Phát triển ưu thế đường thủy nội địa

Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2025 hệ thống cảng, bến đường thủy nội địa trên địa bàn TPHCM được định hướng phát triển mạnh, cả về vận tải hàng hóa lẫn vận tải hành khách, xem đây như một phương cách phát huy lợi thế sông nước, cũng như để san sẻ gánh nặng giao thông trên đường bộ.

 

 Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông TRẦN QUANG LÂM, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, về một số vấn đề liên quan.
Phát triển ưu thế đường thủy nội địa ảnh 1 Đường thủy nội địa TPHCM được định hướng phát triển mạnh, cả về vận tải hàng hóa 
lẫn vận tải hành khách      Ảnh: An Yên
 ° PHÓNG VIÊN: Ông có thể khái quát về hệ thống đường thủy nội địa hiện nay trên địa bàn TPHCM?
° Ông TRẦN QUANG LÂM: Hệ thống đường thủy trên địa bàn thành phố có tổng chiều dài 975km, mật độ bình quân 0,181km/1.000 dân. Tính ra TPHCM có mật độ đường thủy đạt khoảng 73% so với đồng bằng sông Cửu Long, khu vực vốn dĩ có mật độ giao thông đường thủy cao nhất nước. TPHCM đang có 92 tuyến giao thông đường thủy nội địa địa phương với chiều dài 598,7km và 8 tuyến giao thông đường thủy nội địa quốc gia với chiều dài hơn 190km. Về luồng tuyến, hiện có các tuyến liên tỉnh, tuyến nối tắt hoặc liên kết nội thành với khu cảng biển mới và tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch. Đối với tuyến liên tỉnh, từ TPHCM có nhiều luồng tuyến tỏa đi các tỉnh Tây Nam bộ và Đông Nam bộ, như từ TPHCM đi Cà Mau, Hà Tiên sẽ theo tuyến kênh Tẻ - kênh Đôi - rạch Ông Lớn - kênh Cây Khô - rạch Bà Lào - sông Cần Giuộc - kênh Nước Mặn - sông Vàm Cỏ - kênh Chợ Gạo (đi Cà Mau) - kênh Lấp Vò, Sa Đéc - sông Hậu - Rạch Sỏi - kênh Rạch Giá, Hà Tiên - kênh Ba Hòn - thị trấn Kiên Lương, cự ly dài khoảng 320km theo tiêu chuẩn sông cấp III. Ở hướng Đông, từ TPHCM có thể tỏa đi TP Biên Hòa hoặc tỉnh Bình Dương theo sông Sài Gòn, sông Đồng Nai…° Tình hình hoạt động của các cảng, bến thủy nội địa trong thời gian qua thế nào, thưa ông?
° Tính đến tháng 4-2018, địa bàn thành phố hiện có 401 cảng, bến thủy nội địa đang hoạt động với nhiều chức năng khác nhau. Chẳng hạn, cảng hàng hóa có 4 cảng, 41 bến hàng hóa, 74 bến hành khách, 15 bến neo đậu, 221 bến vật liệu xây dựng, 31 bến khách ngang sông… Trong năm 2017, hàng hóa thông qua các cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố đạt 28,10 triệu tấn, tăng 12% so với năm 2016. Trong khi đó, hành khách qua cảng, bến thủy nội địa đạt 295.600 lượt hành khách, bao gồm cả vận tải hành khách nội thành và các tuyến vận tải hành khách hoạt động liên tỉnh từ TPHCM đi các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre. Tính ra, lượng hành khách đã tăng 19% so với năm 2016.° Nếu cần khái quát về ưu thế của hệ thống đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố, ông sẽ nói gì?
° Các tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố cùng với các tuyến đường thủy nội địa Trung ương, tuyến hàng hải và hàng trăm cảng biển, cảng sông lớn, nhỏ đã và đang tạo thành mạng lưới vận tải đường thủy kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nối kết giao thương vận tải và kinh tế quốc tế. Chính vì thế, việc quản lý, khai thác, vận hành và phát triển tốt mạng lưới đường thủy nội địa là vấn đề bức bách, bởi sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM. Việc đầu tư đúng hướng không những giúp tăng năng lực vận tải thủy trên các tuyến sông mà còn góp phần hạ giá thành vận tải lưu thông hàng hóa trong khu vực. Thêm nữa, đường thủy phát triển sẽ giúp giảm áp lực lên đường bộ hiện đang quá tải; đặc biệt rất cần thiết trong bối cảnh siết chặt quản lý tải trọng phương tiện hiện nay trên đường bộ - vốn dĩ là tác nhân khiến mật độ giao thông đường bộ và chi phí vận tải đường bộ tăng cao. Ưu thế của đường thủy nội địa còn ở chỗ trong khi diện tích mặt đường bộ có giới hạn, không thể mở rộng mãi, còn việc đầu tư để phát huy tiềm năng vận tải thủy trên các tuyến sông lại rất khả thi. Trên bình diện nào đó, tính ưu việt của giao thông vận tải thủy so với đường bộ rất đáng kể. Có thể kiểm chứng điều này thông qua khả năng vận chuyển của một sà lan hoặc tàu trọng tải 300 tấn lưu thông trên đường thủy tính ra tương đương với sức vận chuyển của một đoàn gồm 15 xe tải hạng nặng trên đường bộ. Nói cách khác, tiềm năng khai thác vận tải đường thủy nội địa trên mạng lưới sông, kênh của thành phố không những rất lớn mà một khi hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa được sự quan tâm đầu tư đúng mức, sẽ góp phần hạ giá thành vận chuyển, tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa nội địa, vì so với đường bộ, vận tải thủy vẫn là phương thức vận chuyển có chi phí thấp hơn. Ngoài ra, hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa còn có thêm nhiều lợi thế như có thể vận chuyển hàng hóa với khối lượng lớn, hàng hóa siêu trường, siêu trọng và ít gây ô nhiễm môi trường.° TPHCM sẽ có những giải pháp gì để đạt được định hướng phát triển hệ thống giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn từ nay đến năm 2025?
° Theo quy hoạch giai đoạn đến năm 2025, chỉ riêng khía cạnh vận tải đã đề ra chỉ tiêu phải đạt sản lượng hàng hóa qua bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố là 50 triệu tấn/ năm; vận tải hành khách thông qua cảng, bến thủy nội địa đạt 5 triệu lượt khách/năm. Ngoài ra còn một loạt mục tiêu khác như cải tạo, nâng cấp và hoàn thành đạt cấp kỹ thuật các luồng tuyến vận tải thủy nội địa kết nối các cảng biển, tuyến nối tắt, tuyến vận tải hành khách... Để đạt được các mục tiêu trên, thành phố đề ra nhiều giải pháp thực hiện, bao gồm hoàn thiện quy hoạch, xây dựng các cơ chế, chính sách hợp lý để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực giao thông đường thủy; củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức; phát triển đồng bộ, khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng đường thủy; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác vận tải đường thủy.
Sở GTVT TPHCM kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu, rà soát lại công tác phân cấp, ủy quyền trong quản lý các tuyến đường thủy quốc gia ủy quyền, trong đó có thể phân cấp các tuyến đường thủy quốc gia để TPHCM tổ chức quản lý, khai thác; xem xét, triển khai thí điểm phân cấp công tác đăng kiểm các phương tiện thủy nội địa theo hướng phân cấp cho Sở GTVT TPHCM tổ chức đăng kiểm phương tiện như các đơn vị đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Kiến nghị UBND TPHCM ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy, trong đó đặc biệt là nạo vét luồng và nâng cấp các công trình vượt sông đạt cấp kỹ thuật; chỉ đạo UBND các quận huyện tăng cường công tác quản lý, chống lấn chiếm sông, kênh rạch và hành lang ven sông. Đẩy nhanh công tác giải tỏa mặt bằng phục vụ thi công các công trình đường thủy.

Thời gian qua, Sở GTVT TPHCM đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đường thủy và bước đầu đã đạt được một số hiệu quả. Việc triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin bao gồm, công bố triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 cho 22 loại thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đường thủy nội địa; trong đó có 15 loại thủ tục tại Sở GTVT và 7 loại thủ tục tại Cảng vụ Đường thủy nội địa. Từ năm 2017, Cảng vụ Đường thủy nội địa đã thí điểm làm thủ tục cho phương tiện vào/ra cảng, bến thủy nội địa bằng tin nhắn SMS. Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu GIS về hạ tầng đường thủy, công cụ thu thập, tích hợp, lưu trữ và cung cấp dữ liệu theo thời gian và xây dựng phần mềm phục vụ công tác quản lý, điều hành đường thủy và cung cấp thông tin cho người dân thông qua các ứng dụng đi động, dự kiến đưa vào khai thác trong quý 2 năm nay. Đầu tư hệ thống camera giám sát tại các vị trí xung yếu như ngã ba sông, luồng đường thủy có lưu lượng giao thông cao, cảng, bến thủy nội địa... kết nối về trung tâm quản lý. Kết nối camera tại các bến phà, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông có lưu lượng vận tải lớn, kết nối thông tin về cơ quan quản lý. 

Tin cùng chuyên mục