỉ số TMĐT, tiếp theo đó là Đà Nẵng và Bình Dương. Tuy nhiên, dù thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu nhưng khoảng cách giữa 2 trung tâm kinh tế là Hà Nội và TPHCM với 3 tỉnh thành còn lại rất lớn. Ngay cả khoảng cách giữa Hà Nội xếp thứ 2 và Hải Phòng xếp thứ 3 cũng cách nhau tới 24,9 điểm. 

Theo đại diện VECOM,  điểm trung bình của chỉ số TMĐT năm 2018 là 37,5. Cách biệt giữa điểm trung bình của nhóm 5 địa phương thấp nhất (27,5 điểm) và điểm trung bình của nhóm 5 địa phương cao nhất (64,3 điểm) lên tới 36,7 điểm. Từ kết quả này có thể thấy, chênh lệch về sự phát triển TMĐT giữa các địa phương vẫn rất cao. 

Năm 2017 vừa qua, dù đã có nhiều hoạt động từ các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp để thu hẹp khoảng cách về mức độ phát triển TMĐT giữa 2 trung tâm kinh tế lớn với các địa phương khác nhưng kết quả còn thấp. Vì vậy, thời gian tới, thu hẹp khoảng cách số điểm tiếp tục là một thử thách lớn với Việt Nam.

Chỉ số TMĐT 2018 có được thông qua khảo sát do VECOM tiến hành từ tháng 9-2017 đến 11-2017 tại hơn 4.100 DN trên cả nước, đánh giá theo 4 chỉ số thành phần: Hạ tầng và nguồn nhân lực; giao dịch TMĐT DN với người tiêu dùng (B2C); giao dịch TMĐT DN với DN (B2B) và giao dịch giữa Chính phủ với DN (G2B).

Số liệu từ Sở Công thương TPHCM ghi nhận doanh thu TMĐT năm 2017 ước đạt gần 54.000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 20%, chiếm 5,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tại TPHCM. Hiện Sở Công thương TPHCM đã sử dụng phần mềm chuyên dụng kiểm tra 216.245 tên miền thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân cư trú trên địa bàn thành phố (do Trung tâm Internet Việt Nam và Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp); qua đó xác định có 127.099 website hoạt động, tăng 31% so với năm 2016 (96.658 website), trong đó có khoảng 61.000 website TMĐT hoạt động ổn định theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ. 

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, nhìn nhận sau 20 năm internet vào Việt Nam tới nay, TMĐT Việt Nam đang có tốc độ phát triển rất nhanh, ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống DN và người dân. Tăng trưởng TMĐT tại Việt Nam luôn duy trì ở mức trên 20%. Đặc biệt, trong năm 2017, con số này là 25%, thuộc loại nhanh trên thế giới. Một số chuyên gia dự báo, tiếp nối tăng trưởng đạt được trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng TMĐT trên 25%/năm có thể được duy trì trong giai đoạn 2018-2020. Cùng với việc phát triển các mô hình kinh doanh hiện đại, TMĐT chính là mảnh đất đầu tư màu mỡ trong và ngoài nước trong thời gian tới.

Niềm tin còn thấp

Theo Sở Công thương TPHCM, vấn đề mấu chốt của TMĐT thành phố nói riêng và cả nước nói chung là niềm tin của người tiêu dùng vào TMĐT còn thấp. Để giải quyết vấn đề này, vừa cần thời gian (vì niềm tin chỉ được cải thiện dần sau thời gian dài trải nghiệm thực tế) vừa cần hành động tích cực của cả 3 chủ thể: bên bán, bên mua và nhà nước. 

Ở góc độ quản lý nhà nước, Sở Công thương TPHCM đề xuất giải pháp trong năm 2018 như sau: Truyền thông đồng bộ 3 nhóm báo in, báo điện tử và báo hình (video clip) để tác động vào 2 nhóm đối tượng là DN và người tiêu dùng. Đối với DN, truyền thông những giải pháp ứng dụng TMĐT tiên tiến, hữu dụng với số đông DN nhỏ và vừa. Nội dung cụ thể sẽ do Sở Công thương phối hợp Hội Tin học TPHCM tổ chức khảo sát, đề xuất. Đối với người tiêu dùng, truyền thông những kỹ năng giúp họ giao dịch TMĐT an toàn hơn. Ví dụ cách kiểm tra website TMĐT hợp pháp, cách báo tin trực tuyến đến cơ quan nhà nước để bảo vệ quyền lợi cho họ... 

Song song đó, sở sẽ triển khai các giải pháp “dẫn dắt thị trường” như  tổ chức bình chọn DN ứng dụng TMĐT tiêu biểu để vừa khuyến khích phong trào thi đua của DN vừa chọn được nhóm DN dẫn đầu làm nòng cốt trong các chương trình khác. Tổ chức các chương trình khuyến mại trực tuyến uy tín để định hướng thị trường, có thể tổ chức nhiều kỳ với các chủ đề về du lịch, thời trang, hàng điện tử... Sở Công thương kiến nghị UBND TPHCM mạnh dạn đầu tư kinh phí truyền thông cho chương trình, vì nếu phụ thuộc vào tài trợ sẽ rất khó đảm bảo tính công bằng, nghiêm túc của chương trình. Và nếu không có kinh phí truyền thông từ ngân sách đủ mạnh, vừa khó thu hút DN tham gia vừa không đủ lực tác động đến đông đảo người tiêu dùng.

Mặt khác, sở sẽ củng cố, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về TMĐT bằng cách tiếp tục điều tra, khảo sát để nắm chắc tình hình ứng dụng TMĐT trên địa bàn; làm căn cứ xây dựng, triển khai các chương trình phát triển TMĐT khác, nhất là định hướng nội dung cho công tác truyền thông. Theo đó, mời Hội Tin học thành phố, DN Công viên Phần mềm Quang Trung và Khu Công nghệ cao tham gia nghiên cứu, tư vấn giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TMĐT.

Tin cùng chuyên mục