Phiên chợ thành Tabriz


Dù đã được ghé qua những ngôi chợ nức tiếng khác, na ná về kiến trúc trên con đường tơ lụa năm xưa ở Tehran, Isfahan hay Shiraz, trong tôi vẫn có niềm vui rộn ràng không sao giải thích được khi đi giữa ngôi chợ Ba Tư huyền thoại Tabriz.
Trong lòng chợ Tabriz
Trong lòng chợ Tabriz

Một phần sự nao nức ấy có lẽ do tôi biết được thông tin hàng năm vào ngày lễ thánh Ashura, Tabriz Bazaar tưng bừng tổ chức sự kiện lớn bên trong lòng chợ 10 ngày liên tục để giữ lại nét văn hóa lưu truyền…

Văn hóa hội tụ trong ngôi chợ cổ truyền

Từ cố đô Isfahan mang hơi thở lịch sử cận hiện đại, tôi ao ước được đi ngược dòng thời gian cùng vương triều Safavid khi lần lượt trải qua những kinh đô cổ xưa trong quá khứ gồm Qarvin và Tabriz. Người Ba Tư ngày nay có thể tự hào về những vị vua của vương triều Safavid, yêu thơ ca hội họa và đầy lòng nhân từ trên đường viễn chinh để Iran ngày nay đa sắc màu văn hóa của nhiều dòng tôn giáo khác nhau. Kể từ ngày Hồi giáo Tây Á đổ bộ vào vùng đất Trung Á thế kỷ 7, Ba Tư vẫn rực rỡ vàng son như thuở xưa bằng những công trình do các vị vua Safavid để lại từ thế kỷ 16 - 18.

Tôi cảm thấy may mắn khi Tabriz được chọn là “Thủ đô văn hóa của cộng đồng Hồi giáo 2018” vì trên những đường phố luôn có lực lượng tình nguyện viên biết tiếng Anh giúp đỡ. Từ Nam Á kéo dài qua dãy đất Bắc Phi, Bazaar là cách gọi thông dụng một ngôi chợ theo ngôn ngữ Ba Tư cổ, có nghĩa là “Nơi trao đổi hay mua bán hàng hóa”. Tôi chẳng nhớ mình đã từng đi qua bao nhiêu con ngõ hẹp hun hút trong lòng chợ cổ Tabriz, chỉ biết rằng đôi chân cuống cuồng theo hương thơm của các loại gia vị, mùi nước hoa Arab, những chiếc đèn lồng, đám bình cổ Ba Tư tinh xảo hay các tấm thảm đầy sắc màu nghệ thuật… 

Mỗi một ngôi chợ nhỏ trong lòng chợ lớn lao xao kể cho tôi nghe những ký ức thật hay về con đường tơ lụa nối liền phương Đông và phương Tây trong quá khứ. Người Tabriz cho rằng, thành phố thân thương của mình rất giàu tính lịch sử khi vương triều Safavid khởi nghiệp từ vùng đất Ardabil chọn Tabriz làm kinh đô vào năm 1501. Chính các vị vua Safavid đã viết lại những trang sử vàng chói lọi cho Ba Tư khi quản lý cả một dải đất rộng từ Nam Á sang đến tận Tây Á, Thổ Nhĩ Kỳ hay cả vùng đất Caucasus. Tiếc rằng, những cuộc binh lửa đau thương cùng sự nổi giận của mẹ thiên nhiên bằng trận động đất mạnh vào năm 1870 đã hủy hoại rất nhiều những công trình quý giá như thành cổ Tabriz, thánh đường Blue… 

Nhưng Tabriz Bazaar vẫn sống sót và sầm uất cho đến ngày nay. Thế kỷ 12, Tabriz Bazaar đã từng nhộn nhịp giao thương từ những đoàn lạc đà lân cận. Sự nức tiếng giàu có của vương triều Safavid từ đầu thế kỷ 16 đã làm trục chính con đường tơ lụa Đông - Tây phải rẽ ngang từ Tehran và Tabriz Bazaar rộng 7,5ha trở thành ngã 5 giao thương quan trọng giữa Iran - Iraq - Thổ Nhĩ Kỳ - Armenia và Azerbaijan. Trong khuôn viên 24 trạm dừng chân rộng lớn nằm ven theo bìa chợ Tabriz, những khuôn mặt khác biệt gặp nhau qua ngôn ngữ xa lạ nhưng có chung mối quan tâm qua những mặt hàng trao đổi gói trọn những nét tinh hoa đặc sắc nhất của một nền văn hóa.

Tabriz là nơi chiếc thảm Ba Tư sẽ nằm khắng khít bên cây đèn thần Aladdin, vòng chuỗi hạt thơm Babylon, hay hòa quyện thật chặt vào các mảnh kính màu của vùng biển Địa Trung Hải. Hơn 400 năm đã trôi qua, những nền văn hóa hội tụ trong ngôi chợ truyền thống đã làm người Tabriz ngày nay có thể thông thạo ngôn ngữ vùng miền của các quốc gia lân cận.

Không chỉ là ngôi chợ

Trong suy nghĩ của người Ba Tư, nếu ngôi nhà là tổ ấm dành cho đêm về thì khi bình minh đến, Tabriz Bazaar là nơi thể hiện mối quan hệ cộng đồng, thực hiện nghi thức tâm linh đi cùng sự thịnh vượng của một xã hội và cả một khu vực. Vì vậy, kiến trúc chung một ngôi chợ của người Ba Tư cũng đồ sộ với những ngôi thánh đường hay những ngôi trường dạy kinh Qu’an cận kề bên. Trong lòng chợ, cứ 4 ngõ hẹp chạy dài hun hút sâu sẽ hội tụ tại một điểm hình trụ với mái vòm phủ kín bên trên và phía sau sẽ là một công viên nhỏ phủ đầy bóng cây xanh cùng một vòi nước uống công cộng để mọi người dừng chân. 

Cặm cụi trong từng đường kim thêu trên các tấm thảm ở chợ Tabriz
 “Lạc lối” là câu nói của những người lữ hành hay nói vui với nhau khi bước chân vào Tabriz Bazaar. Theo suy nghĩ của tôi, cụm từ ấy mang ý nghĩa: Có thể do chợ quá rộng làm lạc mất dấu chân; và cũng có thể là khi bước trên con đường đá cuội chông chênh để đi theo những đường nét hoa văn tuyệt đẹp được vẽ trên 22 mái vòm có tên gọi khác nhau, tò mò tìm hiểu những viên gạch nhỏ hình chữ nhật được xếp chồng thật khít lên nhau có niên đại từ năm nào, những đôi tay đang cần cù trên những chiếc thảm xinh trong các ngõ hẹp, những cờ phướn tôn giáo được treo trên các dãy nhà lồng khi mùa lễ Thánh Arshura vừa đi qua… cũng đủ làm khách chới với.

Với người Tabriz, khi cần tìm mua những món nữ trang, đá quý đắt tiền, họ có thể đến ngay chợ Amir; cần những tấm thảm đẹp lót nhà, những đôi giày da làm ấm chân, các mảnh khăn len mịn màng giữ ấm khi gió thu sang thì đến chợ Mozzafarieh; hoặc rảo chân đến chợ Jama để mua thực phẩm cho những bữa ăn ngon… Còn với một người xa lạ như tôi, để tìm hiểu hơi thở đa sắc màu văn hóa trong từng dãy nhà lồng chợ lại chẳng dễ chút nào. Mọi thứ thật gọn gàng, sạch sẽ trong những phiên chợ dù các gian hàng cung cấp thịt, cá rất dễ phát sinh mùi và nhớp nháp. 

Đi trong âm thanh í ới giữa người rao kẻ bán cùng những bước chân nhộn nhịp đến một phiên chợ bắt đầu từ 9 giờ sáng đến 21 giờ, các anh bán hàng đã nhận ra sự khác biệt trên khuôn mặt tôi. Họ thân thiện dúi vào tay tôi một vài quả quýt cuối hè chua chua hương vị, đôi trái hồng đầu thu dẻo thịt ngọt lịm, một gói hạt hướng dương nhâm nhi… để thưởng thức cho một lần đến Tabriz. Vẫn còn nghiện hương thơm nhẹ nhàng của nhụy hoa nghệ tây Saffron - loại gia vị đắt tiền nhất thế giới, tôi tìm đến chợ Safi. Những đĩa gia vị sắc màu được bày biện trên các quầy hàng. Tôi học thêm về 7 loại gia vị hỗn hợp cơ bản trong ẩm thực của người Ba Tư. 

Hỗn hợp gia vị Advieh được phân làm 2 loại, tùy từng mục đích sử dụng, khi rắc lên dĩa cơm trắng được gọi là “Advieh e polo” và nếu sử dụng để hầm hay nướng các loại thịt trên bếp than hoa được gọi là “Advieh e khoresh”. 7 loại gia vị trong Advieh e khoresh để tạo sắc màu cùng hương thơm cho thực phẩm gồm: nghệ tây Saffron, hạt mè đen, quế cây, nụ hoa hồng, rau mùi (ngò rí), bạch đậu khấu và gừng. Tôi cũng không rành ngôn ngữ Fasi hay Turkic để hiểu được trong lòng Tabriz Bazaar có nhiều câu chuyện thêu dệt như thuở bé vẫn được nghe kể. Nhưng cứ nhìn những người bán chung một mặt hàng trong từng dãy nhà lồng thân thiết chuyện trò, chia sẻ cho nhau từng cốc trà, viên đường rồi vỗ vai động viên nhau, thật cảm động.

Trong lòng Tabriz Bazaar, tôi chợt nhận ra vẫn có những nét văn hóa đặc sắc nằm ẩn đâu đấy trong sự náo nhiệt. Rời Tabriz để đến Ardabil bằng xe buýt địa phương, tôi vẫn nhớ rằng từ phiên chợ Tabriz, hỗn hợp gia vị Advieh đã vương theo chân đoàn thương gia lạc đà để trở thành đĩa gia vị không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của những cư dân Tây Á nằm ven theo vịnh Ba Tư, hay các quốc gia thuộc vùng đất Caucasus (Armenia, Azerbaijan và Georgia). Tôi chợt nghĩ, lưu truyền và giữ lại văn hóa truyền thống xưa đang bị biến mất theo thời gian trong sự thương mến giữa người và người mới chính là nét văn minh hiện đại của cuộc sống.

Tabriz Bazaar không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa thường nhật mà còn là nơi chứng kiến niềm vui lẫn nỗi buồn của cuộc sống của người Ba Tư. Có thể đó là những chén trà sáng ấm áp, giòn tan tiếng cười giữa những người bạn lâu năm chưa gặp, là sự chia sẻ niềm đau dành cho một ai đó vừa nằm xuống, là sự lạ lẫm ngơ ngác của những đứa trẻ được dẫn đi phiên chợ rồi vui mừng khi mẹ được mua cho một chiếc áo mới, một que kẹo thơm, là nơi diễn ra cuộc cách mạng tôn giáo cuối cùng trong thế kỷ 20 (1905 - 1911) với nhiều thương vong đã xảy ra… Tabriz Bazaar ôm trong mình đủ tất cả những phẩm chất và tiêu chí, xứng đáng để UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2010.

Tin cùng chuyên mục