Phiếu lý lịch tư pháp số 2 gây sự bất tiện cho người dân

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Lý lịch tư pháp tại TPHCM đã phát sinh một số khó khăn trong phối hợp xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích hoặc trong phối hợp cung cấp thông tin.
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu tại buổi làm việc
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu tại buổi làm việc
Chiều 12-9, đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đã có buổi làm việc với các sở, ngành về tình hình thực hiện Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2010) trên địa bàn TPHCM. Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì buổi làm việc.

Từ khi triển khai Luật Lý lịch tư pháp 2009, Sở Tư pháp TPHCM tiếp nhận 337.784 thông tin do các đơn vị chuyển đến. Trong đó ngành tòa án TPHCM cung cấp 169.436 bản án và quyết định thi hành bản án; Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cung cấp 26.544 thông tin lý lịch tư pháp (Giấy chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt tù, Giấy chứng nhận đại xá, đặc xá…) do các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an gửi; Cục Thi hành án dân sự TPHCM và các Chi cục Thi hành án dân sự quận – huyện cung cấp 47.366 thông tin… 

Với cơ sở dữ liệu này, Sở Tư pháp TPHCM đã bước đầu chủ động trong công tác tra cứu phục vụ cho việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của công dân, nhất là các trường hợp đã được cấp Phiếu lý lịch tư pháp nhiều lần. 

Sau 7 năm (từ ngày 1-7-2010 đến ngày 30-6-2017), Sở Tư pháp TPHCM đã cấp 358.770 Phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu của người dân và thể hiện vai trò quan trọng của Phiếu Lý lịch tư pháp trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

TPHCM là địa phương có khối lượng công việc về lý lịch tư pháp rất lớn, chiếm 1/3 khối lượng công việc của cả nước. Do vậy, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, đồng thời triển khai Đề án thí điểm “cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp” trực tuyến đã tạo điều kiện cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thêm lựa chọn và tiết kiệm thời gian, chi phí khi có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. 

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Lý lịch tư pháp tại TPHCM đã phát sinh một số khó khăn trong phối hợp xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích hoặc trong phối hợp cung cấp thông tin.
Phiếu lý lịch tư pháp số 2 gây sự bất tiện cho người dân ảnh 1 Bà Hoàng Thị Hương Lan kiến nghị bỏ quy định cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho cá nhân
Bên cạnh đó, việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Luật Lý lịch tư pháp cũng gây sự bất tiện cho người dân. Cụ thể, khi cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp phiếu. Nội dung Phiếu lý lịch tư pháp số 2 phải ghi đầy đủ thông tin về án tích, hình phạt, tội danh… ngay cả khi cá nhân đã được xóa án tích.  Bà Hoàng Thị Hương Lan, Trưởng Phòng Lý lịch tư pháp của Sở Tư pháp TPHCM kiến nghị sửa quy định của pháp luật theo hướng không cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho cá nhân, chỉ cấp phiếu cho cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để đảm bảo bí mật đời tư cho cá nhân. Đại diện Công an TPHCM cũng đồng tình với kiến nghị này. Kết thúc buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu ghi nhận sự nỗ lực của Sở Tư pháp TPHCM, Công an TPHCM, Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM, Tòa án nhân dân TPHCM, Cục Thi hành án Dân sự TPHCM trong hỗ trợ, phối hợp thực hiện Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 trên địa bàn TPHCM.  Bà Văn Thị Bạch Tuyết cũng ghi nhận các kiến nghị về sửa đổi một số quy định để việc thi hành luật đạt được hiệu quả cao hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thực hiện nhiệm vụ của mình.

Tin cùng chuyên mục