Phiên chất vấn tại kỳ họp lần thứ 14 HĐND TPHCM khóa VII: Trả lời thẳng nhưng chưa đủ

12.000 tỷ đồng chống ngập do triều cường: tính khả thi mù mờ!
Phiên chất vấn tại kỳ họp lần thứ 14 HĐND TPHCM khóa VII: Trả lời thẳng nhưng chưa đủ

“TPHCM đang diễn ra nhiều vấn đề khiến người dân bức xúc. Trong đó, có những tồn tại cũ nhưng cũng có những vấn đề mới phát sinh. Thành tích thì dễ tìm “địa chỉ” còn sai sót lại khó lần ra trách nhiệm. Vấn đề này có nguyên nhân từ cơ chế. Một khi chúng ta đề xuất thực hiện quy chế trách nhiệm cụ thể thì phải dám chịu trách nhiệm. Tôi đề nghị các đại biểu (ĐB) chất vấn phải đi vào chiều sâu để làm rõ trách nhiệm” - Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo đã yêu cầu như vậy trước khi bắt đầu phiên chất vấn lãnh đạo các sở, ngành vào ngày 4-12.

“Sự việc xảy ra ngoài tầm của chúng tôi”

Phiên chất vấn tại kỳ họp lần thứ 14 HĐND TPHCM khóa VII: Trả lời thẳng nhưng chưa đủ ảnh 1

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Lãnh đạo Sở GTVT có giải pháp gì để ngăn chặn tiêu cực tại các dự án, như đại lộ Đông-Tây?

Ngay sau lời mở đầu của Chủ tịch HĐND TP, hàng loạt câu hỏi liên quan đến giao thông, ngập nước… gửi đến Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Phượng.

Đặc biệt, có rất nhiều ĐB mổ xẻ, truy trách nhiệm của cơ quan chức năng xung quanh thông tin tiêu cực của nguyên Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Huỳnh Ngọc Sĩ kiêm Trưởng BQL dự án Đại lộ Đông Tây và môi trường nước TP tại dự án này.

ĐB Trương Trọng Nghĩa đi thẳng vào vấn đề: “Liên quan đến những sai phạm của ông Sĩ, quan điểm, nhìn nhận đánh giá của ông Giám đốc Sở GTVT về vấn đề này như thế nào?”. Nhiều ĐB bổ sung: “Qua vụ việc này, lãnh đạo Sở GTVT có giải pháp gì để ngăn chặn tiêu cực tại dự án trên?”.

Ông Phượng thẳng thắn: “Dự án Đại lộ Đông Tây và môi trường nước TP thuộc dự án nhóm A, chủ đầu tư là BQL dự án Đại lộ Đông Tây và môi trường nước TP, cơ quan chủ quản là UBND TPHCM, Sở GTVT không phải là cấp trên và chỉ quản lý hành chính đối với hoạt động của đơn vị này. Do đó, việc giáo dục đội ngũ viên chức của đơn vị này là trách nhiệm của Trưởng BQL dự án.

Riêng ông Huỳnh Ngọc Sĩ, do là Phó Giám đốc Sở GTVT nên chúng tôi có trách nhiệm theo dõi, giám sát chứ không thể giáo dục toàn bộ nhân viên của BQL dự án. Trong hoạt động quản lý nhà nước, đối với các dự án nhóm A, các gói thầu hầu hết được Chính phủ phê duyệt và các cơ quan chức năng cùng thẩm định. Các gói thầu của dự án đại lộ Đông-Tây và môi trường nước cũng vậy.

Do đó, sự việc diễn ra là ngoài tầm của Sở GTVT. Và chúng tôi đã báo cáo Thành ủy, UBND TPHCM để giải quyết vụ việc theo quan điểm phải làm rõ, nếu phạm luật thì phải xử lý theo pháp luật. Hiện Thành ủy, UBND TPHCM đã đình chỉ chức vụ Phó Giám đốc Sở GTVT đối với ông Huỳnh Ngọc Sĩ trong hoạt động tại dự án trên. Các cơ quan pháp luật nhà nước đang tiến hành điều tra, còn điều tra đến đâu chúng tôi chưa rõ”.

Một số ý kiến không đồng tình, ĐB Đặng Văn Khoa truy tiếp: “Ông Sĩ là Phó Giám đốc Sở GTVT, là đảng viên đang sinh hoạt Đảng tại Đảng ủy Sở GTVT, trong thời gian xảy ra sai phạm lẽ nào giám đốc sở không rõ vấn đề này?”. Đến đây, Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo phát biểu: “Tiêu cực có thể xảy ra vì Sở GTVT đang quản lý nhiều dự án nhóm A, vốn đầu tư lớn nên việc các ĐB nhắc nhở là không thừa”. Tuy nhiên, vấn đề đang trong quá trình điều tra nên giám đốc Phượng không thể nói  thêm điều gì.

12.000 tỷ đồng chống ngập do triều cường: tính khả thi mù mờ!

Phiên chất vấn tại kỳ họp lần thứ 14 HĐND TPHCM khóa VII: Trả lời thẳng nhưng chưa đủ ảnh 2
Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Phượng: Về Dự án đại lộ Đông-Tây và môi trường nước, sở chỉ quản lý hành chính.

Vấn đề ngập nước đô thị không mới nhưng tiếp tục được các ĐB “làm nóng” tại hội trường. ĐB Lê Văn Trung truy: “Qua 14 kỳ họp, vấn nạn ngập nước, kẹt xe đều được mổ xẻ nhưng mọi thứ vẫn còn ngổn ngang, thiếu căn cơ, ngập nước ngày càng nghiêm trọng. Qua các kết quả khảo sát cho thấy, đỉnh triều có tăng lên mỗi năm nhưng mức độ ngập lại tăng lên rất nhiều, vì sao? Hiện nay có bao nhiêu con rạch bị xóa sổ?”.

Ông Trần Quang Phượng viện dẫn lý do rằng ngập nước là do bê tông hóa, tốc độ đô thị hóa tại TPHCM quá nhanh… Tuy nhiên, ông Phượng lại không nói rõ đã có bao nhiêu con rạch đã bị san lấp mà chỉ trả lời chung chung là tình hình san lấp kênh rạch chỉ xảy ra nhiều từ trước năm 2007, còn từ năm 2007 đến nay đã được khắc phục nhiều. Các vụ san lấp nhỏ cũng được kiểm tra, ngăn chặn kịp thời. Trong phát triển đô thị chắc chắn phải có san lấp rạch nhưng theo quy định mới, chủ đầu tư phải có phương án xây dựng hồ điều tiết nước phù hợp với diện tích rạch bị san lấp.

ĐB Trương Trọng Nghĩa chất vấn tiếp: “Bộ NN-PTNT đang thực hiện đề án Quy hoạch thủy lợi chống ngập nước cho TPHCM. Ban đầu tôi nghe dự án này chỉ có khoảng 11 ngàn tỷ đồng nhưng nay nghe lại thì lên khoảng 12 ngàn tỷ đồng, tiền lấy ở đâu ra? Trong khi đó, theo báo cáo của anh Phượng, riêng chống ngập do mưa từ nay đến năm 2020 phải cần đến khoảng 4 tỷ USD? Hiệu quả của dự án này đến đâu? Và nếu hiệu quả thì chúng ta có đủ lực để làm không? Đặt trường hợp các vấn đề trên đều khả thi nhưng khi triển khai trên thực tế thì tính khả thi đến đâu vì di dời giải tỏa đang là vấn đề vô cùng khó khăn. Trong khi dự án này quy mô cả triệu hécta và mang tính liên vùng?”.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo, dự án này đã có nhiều ý kiến thống nhất cao, mặc dù cũng có ý kiến băn khoăn nhưng không vì vậy mà cứ bàn hoài mà không quyết. Khi hoàn thành dự án này sẽ xử lý được tình trạng ngập do triều cho thành phố. Vấn đề còn lại là cách huy động vốn. Thường trực HĐND TP sẽ có hội nghị riêng về dự án này.

Quản lý kho bãi: Chính quyền chưa làm hết vai trò

Phiên chất vấn tại kỳ họp lần thứ 14 HĐND TPHCM khóa VII: Trả lời thẳng nhưng chưa đủ ảnh 3
ĐB Đặng Văn Khoa: kho bãi mang đi cho thuê làm vựa ve chai, trách nhiệm ở đâu?Ảnh: VIỆT DŨNG

ĐB Đặng Văn Khoa chỉ rõ như thế khi chất vấn về hàng trăm ngàn kho bãi đang bị sử dụng lãng phí trên địa bàn TP. Sau khi đưa ra hàng loạt tấm hình chụp cảnh các kho bãi bị bỏ hoang hoặc bị cho thuê làm… vựa ve chai, ĐB Khoa bức xúc nói: “Từ năm 2001 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 80/QĐ-TTg về xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TPHCM. Và dù Thủ tướng yêu cầu TP phải báo cáo kết quả giải quyết trước tháng 6-2002, nhưng 7 năm qua vấn đề này vẫn không giải quyết được. Vậy trách nhiệm của UBND TP ở đâu? Trong Quyết định 80/QĐ-TTg cũng nói rõ Chủ tịch UBND TP toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm về việc xử lý các kho bãi, vì vậy yêu cầu UBND TP phải “nóng” hơn, quyết liệt hơn”.

Phiên chất vấn tại kỳ họp lần thứ 14 HĐND TPHCM khóa VII: Trả lời thẳng nhưng chưa đủ ảnh 4
Giám đốc Sở TN-MT Đào Anh Kiệt: kho bãi lãng phí là do nguyên nhân khách quan.

Trước câu chất vấn gay gắt này, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Đào Anh Kiệt bày tỏ mong muốn có buổi báo cáo chuyên đề về tình hình kho bãi trên địa bàn TP, đồng thời nhấn mạnh UBND quận huyện phải phát huy vai trò của mình trong quản lý kho bãi. Về hướng xử lý, ông Kiệt đề nghị nên theo hướng vừa có tình vừa có lý: nếu việc sử dụng kho bãi lãng phí là do nguyên nhân khách quan thì TP cho thuê lại theo giá thị trường, còn nếu do nguyên nhân chủ quan thì cương quyết thu hồi.

Đến đây, ĐB Khoa đặt thẳng vấn đề với UBND TP: “Từ năm 2005, Sở TN-MT đã có kiến nghị thu tiền thuê đất của các doanh nghiệp này theo giá thị trường, vậy tại sao UBND TP không xem xét kiến nghị này? Chính vì các doanh nghiệp nhà nước được thuê kho bãi với giá bất hợp lý nên mới xảy ra tình trạng sử dụng lãng phí”.

Kết thúc phiên họp, Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo cho rằng: Phiên chất vấn khá tập trung, diễn ra trong không khí dân chủ, có tranh luận, “cọ xát” và mổ xẻ vấn đề. Các ĐB đã đặt những câu hỏi chất vấn mang hơi thở cuộc sống, truyền tải bức xúc của cử tri và mang tính đòi hỏi trách nhiệm của lãnh đạo các sở cao hơn. Còn lãnh đạo các sở cũng đã thể hiện trách nhiệm của mình, có nhiều cố gắng. Riêng những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của TƯ, TP sẽ đúc kết và kiến nghị sớm giải quyết.

Tuy nhiên, Chủ tịch Phạm Phương Thảo cũng nhận xét rằng tiến độ giải quyết của các sở đối với một số vấn đề còn chậm, điển hình là việc sử dụng lãng phí, sai công năng nhà xưởng, kho bãi. Có giám đốc sở trả lời mang tính giải trình nhiều hơn là nêu giải pháp, một số ĐB hỏi dài dòng, và có vấn đề chưa được tranh luận đến tận cùng do thiếu thời gian

VÂN ANH – ÁI CHÂN

Xử lý hình sự ô nhiễm: “Không thể một bước lên thiên đường”

Dù đã gửi trước bản trả lời chất vấn cho các ĐB, nhưng Giám đốc Sở TN-MT Đào Anh Kiệt vẫn được “gửi gắm” hàng loạt câu hỏi về xử lý ô nhiễm môi trường do các ĐB vẫn chưa thỏa mãn với phần trả lời của ông.

Trong vụ Công ty Môi trường đô thị TPHCM chôn lấp hơn 600 tấn chất thải độc hại tại bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), nhiều ĐB gay gắt yêu cầu ông Kiệt phải xác định rõ trách nhiệm cũng như hướng xử lý đối với Giám đốc Công ty Môi trường đô thị TPHCM và Giám đốc Sở TN-MT. Đồng thời, các ĐB đặt vấn đề rằng chẳng lẽ cán bộ của Sở TN-MT thường xuyên xuống bãi rác Đông Thạnh kiểm tra lại không biết việc này?

Ông Kiệt nhìn nhận: người đứng đầu sở và công ty chắc chắn phải chịu trách nhiệm, nhưng phải tùy theo chức năng, nhiệm vụ của từng người để xác định trách nhiệm đến đâu. Hiện Sở TN-MT đã tạm đình chỉ chức vụ đối với ông Trần Đại Đồng, Phó Giám đốc Công ty Môi trường đô thị TP để thanh tra, làm rõ vụ việc. Sau khi có kết quả thanh tra sẽ quy trách nhiệm cụ thể từng cá nhân, không để lọt tội.

Để giải thích thêm, ông Kiệt “than” khó về việc xử lý hình sự đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường khi ĐB Phạm Minh Trí cho rằng vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường đến nay vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm! Chia sẻ ý kiến này, Phó Giám đốc Công an TPHCM Phan Anh Minh cho biết: Công tác đấu tranh chống ô nhiễm môi trường tuy đã tiến bộ so với 10 năm trước, nhưng không thể trông mong “một bước lên thiên đường” do quy định của luật còn bất cập.

Sau 1 năm thành lập, Phòng Cảnh sát môi trường (PC36) – Công an TPHCM vẫn không thể đơn độc xử phạt các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường mà phải chuyển hồ sơ qua Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC15) để tiến hành tố tụng. Lý do: Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính chưa được sửa đổi cho phù hợp theo hướng quy định rõ PC36 có thẩm quyền xử lý.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước, đất đai chỉ bị xử lý hình sự sau khi đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tái phạm. Và đồng thời doanh nghiệp không áp dụng biện pháp khắc phục được yêu cầu trong quyết định xử phạt, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Thế nhưng, thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng thì đến nay vẫn chưa có văn bản giải thích! Dẫu không dám hứa sẽ có kết quả ngay, ông Minh cho biết trong đợt cao điểm phòng chống tội phạm, cơ quan công an sẽ làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Đối với việc chôn hàng trăm tấn rác thải nguy hại tại bãi rác Đông Thạnh, cơ quan điều tra sẽ làm rõ Công ty Môi trường đô thị TP ký bao nhiêu hợp đồng, chôn bao nhiêu rác, nhận bao nhiêu tiền và số tiền đó đi đâu, nếu moi số rác này lên để xử lý lại sẽ tốn bao nhiêu tiền… để có văn bản báo cáo với UBND TP, đồng thời kiến nghị cá nhân nào làm sai thì phải tự bỏ tiền khắc phục hậu quả chứ không dùng ngân sách nhà nước.


Trả lời chất vấn của các ĐB về vấn đề tái định cư, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Tấn Bền: Phấn đấu hết năm 2008 sẽ chấm dứt tạm cư dài hạn

Phiên chất vấn tại kỳ họp lần thứ 14 HĐND TPHCM khóa VII: Trả lời thẳng nhưng chưa đủ ảnh 5

Toàn TP hiện còn 205 trường hợp tạm cư dài hạn, trong đó có 172 hộ đã nhận tiền bồi thường rồi nhưng không đủ tiền để nhận căn hộ mới. Để giải quyết việc này, Chủ tịch UBND TP đã chỉ thị cho phép Quỹ phát triển nhà ở TP cho vay nhằm giúp dân có đủ tiền mua lại căn hộ. Riêng 53 trường hợp tạm cư tự lo chỗ ở đến nay chưa liên lạc được, chúng tôi đã thông báo trên báo chí. Nếu trong vòng 6 tháng không liên lạc được thì sẽ đưa những hộ này ra ngoài danh sách.

Chúng tôi phấn đấu đến hết năm 2008 sẽ chấm dứt tình trạng tạm cư dài hạn.

Liên quan đến vấn đề khách du lịch từ các nước châu Phi, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Nguyễn Thành Rum: Kiến nghị quản lý khách du lịch

Phiên chất vấn tại kỳ họp lần thứ 14 HĐND TPHCM khóa VII: Trả lời thẳng nhưng chưa đủ ảnh 6

Hiện nay khách du lịch từ các nước châu Phi nhập cảnh vào VN khoảng 4.000 người, trong đó có không ít người sinh hoạt kém văn hóa. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của Tổng công ty du lịch Sài Gòn, chúng tôi đã kiến nghị tổng công ty có kế hoạch quản lý số khách này.

Về công trình xây dựng Nhà hát giao hưởng của TP, nếu có nguồn vốn, công trình có thể khởi công trong năm 2010. Đối với các dự án “ngâm” đã lâu như công trình lấn biển của huyện Cần Giờ, công viên văn hóa quận Gò Vấp…, chúng tôi sẽ giải trình cụ thể sau khi làm việc với các chủ đầu tư.

 Về cách trả lời chất vấn

ĐB Nguyễn Văn Minh:  Chưa đi vào giải pháp cụ thể

Phiên chất vấn tại kỳ họp lần này các giám đốc sở đã nhìn thẳng vào sự thật, trả lời ngắn gọn, súc tích các vấn đề ĐB đặt ra. ĐB đặt câu hỏi ngắn gọn, đi vào thực chất. Tuy nhiên, vẫn còn giải trình là chủ yếu mà chưa đi vào giải pháp cụ thể.

Cử tri Mạnh Thị Kim Cúc (P14, Q10): Chúng tôi trông chờ vào trả lời của UBND TP

Giám đốc các sở ngành đã trả lời hết mình những vấn đề mà ĐB, cử tri đặt ra. Tuy nhiên, tôi thấy vấn đề chưa đi đến cùng. Hầu hết những tồn tại cần phải giải quyết đều liên quan đến nhiều sở ngành thuộc về trách nhiệm của UBND TP. Ví dụ, việc giải quyết tạm cư hàng chục ngàn hộ dân lấn chiếm sông rạch hay sự lãng phí hàng chục ngàn m2 kho bãi… thì sở ngành không thể nào giải quyết được mà chỉ có tầm của TP mới giải quyết. Chúng tôi chờ câu trả lời từ phía lãnh đạo TP. Nếu những chuyện này chưa được trả lời thỏa đáng thì kỳ họp này chỉ mới thành công phân nửa. 

Tin cùng chuyên mục