Phiên chợ tình của Sủ

Hôm nay khách ít! 
Phai buông thõng một câu rồi đứng lên, hai tay cầm chiếc khăn mở rộng, đi đến trước mặt mỗi người khách.
Phiên chợ tình của Sủ

Sủ hơi giật mình. Vẫn biết Phai gọi Sủ ra chợ tình không phải để Phai hát cho Sủ nghe những lời yêu, không phải để Phai khoe với mọi người tiếng khèn Sủ vẫn đầy, chân Sủ múa vẫn khỏe như khi nào… nhưng Sủ vẫn giật mình.

Nhưng đêm qua Phai lại gảy đàn môi gọi Sủ ra. Phiên chợ tình này ai cũng được hát và hát hay nhất vẫn là những đôi người trai gái yêu nhau mà không lấy được nhau. Họ đến đây để nói lời yêu, để xin gỡ ra chiếc bùa yêu trên tay đã cột ngày trước, để uống với nhau chén nước, chén rượu, để hát… Và sau đó, để Phai quay lại với kiếp làm dâu, rồi phải đi hát ở chợ tình kiếm tiền, chứ không phải hát với thằng Gầu - Lũ dù nó là chồng. Sủ buồn. Gầu - Lũ nó không thương Phai nhiều như Sủ, nhưng nó được Phai làm vợ mà, tại sao nó đi uống rượu một mình, còn Phai đi hát gầu plềnh với bất cứ ai, hát không vì thích ra chợ tình để chơi, để hát và hiểu nhau, mà vì phải chìa khăn lấy tiền ở khách du lịch…

… Đêm nay, hai ta ngồi chuyện trò đã muộn(1) 
Gà gáy giục năm lần bảy lượt
Đôi ta không có lòng với nhau thì thôi
Có lòng thì hãy cất tiếng lên giọng…

Cào cào chưa mọc cánh, giọt sành chưa mọc đuôi
Mình còn chưa có chủ
Ta thì chưa ở riêng
Ta thấy mặt mũi mình xinh tươi
Muốn yêu mình, e rằng mình có chồng rồi
Mình ôi! Lá thông nhỏ li ti để thân lẫn cỏ rác
Ta muốn yêu mình sợ chồng mình biết
Lá thông nhỏ li ti để thân lẫn cỏ tơ
Ta muốn yêu mình sợ chồng mình ghen…
Tiếng Sủ hát không giống ngày trước nữa, không phải để chọc ghẹo Phai mà là thật rồi, ta muốn yêu mình sợ chồng mình ghen, thật như bóng trăng đêm nay vậy.
Sủ chưa dứt, Phai đã tiếp:
…Chàng ơi, em chờ chàng bao ngày chàng không kịp về
Mẹ cha đã bắt em đi làm vợ
Em chờ chàng bao đêm chàng không kịp tới
Cha mẹ bắt em đi lấy chồng
Em đi cách núi cách sông
Sao chàng lại bảo em đi con đường vui sướng
Em đi cách rừng cách suối
Sao chàng lại bảo em đi con đường sướng vui…

Người H’mông rất yêu hát. Trai gái yêu nhau, người khách nói chuyện cùng dân bản, ông mối bày tỏ ý cùng nhà trai, thầy khèn - thầy cúng nhắn nhe cùng tang chủ, khóc than, tâm tình… tất cả đều dùng tiếng hát. Nhưng chưa ai hát để lấy tiền, nhất là hát trong chợ tình. Người H’mông có luật lệ riêng cho tiếng hát. Tiếng hát tình yêu ở những phiên chợ tình này cũng có luật lệ. Những tiếng hát của trai với gái và của gái cùng trai, tiếng hát dành cho người có vợ có chồng, tiếng hát dành cho trai góa gái góa… Lời hát là lời nói với nhau, trao nhau, tiếng hát là để hiểu nhau, yêu nhau, chứ không để đổi thành tiền. 

Sủ muốn nói với Phai, lời thật từ tim, từ bụng của Sủ:
… Nàng ơi! Ta là học trò ta đi học chữ
Nàng ở, nàng làm cái sào nhẵn trơn của mẹ của cha hong sợi
Làm bảy năm gái tơ của mẹ cha chờ đợi ta về
Ta đi, ta làm liềm sắc của mẹ cha ta gặt hái
Ta sẽ làm bảy năm trai tơ một dạ chờ nàng…
… Nay nàng chẳng chờ ta!
Phai lại cất tiếng :
Chàng ơi! Thuở sớm, em vẫn làm gái tơ chải đầu nhẵn bóng
Em vẫn chờ chàng, nhưng tiền của nhà chàng nó không chiều chàng
Em mới phải đi làm dâu nhà người
Thuở sớm, em vẫn đi làm gái tơ chải đầu mượt trơn
Em vẫn đợi chàng, nhưng bạc của nhà chàng không đủ
Em mới đành đi làm vợ người ta.
Lời của Sủ là lời thật, nhưng lời của Phai không là lời thật. Sủ hát cho thỏa lòng thắc thỏm, còn Phai trả lời để tránh tiếng hát trách của Sủ. Phai trả lời để khách du lịch động lòng. Phai lừa Sủ, nhưng Sủ không lừa ai, kể cả những người xa lạ đứng quanh ở chợ tình…  
Ở chợ tình, trai H’mông còn khoe giỏi khèn, giỏi múa.
Đã lâu lắm rồi Sủ không ra chơi ở chợ. Có lẽ từ khi Phai lúng túng cúi đầu nói với Sủ: “Tao không làm vợ mày, Sủ à. Ké đã nhận cho tao về làm dâu nhà thằng Gầu - Lũ rồi”.
Và tiếng khèn Sủ cũng đã im từ đó. Ở Xín - Mần này ai cũng nhớ tiếng khèn của Sủ. Lội rừng về bản, lưng đeo gùi củi nặng, chân leo dốc cao, mồ hôi đẫm áo, Sủ cũng không ngừng khèn. Không phiên chợ nào vắng tiếng khèn của Sủ. Cách 3 tầm dao phóng, tiếng khèn của Sủ đã có thể khiến các cô gái bản phải dừng chân lắng nghe. Người ta còn khen tiếng khèn của Sủ có thể làm hổ nằm im như Nồ - Giao ngày xưa thổi khèn khiến được hổ.

Sủ giỏi khèn và giỏi múa. Khi tiếng khèn của Sủ vang lên ở chợ phiên, người ta sẽ thấy chính đôi chân Sủ không yên được nữa. Tiếng khèn sẽ làm hai chân đá vào nhau, sẽ khiến người cong lại, rồi lăn trên đất, luồn người qua hai chân và cả đi trên cọc, trên thang tre bắt qua chảo mỡ đang sôi… Nhiều con mắt của gái chợ phiên nhìn Sủ thán phục, và có đôi mắt đen trong của Phai. 

Đôi lúc, người ta còn mời Sủ đi thổi khèn đám. Tiếng khèn của Sủ quyện với tiếng trống làm người sống khóc tiễn người chết, tiếng khèn rước hồn người chết về với tổ tiên, làm nhiều người phải nhảy múa, làm nhiều hồn đi vào cõi ma rồi lại quay về kể chuyện cho cõi người nghe.

Sủ đã biết buồn khi Phai được cán bộ văn hóa mời múa “điệu xúng xính”. Đời thuở, người phụ nữ H’mông mình có múa bao giờ! Người ta thấy những bước chân đi vội của các cô gái H’mông, tay vung vẩy, váy xòe xúng xính đong đưa qua lại theo nhịp chân cứ như múa. Khi họ nắm tay nhau vượt suối, lúc vịn vai nhau vượt dốc… nhịp đi cứ không chậm, không nhanh và váy áo cứ xúng xính, đong đưa, như múa, như hát theo nhịp. Vậy là thành “điệu múa” của người H’mông! Còn Sủ, nhìn đôi chân Phai leo dốc, đi nương, chiếc váy xòe đong đưa, xúng xính đã bằng hơn mấy người múa trên truyền hình biết bao nhiêu… Nhưng Phai không biết, chỉ thích lên sân khấu huyện, cho mọi người ngắm Phai đi theo nhạc, gọi là “múa điệu xúng xính”! Rồi Gầu - Lũ ngắm Phai, rồi nó đem nhiều đồ lễ đến nhà Phai, xin Phai về làm dâu nhà nó. 

Ai là thanh niên H’mông mình đều phải biết học, biết làm một cái gì đó để ra tiếng nhạc. Sủ học khèn, học nghe khèn và học thổi khèn. Thanh niên H’mông nào cũng phải biết khoe mình bằng tiếng hát, tiếng nhạc, điệu múa. Sủ đi rừng có khèn sẽ vững tâm hơn, làm việc chóng xong, được nhiều củi, nhiều thú trên lưng. Vậy mà Sủ đã đem cho cái khèn hay tiếng của mình, không thổi khèn từ đó.

Mọi chuyện bây giờ đã khác xưa. Ba trăm sáu mươi điệu khèn trong các tổ bài khèn không nhiều người học, hàng vạn lời hát từ cha, mẹ cũng còn không nhiều người biết. Có học, người ta lại không học bằng cái bụng yêu khèn, cái tim yêu tiếng hát. Bây giờ Sủ càng không muốn hát nữa, không muốn thổi khèn, cũng không múa khèn. Ai người H’mông lại đem tiếng hát, tiếng khèn đi đổi tiền? Ai người H’mông mình lại ra đổi chợ tình ấy tiền?

Sủ lảo đảo đứng lên về. Bóng Sủ đổ dài trên vách núi. Sủ không say mà như say. Bóng Sủ bỗng rơi vào hẻm núi, nó rơi như điệu hát gầu plềnh của Sủ.
Những lời hát này trích từ sách “Dân ca H’mông”, Doãn Thanh sưu tầm, dịch; Hoàng Thao tuyển, chỉnh lý; Chế Lan Viên giới thiệu, NXB Văn học - Hà Nội, 1984

Tin cùng chuyên mục