Báo SGGP, Sở KHCN TPHCM tổ chức tọa đàm “Ứng dụng nhanh và hiệu quả đầu tư nghiên cứu khoa học”: Một cơ chế cho “tam giác động lực”

Báo SGGP, Sở KHCN TPHCM tổ chức tọa đàm “Ứng dụng nhanh và hiệu quả đầu tư nghiên cứu khoa học”: Một cơ chế cho “tam giác động lực”

Không khí của buổi tọa đàm hôm qua, 22-10, nóng lên khi các nhà khoa học, các đại diện doanh nghiệp tham dự muốn nhìn thẳng, nói thẳng những suy nghĩ của mình. Có người cho rằng các nhà khoa học cần phải làm tốt hơn, phải cố gắng hơn để các doanh nghiệp tin tưởng, nhưng cũng có người cho rằng: chúng tôi làm được, vậy mà không tin chúng tôi, lại cứ đi mua sản phẩm nước ngoài. Ai đúng?

Nhà khoa học: chúng tôi cần lòng tin!

TS Hoàng Kim Anh, Viện Sinh học nhiệt đới, một trong số ít các nhà khoa học nữ phát biểu tại buổi tọa đàm, mang đến một câu chuyện rất chi tiết, rất sinh động từ những khó khăn của mình trong nghiên cứu. Đó là dự án sản xuất thử nghiệm maltodextrin từ tinh bột sắn và ứng dụng trong công nghệ chế biến thực phẩm của Viện Sinh học nhiệt đới với Công ty TNHH Pháp Quốc.

Pháp Quốc có sẵn một số trang thiết bị có thể sử dụng cho dây chuyền thủy phân tinh bột và tinh sạch dịch sản phẩm. Khó khăn còn lại là tìm đâu ra thiết bị sấy phun công suất lớn. Các nhà khoa học phải đi tìm, từ những công ty sản xuất tinh bột cho tới các công ty chế biến thực phẩm khác để giới thiệu sản phẩm và đề nghị họ hợp tác, tìm thiết bị sấy phun công suất lớn. Thiết bị không phải không có, nhưng tìm mãi đến tận Hà Nội mới được Công ty Minh Dương (Hà Tây) đáp ứng yêu cầu. Từ đó đã chế tạo thành công một số sản phẩm từ nước yến Con cò bé bé, xúc xích Thụy Sĩ của Công ty Angst Trường Vinh đến trà hòa tan của Thanh Phát từ tinh bột sắn.

Báo SGGP, Sở KHCN TPHCM tổ chức tọa đàm “Ứng dụng nhanh và hiệu quả đầu tư nghiên cứu khoa học”: Một cơ chế cho “tam giác động lực” ảnh 1

Toàn bộ các công đoạn từ thiết kế, thi công, lắp ráp tàu TAYDO STAR công suất 6.500 tấn đều do các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện.

“Các nhà khoa học muốn thử nghiệm đề tài ở dây chuyền sản xuất khó lắm, do ảnh hưởng đến lịch sản xuất của doanh nghiệp dày đặc. Mà các nhà khoa học không thể đầu tư một hệ thống thiết bị mới để thử nghiệm một quy trình sản xuất. Trường hợp tôi kể trên, dù khó khăn nhưng may mắn chúng tôi đã giải quyết được. Nhưng không phải bao giờ cũng vậy. Ví dụ như tại một hội đồng xét tuyển đề tài sản xuất, khử vị đắng của nước bưởi. Khi hội đồng đề nghị với một doanh nghiệp sản xuất nước uống cho chủ nhiệm đề tài mượn dây chuyền để sản xuất thử nghiệm, doanh nghiệp trả lời thẳng là không được”, TS Kim Anh cho biết.

Theo bà Kim Anh, bên cạnh việc các nhà khoa học cần quan tâm hơn đến yêu cầu của doanh nghiệp, của thị trường, họ cũng cần thêm sự tin tưởng.”Doanh nghiệp lại cũng không tin tưởng vào các nhà nghiên cứu. Thay vì chi ít tiền để mang về thiết bị hoặc công nghệ được tạo ra trong nước, các doanh nghiệp lại chọn giải pháp an toàn hơn là nhập thiết bị hoặc công nghệ đắt tiền từ nước ngoài mà không biết nó có thể triển khai tốt tại cơ sở của mình hay không”, bà Kim Anh nhận xét.

Doanh nghiệp: các nhà khoa học phải tạo ra lòng tin đó

Nhiều nhà khoa học tại buổi tọa đàm có cùng ý kiến như chị Kim Anh. Tuy nhiên, ông Trần Thành Đạt, Giám đốc Công nghệ SAMCO lại có một cái nhìn khác hẳn. Theo ông Thành Đạt, hầu như không có doanh nghiệp nào không có nhu cầu ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học (NCKH). Tất cả chủ doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp nếu được hỏi đều bày tỏ mong muốn được áp dụng những kết quả NCKH để nâng cao năng suất, chất lượng, cải tiến sản phẩm hoặc đưa ra sản phẩm mới… mà mục tiêu tối hậu là nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp mình trên thị trường. Thế nhưng, nếu hỏi tiếp rằng mong muốn ấy thể hiện thành yêu cầu cụ thể như thế nào thì nhiều người không trả lời cụ thể được. Thực tế là doanh nghiệp chưa quan tâm đầy đủ đến nhu cầu tiến hành và ứng dụng kết quả NCKH. Lý do quan trọng trong đó là: dưới cái nhìn của nhiều doanh nghiệp, hoạt động nghiên cứu khoa học trong thời gian qua kém hiệu quả.

Cũng nhìn thẳng vào vấn đề “lòng tin” với nhà khoa học, ông Hoàng Minh Châu, Phó Tổng giám đốc FPT nhận định: “Các nhà khoa học cũng cần phải nâng cao “năng lực cạnh tranh”. Chúng ta phải xác định thế mạnh của mình. Cái nào mà chúng ta nghiên cứu thua nhà khoa học nước ngoài, thì chúng ta đừng nghiên cứu nữa. Chúng ta cũng có những thế mạnh mà các nhà khoa học nước ngoài không có được. Cần phải xác định điểm mạnh của mình mà tập trung vào nghiên cứu, chứ không thể cứ nghiên cứu bằng tiền nhà nước, rồi lại dùng tiền nhà nước khuyến khích người ta sử dụng nghiên cứu của mình. Các doanh nghiệp nhà nước cũng vậy, chỉ đặt hàng nhà khoa học những đề tài nghiên cứu mà mình thực sự cần thiết thôi”.

Theo ông Châu, các nhà khoa học cũng cần xây dựng “thương hiệu”, để khẳng định lòng tin với doanh nghiệp. Đồng thời, các nhà khoa học trong nước cũng nên tham gia vào quy trình nghiên cứu trên thế giới, để NCKH VN cần trở thành một bộ phận của hệ thống NCKH quốc tế.

Nhà quản lý: xem mình là nhà đầu tư, đặt yêu cầu khắt khe hơn

Báo SGGP, Sở KHCN TPHCM tổ chức tọa đàm “Ứng dụng nhanh và hiệu quả đầu tư nghiên cứu khoa học”: Một cơ chế cho “tam giác động lực” ảnh 2

Các đại biểu tham dự tọa đàm trao đổi thêm trong giờ giải lao. Ảnh: MAI HẢI

Theo ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, nếu nói các nhà khoa học đã đóng góp nhiều, có nhiều NCKH hiệu quả cao thì không đúng, nhưng nếu cho rằng các nhà khoa học không đóng góp được gì thì cũng không đúng. “Trong nhiều lĩnh vực, như công nghiệp đóng tàu hay chế tạo giàn khoan, chúng ta đã có những công trình khoa học giúp phát triển cả ngành hay có nhiều sản phẩm có thể xuất khẩu ra thế giới”, ông Tân nhấn mạnh.

Tuy vậy, nhìn nhận khách quan về vai trò, đóng góp của công tác nghiên cứu khoa học vào quá trình phát triển chung của thành phố, ông Tân cho rằng dù có những đóng góp to lớn nhưng hiệu quả ứng dụng vẫn chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của thành phố. Có 3 nguyên nhân: cơ chế, chính sách chậm đổi mới; nặng tư duy bao cấp trong NCKH; năng lực sáng tạo, tiềm lực nghiên cứu còn hạn chế, khiêm tốn. Vì vậy, ông Tân cho rằng đối với Sở KH-CN cần đổi mới cơ chế, tăng cường tính phản biện độc lập, công tác giám sát và nghiệm thu đề tài, tự xem mình là nhà đầu tư để nhìn nhận khách quan và đầu tư hiệu quả vào các công trình nghiên cứu; thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phổ biến kết quả nghiên cứu, thành lập quỹ hỗ trợ sau nghiệm thu. “Chúng tôi sẽ chú trọng nhiều hơn nữa đến việc ứng dụng đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tế. Với nguồn kinh phí của địa phương, TPHCM không thể dành quá nhiều đầu tư cho nghiên cứu cơ bản được. Nếu đề tài nghiên cứu mà không có nơi ứng dụng, sắp tới sẽ bị chúng tôi từ chối cấp kinh phí. Mọi người có trách chúng tôi “mì ăn liền” cũng đành chịu vậy”, ông Tân cương quyết.

Với kinh nghiệm và tâm huyết của người quản lý nhà nước về NCKH, ông Tân cho rằng để ứng dụng nhanh và hiệu quả các công trình NCKH, cần có cơ chế để “tam giác động lực” (các nhà khoa học – doanh nghiệp - các nhà quản lý) vận hành trơn tru. Khi đó mới có thể đạt được yêu cầu: kịp thời, chất lượng và hiệu quả cho các công trình NCKH. Trong nỗ lực của mình, TPHCM bước đầu đã có một số chính sách để cơ chế ấy phát huy tác dụng.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Văn Tuấn, Phó Tổng biên tập thường trực Báo SGGP nhận xét: Buổi tọa đàm của chúng ta đã phần nào đáp ứng được mục tiêu đặt ra là tìm được nguyên nhân và giải pháp để đẩy mạnh hiệu quả ứng dụng cho nghiên cứu khoa học trong nước. Qua buổi tọa đàm, chúng tôi nhận thấy có 4 vấn đề cần quan tâm hiện nay: các công trình khoa học cần được xem là sản phẩm phục vụ nhu cầu xã hội, các nhà quản lý cần đặt hàng cho nhà khoa học để nâng cao hiệu quả ứng dụng, cần xem trọng vai trò của phản biện, vai trò của công tác thông tin về khoa học phải đảm bảo tính đúng đắn, nghiêm túc, khoa học.

NHÓM PV KHOA GIÁO 


Thống kê các chương trình, đề tài nghiên cứu và dự án triển khai KHCN từ năm 2003 - 2006

  Năm 2003 Năm 2004 Năm 2005 Năm 2006
Số lượng chương trình 17 17 17 15
Số lượng đề tài 279 329 372 340
Số lượng dự án 8 8 11 10
Kinh phí được cấp (tỷ đồng) 30,6 29,9 36,5 42,9
Tỷ lệ đề tài, dự án KHCN áp dụng sau nghiệm thu (%) * 85,4 82 70 85
Tỷ lệ đề tài, dự án KHCN
được đặt hàng
41 52 44 40

* Tỷ lệ ứng dụng sau nghiệm thu bao gồm kỷ yếu, in thành sách, giáo trình giảng dạy và triển khai trong phòng thí nghiệm là tiền đề cho việc triển khai ứng dụng tại đơn vị đạt từ 75% - 85%. Tuy nhiên tỷ lệ đề tài, dự án KHCN áp dụng nghiệm thu sau đó được triển khai sản xuất trong 1 đơn vị hoặc sản xuất đại trà chỉ chiếm 25% - 30%.

Tin cùng chuyên mục