Phía sau sở thích bệt

Cà phê bệt - thương hiệu một thời của giới trẻ TPHCM từng làm giới trẻ ở nhiều tỉnh, thành phải “xao xuyến” và quyết tâm thử bằng được mỗi khi có dịp vào TPHCM. Hiện nay, cà phê bệt không còn xôm tụ như trước, thay vào đó, giới trẻ bệt ở mọi nơi, mọi chỗ.
Người trẻ vô tư ngồi bệt ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) để ăn uống và xả rác
Người trẻ vô tư ngồi bệt ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) để ăn uống và xả rác

Bệt từ trường ra phố

Chọn một góc tại sảnh của tòa nhà mới trong khuôn viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, Trương Yến Nhi cùng nhóm bạn 10 người say sưa ôn lại bài thuyết trình cho buổi học sắp tới. Cũng ngay tại sảnh, nhiều dãy bàn, ghế được sắp xếp cẩn thận, chu đáo nhưng hiếm bóng dáng sinh viên ngồi. Yến Nhi cho biết: “Sinh viên thích ngồi bệt ở dưới nền vì không bị gò bó, khuôn phép và cũng dễ tương tác với nhau. Với lại, ngồi như vậy tôi thấy có gì đó bụi bụi, chất chất của tuổi trẻ”.

Cũng chính suy nghĩ ấy, tại nhiều trường đại học ở TPHCM, hàng ghế đá hay những bộ bàn ghế trong sảnh sinh hoạt chung, đôi khi chỉ để… cho có. Với trường học có không gian hẹp hơn thì sinh viên lại lựa chọn bệt ở hành lang lớp học hoặc cầu thang bộ hành.

Hình ảnh giới trẻ ngồi bệt không lạ, nó được khắc họa rõ nét nhất ở một số nơi như Công viên 30-4, Công viên 23-9 với tên gọi “cà phê bệt” đặc trưng gắn với giới trẻ thành phố. Không quá cầu kỳ về chỗ ngồi, chỉ một đôi dép, một tờ giấy cũ cũng biến lối đi bộ trong công viên trở thành nơi lý tưởng để vừa nhâm nhi ly cà phê, vừa trò chuyện hoặc sinh hoạt nhóm. “Nhưng giờ giới trẻ TPHCM không còn mặn mà với loại hình cà phê này, họ vẫn bệt nhưng bệt ở mọi nơi, mọi chỗ với nhiều mục đích khác nhau”, anh Đoàn Duy Tân (ngụ quận Bình Thạnh), “tín đồ” của cà phê bệt một thời, tỏ ra tiếc nuối. 

Nói đến bệt, chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (ngụ quận 1) phàn nàn: “Tụi nhỏ ngồi bệt khắp nơi, ra mấy tuyến đường như Mai Chí Thọ hoặc khu Thủ Thiêm quận 2 sẽ thấy, những nhóm thanh niên vô tư bày biện bếp, đồ ăn, bia bọt rồi la cà nhậu nhẹt từ đầu buổi tối tới khuya lắc khuya lơ. Không ít đứa con gái, mặc quần lưng thấp, váy ngắn ngồi ngay ra vỉa hè, vô cùng phản cảm”. 

Nơi mà chị Tuyết Mai nhắc đến đang được giới trẻ mệnh danh là “thiên đường” ăn vặt ở TPHCM. Không bàn ghế, không cửa tiệm nhưng mỗi tối, dọc hai bên vỉa hè đường trở thành nơi tổ chức tiệc tùng của hàng chục nhóm trẻ. Họ mang theo đồ ăn chuẩn bị sẵn tại nhà hoặc mua ở những xe đẩy luôn túc trực gần đó. Nhóm nào kỹ thì mang theo tấm bạt trải xuống, còn không thì ngồi thẳng xuống nền vỉa hè. 

Chỉ vào những thực khách đang ngồi túm năm tụm ba trên vỉa hè cầu Thủ Thiêm, ông Tư (quê Trà Vinh) bán cá viên chiên, cho biết: “Ngày trước cánh hàng rong tụi tui đi bán ở đâu cũng phải cài thêm vài ba cái ghế, cái bàn nhựa vô xe, đi đường chỉ sợ va quệt vào người ta. Rồi lúc đang bán mà bày ra cho khách ngồi, công an đi kiểm tra, dẹp không kịp thì coi như mất bàn, mất ghế. Giờ đám nhỏ không cầu kỳ phải bàn ghế đầy đủ nên tụi tui cũng được nhờ. Chỉ việc chở tủ đồ, tiện chỗ nào đứng bán chỗ đó, khách cũng tiện chỗ nào ngồi chỗ đó, khỏe!”. Nhờ xu hướng thích bệt của giới trẻ mà cánh bán hàng rong biến tấu bàn, ghế thành những tấm bạt để sẵn sàng phục vụ khách ăn uống ở những nơi công cộng. 

Hình thành ý thức suồng sã

Không riêng những tuyến đường mới ở quận 2, chỉ cần đi một vòng khu vực trung tâm như phố đi bộ Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng, khu vực công viên cầu Mống, trên cầu Mống, hồ Con Rùa, thậm chí là ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hoặc kênh Tàu Hủ, không khó để bắt gặp những tốp bạn trẻ vô tư bày biện ăn uống ngay trên nền vỉa hè. Những tiếng “vô”, những lời thúc giục cạn ly cũng sôi động không khác trong quán nhậu. Một số người còn đùa giỡn, chạy ra giữa đường, gây nguy hiểm cho các phương tiện qua lại hoặc tiện ngả lưng nằm luôn tại vỉa hè sau chầu nhậu nhẹt “chém gió” tơi bời. Và những gì còn lại sau cuộc vui là rác từ đồ ăn, là túi ni lông, chai nhựa, lon bia… vương vãi khắp nơi hoặc được gom lại rồi vứt tạm vào những bụi sậy gần đó; là cái thở dài của những người lao công trước bãi rác thải ra sau các cuộc nhậu; là hình ảnh không đẹp mà người trẻ để lại trong mắt mọi người.

“Bệt không xấu, chỉ có con người làm cho bệt trở nên xấu xí trong mắt cộng đồng”, Trương Yến Nhi bày tỏ. Thậm chí bệt không phải là xu hướng mới của người trẻ, mà từ xa xưa, người Việt đã có thói quen ngồi bệt để ăn cơm. Thói quen ấy đến nay vẫn tồn tại ở nhiều gia đình. Tựu trung lại, ngồi bệt thuộc về văn hóa lâu đời nhưng chỉ là sinh hoạt trong gia đình. Sau này, bệt để uống cà phê, để giao lưu nhóm trong trường học, trong công viên được mọi người đón nhận như một nét rất riêng của giới trẻ Sài Gòn. Vậy nhưng thói quen bạ đâu cũng bệt lại là câu chuyện khác, nó không đơn giản ở cách ngồi mà nó còn là ý thức. Việc chấp nhận ngồi bệt mọi nơi, mọi chỗ sẽ hình thành ý thức suồng sã, đại khái, thiếu chỉn chu. Minh chứng là đã có gia đình vô tư ngồi bệt ngay trên đường cao tốc để ăn uống, bất chấp nguy hiểm cho bản thân và người đi đường.

Trong bối cảnh thành phố đang xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp, người dân đang hướng đến sống xanh, sống khỏe, nhưng với xu hướng của một bộ phận người trẻ ưa lối sống suồng sã, những nơi hay lui tới trở thành tâm điểm của tình trạng xả rác, mỹ quan đô thị đã bị ảnh hưởng.

Tin cùng chuyên mục