Phim "Sống gượng": Bi kịch bạo hành từ đời lên phim

Được chuyển thể từ truyện dài cùng tên dựa trên câu chuyện có thật của nhà văn Lê Tuyết, phim truyền hình Sống gượng phản ánh chân thực về vấn nạn bạo hành gia đình nhức nhối - nơi thân phận của những người phụ nữ bị vùi dập không thương tiếc.

Phim là câu chuyện trải dài theo cuộc đời của Ngọc từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành, lập gia đình. Năm 6 tuổi mẹ đi lấy chồng, Ngọc theo mẹ nên tuổi thơ không được vô tư như những đứa trẻ khác.

“Bác Hưng” lúc chưa lấy được mẹ Vân ngọt ngào, đầm ấm như cha nhưng khi cưới được mẹ rồi thì gia trưởng và cực kỳ ích kỷ. Cả hai mẹ con luôn sống trong những ngày nơm nớp lo sợ.

Phim "Sống gượng": Bi kịch bạo hành từ đời lên phim ảnh 1 Cô bé Ngọc từng có tuổi thơ êm đềm trước khi mẹ quyết định đi bước nữa

Trở thành thiếu nữ, Ngọc được gia đình hứa gả cho Dương - một người bạn luôn ở bên cô từ nhỏ. Tuy nhiên, Ngọc chê Dương ngờ nghệch và nghĩ anh yêu quý mình chỉ vì “nghe lời cha mẹ” nhưng thực tế, anh yêu cô tha thiết.

Được gia đình cho lên phố ăn học, tại trường dạy nghề mà chú Dương làm hiệu trưởng, Ngọc rơi vào lưới tình với Huy – một văn công đàn giỏi hát hay, biết lấy lòng và dùng mưu trí để có Ngọc. Mối tình Huy – Ngọc đã bị sự phản đối kịch liệt từ cha mẹ.

Ông Hưng – cha dượng của Ngọc nhiều lần sỉ nhục Huy để Huy bỏ Ngọc, nhưng Huy vốn háo thắng và quyết tâm lấy Ngọc, bất chấp việc trong ngày cưới còn bị cha mẹ vợ đến sỉ nhục. Dương vì buồn Ngọc vội lấy người khác nên bỏ vào miền Nam lập nghiệp.

Sau đêm tân hôn, Ngọc nhận ra ngay Huy là một con người khác, xa lạ với con người cô từng yêu - lãng mạn và hiểu biết. Huy lấy cớ từng bị tai nạn ở đầu nên không kiểm soát được cơn giận và khi say, liên tục đánh Ngọc và sỉ nhục cô, ghen tuông bóng gió.

Đời sống ở miền Bắc bế tắc, Ngọc không muốn mẹ và cha dượng đau lòng vì lựa chọn sai lầm của mình nên cả Huy và Ngọc bỏ vào Nam.

Phim "Sống gượng": Bi kịch bạo hành từ đời lên phim ảnh 2 Khi lấy chồng, cuộc đời cô chìm trong những trận đòn roi, bạo hành cả về thể chất và tinh thần

Vào Nam, Ngọc luôn cáng đáng chuyện gia đình, từ chi tiêu đến chăm sóc nhà cửa và người chồng thất nghiệp. Huy luôn tỏ ra mình trí thức, không thể đi làm những việc như thợ hồ hay bảo vệ...

Huy mặc cảm ăn không ngồi rồi để vợ lo, càng chì chiết Ngọc, nhậu nhẹt bê tha, kiếm cớ đánh ghen nhưng vũ khí của Huy chính là lời lẽ ngon ngọt, khiến cô dù bị đánh đến mức phải sinh non vẫn không thể bỏ anh. Hơn một lần cô có ý định ly hôn người chồng vũ phu, ích kỷ cũng là lúc cô phát hiện mình có thai nên càng không thể bỏ.

Bi kịch cuộc đời Ngọc cứ nối tiếp như thế và hơn ai hết, chỉ có cô mới có khả năng tự giải thoát chính mình.

Phim "Sống gượng": Bi kịch bạo hành từ đời lên phim ảnh 3 Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang (phải) hướng dẫn diễn xuất cho các diễn viên trên phim trường

Theo nhóm biên kịch Nắng Sài Gòn, nạn bạo hành trong gia đình là vấn đề phải được loại bỏ. Dù là nạn nhân hay là người gây ra bạo hành đều khốn khổ và không lối thoát. Sống gượng muốn chuyển tải thông điệp ngoài lòng thương yêu, sự kiềm chế cảm xúc bản thân để gia đình được êm ấm, thì hơn hết, giá trị bình đẳng trong gia đình và quyền được sống đúng với phẩm giá của người phụ nữ cần được coi trọng. Nếu là nạn nhân của bạo hành, họ cần đứng lên khi mọi sự “cam chịu”,“nhẫn nhịn” không đem lại kết quả.

Bộ phim của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang dài 30 tập với bối cảnh trải dài từ Bắc chí Nam. Phim có sự tham gia của: Lê Chi Na, Quang Sự, Quáng Thái, Tùng Dương, Thúy Hà, Ngọc Tản… đang lên sóng lúc 22 giờ từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần trên HTV9.

Tin cùng chuyên mục