Dành không gian cho nước

Dành không gian cho nước

TPHCM đang xây dựng một số nguyên tắc ứng xử với biến đổi khí hậu (BĐKH) và thiên tai. Tuần qua, lãnh đạo nhiều sở ngành liên quan cùng một số nhà khoa học của TPHCM đã có cuộc họp trao đổi về vấn đề nêu trên. Để giúp bạn đọc bước đầu hình dung ra công việc này, Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Phó GS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Nước và BĐKH thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, thành viên tham gia xây dựng nguyên tắc này.

TPHCM sẽ giữ lại nhiều diện tích mặt nước để chống biến đổi khí hậu (Ảnh: Một góc diện tích mặt nước tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7). Ảnh: Thanh Tâm

TPHCM sẽ giữ lại nhiều diện tích mặt nước để chống biến đổi khí hậu (Ảnh: Một góc diện tích mặt nước tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7). Ảnh: Thanh Tâm

- PV: Thưa ông, tại sao phải xây dựng các nguyên tắc này và theo ông đó phải là những nguyên tắc gì?

GS-TS Hồ Long Phi: BĐKH và thiên tai lớn, bất ngờ đã và đang xảy ra ngày một nhiều trên thế giới. Thiệt hại gây ra thật khủng khiếp, do vậy theo tôi TPHCM xây dựng bộ nguyên tắc ứng xử với BĐKH và thiên tai là hoàn toàn đúng đắn và kịp thời. Với tôi có 2 nguyên tắc và 4 hành động mà TPHCM cần làm để thích ứng với BĐKH và thiên tai.

Hai nguyên tắc đó là: tôn trọng không gian dành cho nước và giảm thiểu thiệt hại thay vì chỉ hạ thấp nguy cơ. Bốn hành động: Soạn thảo và ban hành quy chế không gian dành cho nước; thiết lập hệ thống cảnh báo sớm và quy trình ứng phó; thiết lập quy trình vận hành hồ chứa nước đa mục tiêu; ưu tiên đầu tư cho các công trình thoát nước và hệ thống bơm dự phòng.

- Tại sao lại là hai nguyên tắc và bốn hành động đó thưa ông?

Là một thành phố ven biển với đa phần diện tích thấp, TPHCM đã được dự báo là một trong nhiều thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH và nước biển dâng. Do vậy, công tác ứng phó với nước, với tình trạng ngập nước cần được đặc biệt quan tâm. Còn tại sao nên tập trung giảm thiểu thiệt hại thay vì hạ thấp nguy cơ cũng khá đơn giản. Bởi vì nhiều vụ thiên tai đã xảy ra trên thế giới cho ta nhận thức được rằng: sức con người không thể chống chọi với thiên nhiên một khi thiên nhiên “nổi giận”. Giải pháp hay nhất, hiệu quả nhất là thích ứng với thiên nhiên và tìm cách giảm thiểu thiệt hại do thiên nhiên gây ra.

- Thưa ông, TPHCM có thể triển khai thực hiện hai nguyên tắc và bốn hành động đó như thế nào?

Để thực hiện nguyên tắc thứ nhất: dành không gian cho nước cần lưu ý trong bất cứ một quy hoạch phát triển đô thị nào cũng cần dành một không gian nhất định cho nước chứ không phải tìm cách đẩy nước đi chỗ khác. Trong điều kiện diễn biến phức tạp của BĐKH, không gian dành cho nước phải đủ mềm dẻo để có thể thích nghi theo thời gian. Những đề án hay công trình trực tiếp hay gián tiếp tác động đến chỗ dành cho nước cần phải hạn chế. Để thực hiện nguyên tắc thứ hai nên hiểu: nguy cơ ngập luôn hiện hữu bất chấp các giải pháp công trình. Bài học rút ra từ vụ ngập lụt lớn ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) là một ví dụ điển hình. Bangkok quá tin tưởng vào hệ thống công trình đê bảo vệ…

Quan điểm kiểm soát ngập lụt hiện đại là tìm cách giảm nhẹ thiệt hại khi xảy ra ngập chứ không chỉ tìm cách chống ngập. Các công trình kiểm soát ngập theo kiểu chiếm giữ không gian dành cho nước chỉ giảm thiểu nguy cơ nhưng lại có thể gián tiếp làm tăng thiệt hại. Để thực hiện hai nguyên tắc này, TPHCM nên rà lại tất cả các quy hoạch xây dựng đô thị hiện hành để có điều chỉnh theo hướng giảm thiểu thiệt hại; soạn thảo và ban hành các quy chế để có thể tái tạo không gian dành cho nước và dự trữ cho tương lai; thiết lập hệ thống cảnh báo sớm và xây dựng chương trình ứng phó; thiết lập quy trình vận hành hồ chứa nước đa mục tiêu và đẩy mạnh tiến độ xây dựng các công trình chống ngập theo hướng giảm thiệt hại.

- Xin cảm ơn ông!

An Nhiên

Tin cùng chuyên mục