Người đưa công nghệ Titan về giải bài toán “khát cát”

Người đưa công nghệ Titan về giải bài toán “khát cát”

Ngày 7-11-2007, nhân kỷ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Viện Cơ học Ứng dụng và Sở Khoa học Công nghệ TPHCM sẽ tổ chức hội thảo giới thiệu công nghệ mới nghiền đá thành cát và sỏi của Nga đang được ứng dụng thành công tại Việt Nam, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này của Liên bang Nga. Đây cũng là dịp để thảo luận tìm lời giải cho bài toán “khát cát” xây dựng trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng và đô thị của nhiều địa phương trong nước. Để hiểu rõ công nghệ và thiết bị mới này, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Quang Chánh, người có công phát hiện và đưa nó về nước nhà…

Lấy đâu ra 100 triệu tấn cát/năm?

Người đưa công nghệ Titan về giải bài toán “khát cát” ảnh 1

Trong chuyến sang Nga, ông Nguyễn Quang Chánh (phải) đã làm việc và chụp hình lưu niệm với ông Golotvin, Chủ tịch Tập đoàn OAO Drobmash.

Nguyên là cán bộ khoa học công nghệ chuyên ngành về sở hữu trí tuệ tại TPHCM, tốt nghiệp đại học tại Liên Xô, có hơn 20 năm gắn bó với nước Nga, ông Nguyễn Quang Chánh luôn quan tâm tìm kiếm những công nghệ mới để “đưa về nhà” trong số hàng trăm ngàn công nghệ và sáng chế đã được công bố ở Nga.

Ông chú ý đến lời cảnh báo của ngành xây dựng rằng sẽ diễn ra nguy cơ thiếu cát khi việc khai thác cát tự nhiên ở sông hồ đang bị hạn chế và nghiêm cấm để bảo vệ môi trường sinh thái và chống sạt lở ở lưu vực các sông.

Như vậy mỗi năm lấy đâu ra đến khoảng 100 triệu tấn cát để đáp ứng nhu cầu sử dụng 50 triệu tấn xi măng xây dựng (tỷ lệ 1 xi măng 2 cát) của cả nước?

Đi tìm lời giải cho vấn đề lớn và hóc búa này, cuối cùng ông tiếp cận được với những con người và tổ chức liên quan đến công nghệ và thiết bị nghiền ly tâm với tên gọi Titan quay trên “gối đệm không khí”- một phát minh của người Nga đã được ứng dụng trong công nghệ quốc phòng và chế tạo một số chi tiết đặc biệt của tàu con thoi Ouran.

Bản chất của công nghệ này là quay không cần ổ bi (bạc đạn), thiết bị nghiền Roto có thể quay với vận tốc tới 120m/giây bằng gối đỡ không khí, vừa đơn giản lại rất hiệu quả. Tiến sĩ khoa học người Nga Lisitca Vasili Ivanovich là tác giả công trình này, đã được cấp bằng sáng chế quốc gia để chế tạo máy nghiền ly tâm va đập. Đây là nguyên lý nghiền “đá va đập với đá” (rock – on rock) làm vỡ vụn vật liệu cần nghiền dưới vận tốc quay 120m/giây (nếu dùng ổ đỡ vòng bi thì không thể quay với vận tốc như vậy do giới hạn của chính vòng bi).

Có thể nói người Nga đã đi tiên phong trong việc chế tạo máy nghiền ly tâm không dùng ổ đỡ vòng bi mà sử dụng “gối đệm không khí” cực kỳ tiên tiến, rẻ tiền và đến nay chưa một hãng nào ở phương Tây có thể chế tạo được với công nghệ tương tự.

Công nghệ này có thể nghiền tất cả vật liệu đến độ mịn 0,040mm như độ mịn của xi măng cao cấp mà không sử dụng nghiền bi đang phổ biến, đặc biệt còn được ứng dụng để nghiền đá thành cát nhân tạo và đá dăm có độ tròn như sỏi đạt chất lượng cao để phục vụ các công trình xây dựng và giao thông bền vững.

Đưa Titan “gối đệm không khí” về nước

Người đưa công nghệ Titan về giải bài toán “khát cát” ảnh 2

Thiết bị Titan (X) trong dây chuyền nghiền đá thành cát nhân tạo tại mỏ đá Tân Đông Hiệp (Bình Dương). Ảnh: HƯƠNG ANH

Tuy nhiên, để đưa được công nghệ mới như nói trên về nước với tư cách cá nhân không phải là điều dễ dàng nếu không có quyết tâm và mối quan hệ thâm tình.

Ở nước Nga nhiều năm, ông Chánh được lãnh đạo Tập đoàn sản xuất máy nghiền sàng đá OAO Drobmash nổi tiếng trên thế giới này xem như người trong gia đình để từ đó thường xuyên tiếp cận những nghiên cứu ứng dụng mới của hãng này.

Chính OAO Drobmash đã tin tưởng cử ông Nguyễn Quang Chánh, Giám đốc Công ty CP Tân Đại Lợi (18 Ngô Quyền, quận 5 TPHCM), làm đại diện cho hãng nhiều năm nay tại Việt Nam.

Từ đó ông Chánh lại có điều kiện quen thân với lãnh đạo Tập đoàn New – Technologies chuyên sản xuất thiết bị nghiền Roto va đập thuộc hàng đầu thế giới và sớm nắm bắt công nghệ thiết bị máy nghiền Titan quay trên “gối đệm không khí”. Trong khi đó, với máy nghiền Titan, đá được nghiền thành sỏi và cát vẫn là chuyện lạ lẫm đối với giới sản xuất vật liệu xây dựng trong nước.

Để tạo niềm tin cho giới này, ông Chánh đã mời chính tác giả của sáng chế này là Tiến sĩ khoa học Lisitca Vasili Ivanovich sang Việt Nam để thuyết trình trước các doanh nghiệp và nhà khoa học chuyên ngành xây dựng trong nước và được thấy tận mắt cỗ máy Titan hoạt động nghiền đá thành cát và sỏi đạt hiệu quả cao: Máy nghiền Roto va đập cho ra 60% – 70% cát, trong khi nghiền côn chỉ cho tối đa 15%; cát nghiền từ đá có ưu điểm vượt trội hơn cát tự nhiên do giảm được tới 10% xi măng trong cùng một mác bê tông.

Ngoài ra, với các loại máy nghiền đá sẵn có, chỉ cần được đấu nối thêm thiết bị Titan vào dây chuyền là có thể sản xuất cát nhân tạo đạt chất lượng và hiệu quả cao.

Ông Chánh tâm sự: “Tôi đã trải qua chặng đường dài gần 5 năm từ đeo bám đến quyết tâm đưa công nghệ mới này về nước vì nhận thấy việc phải sản xuất cát nhân tạo nghiền từ đá thay cho cát tự nhiên ngày mỗi cạn kiệt so với tốc độ xây dựng, phát triển rất nhanh tại Việt Nam là một sự thật”.

Đến nay, thiết bị công nghệ mới này đã được ứng dụng đạt hiệu quả kinh tế cao tại các công trình thủy điện như Sơn La, Đồng Nai 4 và mỏ đá Tân Đông Hiệp (Bình Dương). Như vậy chúng ta có thể yên tâm giải được bài toán “khát cát” một cách đơn giản, rẻ tiền bằng công nghệ tiên tiến của Nga! 

THU BÌNH

Tin cùng chuyên mục