Phát triển y tế cơ sở, tạo nền tảng hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân

Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị T.Ư 6, khóa XII đã nêu các quan điểm “Y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”, “Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân”...

Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị T.Ư 6, khóa XII đã nêu các quan điểm “Y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”, “Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân”... Nghị quyết cũng đề ra một số mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể được thực hiện bởi mạng lưới y tế cơ sở như triển khai chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao sức khỏe nhân dân, quản lý sức khỏe đến từng người dân; thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã, phường, thị trấn…

Phát triển y tế cơ sở, tạo nền tảng hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân ảnh 1 Bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại Trạm Y tế phường 11, quận 3
 Y tế cơ sở (YTCS) ở nước ta hiện nay bao gồm: Y tế thôn, bản, xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã, là tuyến y tế ban đầu gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhất và hiệu quả nhất. Mạng lưới YTCS ngày càng có vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình mục tiêu về y tế, nhất là việc khám, chữa bệnh cho người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo - là những khu vực điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, tỷ lệ người nghèo cao, lại ở xa các bệnh viện tỉnh, bệnh viện trung ương.

Trong những năm qua, mạng lưới YTCS ở Việt Nam đã được củng cố, phát triển. Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản và đang là mô hình mà nhiều nước trên thế giới quan tâm, học hỏi, làm theo. Hiện nay, cả nước có hơn 700 trung tâm y tế huyện, quận, thị xã; hơn 11.100 trạm y tế xã, phường, thị trấn, trong đó có hơn 60% số trạm y tế đã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2010 - 2020; 100% số xã có trạm y tế hoặc có phòng khám đa khoa khu vực liên xã; 87,5% số trạm y tế xã có bác sĩ làm việc (bao gồm cả bác sĩ làm việc lâu dài và bác sĩ tuyến trên luân phiên về làm việc hai, ba ngày trong tuần); 96% số trạm y tế xã có nữ hộ sinh/y sĩ sản nhi và hơn 95% số thôn bản có nhân viên y tế thôn, bản hoặc cô đỡ thôn, bản…

Mặc dù được Quốc hội, Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố và các nhà tài trợ quốc tế quan tâm dành nhiều nguồn lực đầu tư trong suốt thời gian qua, song YTCS vẫn tồn tại nhiều bất cập chưa được giải quyết, trong đó khó khăn lớn nhất là về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Trên thực tế, người dân đến với YTCS để được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được tư vấn về sức khỏe lại chiếm tỷ lệ thấp. Có nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân trực tiếp là "chất lượng dịch vụ", "lòng tin của người dân" và nguyên nhân gián tiếp phải nói tới cơ chế chính sách và đầu tư. Cơ chế, chính sách chưa thật sự tạo điều kiện cho YTCS phát huy khả năng và tiềm năng, điều đó dẫn tới người dân sẽ lại tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe, các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải và sự hài lòng sẽ khó được cải thiện.

Ðể giải quyết những nguyên nhân gốc rễ đó, ngành y tế tiếp tục thực hiện đổi mới YTCS một cách toàn diện, đồng bộ, hướng tới "bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân", bảo đảm để tất cả mọi người dân được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng khi cần mà không phải chịu khó khăn về tài chính, mà trước hết cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và chức năng, nhiệm vụ của YTCS, tiếp tục triển khai các hoạt động thiết thực để nâng cao chất lượng của YTCS như: Ðưa trạm y tế thuộc trung tâm y tế huyện để luân phiên cán bộ từ huyện xuống và từ xã lên, bồi dưỡng cán bộ tuyến dưới để nâng cao kỹ thuật chuyên môn, được tiếp cận với mô hình bệnh tật, nhu cầu của người dân. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, bắt đầu từ chương trình tiêm chủng mở rộng, bà mẹ và trẻ em, khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho đến quản lý sức khỏe người dân. Tiến tới thực hiện mục tiêu quản lý sức khỏe toàn diện cho từng người dân. Người dân cần được khám sức khỏe định kỳ chứ không chỉ khám bệnh khi ốm đau; phải được khám sàng lọc để phát hiện sớm nguy cơ, mầm mống bệnh tật, điều trị kịp thời nhằm giảm thấp nhất chi phí điều trị; phải được tư vấn về sức khỏe, dinh dưỡng, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe…

Định hướng tăng cường mạng lưới YTCS trong những năm tới được xác định là để bảo đảm cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện, giúp mọi người dân dễ dàng tiếp cận được các dịch vụ y tế ít tốn kém là yếu tố cơ bản, có tính quyết định tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Ðể triển khai thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW và Quyết định 2348/QÐ-TTg ngày 5-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án Xây dựng và phát triển mạng lưới YTCS trong tình hình mới, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động; Hướng dẫn triển khai mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã thuộc tám tỉnh, thành phố để các trạm y tế đến học tập kinh nghiệm; Quyết định về mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; xây dựng kế hoạch theo dõi sức khỏe cá nhân đến từng người dân; triển khai phần mềm quản lý công tác tiêm chủng... Ðồng thời, đề nghị các địa phương đẩy nhanh việc hoàn thiện mô hình trung tâm y tế huyện đa chức năng, tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến huyện. Ðáng chú ý, tháng 10-2017, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 39/2017/TT-BYT về gói dịch vụ y tế cơ bản để khuyến khích người dân đến khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tại trạm y tế xã. Ðồng thời thực hiện đẩy mạnh việc quản lý sức khỏe, theo dõi các bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã, phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình ở khu vực đô thị để nâng cao hiệu quả hoạt động YTCS.

Trong năm 2018, ngành y tế tập trung thực hiện một số nội dung quan trọng để YTCS thật sự trở thành nền tảng, xương sống của hệ thống y tế Việt Nam:

Một là về tổ chức, hoạt động: Tiếp tục sắp xếp các trung tâm y tế và bệnh viện tuyến huyện thành trung tâm y tế đa chức năng, thực hiện cả nhiệm vụ phòng bệnh, chữa bệnh, dân số, an toàn thực phẩm, trực tiếp quản lý trạm y tế xã nhằm giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế tuyến huyện. Ðổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của trạm y tế xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe . Giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ trạm y tế xã làm những việc theo Danh mục các dịch vụ kỹ thuật tuyến cơ sở bắt buộc phải thực hiện. Quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã; nâng cao năng lực phát hiện, sàng lọc, kịp thời chuyển người bệnh lên tuyến trên và tiếp nhận, theo dõi, điều trị người bệnh từ tuyến trên chuyển về. Phát triển các phòng khám bác sĩ gia đình tại nơi có điều kiện để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ngày càng tốt hơn.

Phát triển y tế cơ sở, tạo nền tảng hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân ảnh 2 Y tế cơ sở là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cần thiết cho người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa

Hai là về tài chính: Ðồng thời với giao nhiệm vụ phải kèm theo đổi mới cơ chế tài chính, phương thức chi trả cho YTCS. Bảo đảm dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng, tăng tỷ trọng chi bảo hiểm y tế, huy động các nguồn vốn ODA, tư nhân, xã hội hóa cho y tế cơ sở. Ban hành và cập nhật gói dịch vụ y tế cơ bản phù hợp với khả năng chi trả của bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước.

Ba là về nhân lực: Tiếp tục tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống tuyến dưới và ngược lại; xây dựng các quy trình chuyên môn, hướng dẫn điều trị; tiếp tục đào tạo theo địa chỉ để đào tạo nhân lực cho YTCS, các vùng khó khăn; xây dựng và trình ban hành các chính sách ưu đãi cho nhân viên YTCS, nhất là tại vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Bốn là về cơ sở hạ tầng: Phân loại các trạm y tế xã để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ở từng vùng miền, khu vực; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cho các trạm y tế xã ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo.

Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, nhưng tin rằng, với sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và của toàn dân, ngành y tế sẽ phát huy được những thành tựu đã đạt được, tiếp tục nỗ lực phấn đấu để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Tin cùng chuyên mục