Phát triển y tế viễn thông cho thành phố thông minh

TPHCM cần có một hệ thống y tế viễn thông (còn gọi là viễn y - Telemedicine) để bác sĩ có thể chăm sóc, chữa trị bệnh nhân từ xa. 

Với kinh nghiệm sẵn có, chúng tôi đề xuất cộng tác với TPHCM thiết lập một Trung tâm Viễn y để đào tạo đội ngũ trẻ, từ đó kết nối với các bệnh viện để thực hiện những sáng kiến giải quyết những vấn đề thực tế, góp phần thực hiện đề án xây dựng TPHCM thành thành phố thông minh.

Đưa dịch vụ y tế tới người bệnh ở xa

Dựa trên công nghệ điện toán đám mây (Cloud Computing) và mạng lưới kết nối vạn vật (Internet of Things), nền y tế viễn thông hiện là lĩnh vực phát triển nhanh nhất của y tế thế giới. Đây là việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đưa các dịch vụ y tế, y học tới người sử dụng ở xa một cách thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả.

Thị trường viễn y toàn cầu năm 2016 vào khoảng 27 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2010. Viễn y trở thành điểm nóng của ngành y về mô hình phục vụ và khả năng cải thiện tỷ số hiệu quả/chi phí. Trên thế giới, các tổ chức, bệnh viện, công ty, trường đại học, viện nghiên cứu quan tâm, nghiên cứu và tham gia vào lĩnh vực viễn y ngày càng nhiều.

Các đơn vị này liên kết tạo thành các mạng lưới trong hiệp hội về y tế viễn thông. Các nước có thu nhập thấp và trung bình cũng triển khai hệ thống viễn y để thu thập dữ liệu và theo dõi từ xa các hoạt động của y tế cộng đồng (Peru), giám sát và theo dõi bệnh sốt rét, suy dinh dưỡng (Uganda, Ấn Độ), theo dõi bệnh nhân và lưu trữ dữ liệu quản lý bệnh tật (Nam Phi), xây dựng hình ảnh học quốc tế cho bệnh lao, sản khoa, nhi khoa  (Liberia)...

Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện Việt Nam có hơn 13 triệu người có bệnh liên quan đến cao huyết áp và bệnh tim mạch. Những bệnh nhân này chưa được giám sát các thông số về điện tim, huyết áp đầy đủ.

Phát triển y tế viễn thông cho thành phố thông minh ảnh 1 Chẩn đoán bệnh trực tuyến tại Trạm y tế phường Tân Hưng, quận 7. Ảnh: VIỆT DŨNG
Ngoài ra, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là nước có tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chiếm khoảng 5% số dân (hơn 4 triệu người). Bệnh tiểu đường cũng phát triển đáng báo động với tỷ lệ người bệnh của cả nước là 4% dân số, tại TPHCM là 11%. Dự báo, năm 2025, tỷ lệ bệnh tăng lên ở các nước phát triển là 42%, nhưng ở các nước đang phát triển (như Việt Nam) sẽ tăng 170%.

Nhìn vào cơ cấu dân số của Việt Nam, chúng ta thấy xuất hiện nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong thời gian tới là rất lớn. Đồng thời, nhóm phụ nữ bước vào tuổi sinh con, có nhu cầu sử dụng dịch vụ sức khỏe sinh sản và nhi khoa cũng lớn. Trong khi đó, nhóm lực lượng lao động của Việt Nam (từ 15 đến 59 tuổi) đang là chủ lực, chiếm trên 50%. Đây cũng là cơ hội vàng để làm cho đất nước giàu hơn trước khi già, nếu chúng ta biết sử dụng đúng cách lực lượng này.

Hiện nay, Việt Nam có: 1- Lực lượng trí thức có khả năng hấp thu được các tiến bộ khoa học, kỹ thuật; 2- Nguồn nhân lực lao động có tay nghề tốt và rẻ; 3- Hệ thống phục vụ hiệu quả; 4- Tình trạng xã hội, sinh thái rất thuận lợi với đa số dân chúng ở vùng sâu vùng xa và hiểu giá trị của sức khỏe; 5- Hạ tầng cơ sở viễn thông khá hoàn chỉnh.

Như vậy, Việt Nam có điều kiện rất tốt so với nhiều nước trên thế giới, cũng như nhu cầu và khả năng triển khai công nghệ viễn y. Viễn y giúp tăng hiệu quả việc chẩn đoán và điều trị của bệnh nhân, giúp giảm tải các bệnh viện, cũng như tạo sự liên thông dễ dàng giữa các bệnh viện tuyến trên với bệnh viện tuyến dưới để nâng cao chất lượng điều trị bệnh của nhóm sau.

Phù hợp hoạt động khởi nghiệp

Hệ thống viễn y bao gồm các thiết bị cá nhân mà bệnh nhân có thể tự sử dụng. Cùng đó, các thiết bị chuyển tiếp tín hiệu, phần mềm quản lý bệnh nhân, phần mềm xử lý tín hiệu và ảnh y tế hỗ trợ chẩn đoán từ xa, nhằm giúp bác sĩ và y tá theo dõi tình trạng các bệnh nhân từ xa.

Thiết bị cá nhân là thiết bị đơn thông số, được sử dụng tại tư gia (homecare) phù hợp cho từng loại bệnh nhất định như để đo huyết áp, đường huyết hay chức năng hô hấp... Điểm nổi bật là các thiết bị này được phát triển dựa trên công nghệ chăm sóc tại chỗ (point-of-care technology). Nghĩa là nó có thể sử dụng ở các vùng sâu vùng xa lẫn thành thị, cũng có thể xuất khẩu đến các nước LMI (có thu nhập thấp và trung bình). Với khả năng số lượng tiêu thụ lớn, tạo lợi nhuận kinh tế cao, rất hấp dẫn với các đơn vị sản xuất, đơn vị phân phối và các đơn vị cung cấp dịch vụ (các bệnh viện, các công ty viễn thông).

Việc sản xuất chúng không đòi hỏi kinh nghiệm quá cao hay đầu tư lớn, nên phù hợp với các công ty vừa và nhỏ hay công ty khởi nghiệp. Các thiết bị này là mấu chốt kết nối bác sĩ và bệnh nhân với nhau thông qua công nghệ điện toán đám mây, hệ thống điều khiển vật chất (Cyper Physical System) và mạng lưới kết nối vạn vật. Hệ thống này tạo thành một dịch vụ y tế điện tử (E-Healthcare) hoàn chỉnh, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam cũng như các nước LMI khác.

Mặc khác, dịch vụ này sẽ thu thập dữ liệu y tế, tạo thành kho tàng khổng lồ (Big Data), được phân tích bằng những công nghệ tiên tiến thuộc nhóm trí tuệ nhân tạo (Neuro Network, Artifical Intelligence, Deep Learning), thực tế ảo (Virtual Reality). Những công nghệ này giúp bác sĩ chăm sóc bệnh nhân nhanh chóng và hữu hiệu hơn, cũng như giúp các bác sĩ trẻ thu thập nhanh chóng những kỹ thuật mới.

Như thế, công nghệ viễn y sẽ bắt đầu bằng công nghệ thiết kế chế tạo thiết bị và phần mềm quản lý kết nối người tiêu thụ với nhau. Hệ thống này sản sinh ra dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, cũng như những nhu cầu mới. Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp đẩy mạnh những kiến thức y học, khoa học sự sống, kỹ thuật chăm sóc sức khỏe và vạch ra đường hướng phát triển xã hội đúng đắn.

Sự thành công trong việc vận hành này sẽ làm nền tảng cho việc sáng tạo ra những thiết bị mới cùng nằm trong hệ thống quản lý. Sau đó, những dịch vụ khác sẽ cứ như thế tiếp nối và lan tỏa ra như vết dầu loang.

Tóm lại, công nghệ viễn y là một công nghệ xanh tiên tiến, thân thiện với môi trường, phù hợp với hoàn cảnh đất nước và nằm trong tay của những doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như những công ty khởi nghiệp. Nó tạo sự kết nối tự nhiên giữa người dân và doanh nghiệp. Nó không những giúp giải quyết vấn đề cấp bách trước mắt mà còn chuẩn bị cho các bước phát triển trong tương lai. Nếu TPHCM triển khai thành công, mô hình này có thể áp dụng cho các nước có thu nhập thấp và trung bình khác.

Sẵn sàng chia sẻ ý tưởng

GS Võ Văn Tới trở về nước vào năm 2009, sau hơn 40 năm học tập và làm việc ở nước ngoài (chủ yếu tại Thụy Sĩ và Hoa Kỳ). Về nước, GS Võ Văn Tới hợp tác thành lập và vận hành bộ môn Kỹ thuật Y sinh tại Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM).

Sau 10 năm hoạt động, bộ môn đã khẳng định được vị thế của mình trong vùng và trên thế giới. Bộ môn mạnh dạn đưa ra những đề xuất góp phần vào việc đào tạo để xây dụng một nền tảng cho việc kiến tạo một thành phố thông minh.

GS Võ Văn Tới đề xuất cộng tác với TPHCM thiết lập một trung tâm viễn y, với mục tiêu đào tạo đội ngũ trẻ được trang bị những kiến thức bao gồm thiết kế chế tạo thiết bị viễn y, phần mềm quản lý kết nối bệnh nhân và bác sĩ (từ thành thị đến vùng sâu vùng xa), phát triển trí tuệ nhân tạo trong kỹ thuật chăm sóc sức khỏe, khoa học sự sống và vạch ra đường hướng phát triển xã hội.

GS Võ Văn Tới cam kết sẵn sàng chia sẻ những dự định cụ thể, nếu TPHCM quan tâm đến đề xuất này.

Tin cùng chuyên mục