Phim Việt chưa tìm lại vị thế

Sau thời gian dài trong cảnh chợ chiều ế ẩm, phim truyền hình Việt đã có những tín hiệu khởi sắc. Nhưng đi cùng niềm vui ấy là những thách thức không nhỏ cho những người làm nghề tâm huyết trong nỗ lực lấy lại niềm tin nơi công chúng.   
Người phán xử - bộ phim đang nhận được nhiều phản hồi tích cực
Người phán xử - bộ phim đang nhận được nhiều phản hồi tích cực
Thiếu phim hay về đề tài xã hội

Tại hội thảo Phim truyền hình Việt Nam: Xu thế và thách thức được thực hiện trong khuôn khổ Triển lãm phim và công nghệ truyền hình 2017 (Telefilm 2017), ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó giám đốc Hãng phim truyền hình TPHCM (TFS) đề cập hàng loạt tồn tại của phim truyền hình Việt, đồng thời còn chỉ ra online cũng là đối thủ nặng ký, thách thức vị thế của truyền hình truyền thống. Dẫn chứng cụ thể, ông Hưng cho biết báo cáo công bố ngày 29-9-2016 của Công ty Thông tin và đo lường toàn cầu Nielsen cho thấy 92% người sử dụng internet ở Việt Nam xem video trực tuyến hàng tuần, cao nhất khu vực Đông Nam Á, đặc biệt trong khung giờ vàng từ 20 giờ đến 22 giờ, “Không còn cảnh người xem bị động với lịch phát sóng cố định của các đài truyền hình nữa, giờ đây họ có thể chủ động tạo ra lịch xem cho riêng mình”, ông Hưng nói. 

Trước đó, tại tọa đàm về sáng tác điện ảnh truyền hình 2016, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cũng cho biết: “Chúng ta thiếu vắng các phim chính luận,  phản ánh các vấn đề xã hội, thay vào đó là sự lên ngôi của các phim câu khách”. Những thách thức về mặt khách quan khác không thể không nhắc đến đó là sự bùng nổ của truyền hình thực tế, gameshow mặc dù ông Quốc Hưng cho rằng đó là hai thể loại hoàn toàn khác nhau.
 
Tuy nhiên, trong những thách thức nội tại của phim truyền hình Việt thì yếu tố con người là điều không thể bỏ qua. NSND Hoàng Dũng cho rằng: “Nhiều diễn viên mải chạy show, nhận đồng thời 2-3 dự án thì thử hỏi ai dám đảm bảo chất lượng?”. Theo ông Quốc Hưng, trong điều kiện làm phim còn khá nghiệp dư với một đội ngũ nhân lực ở tất cả mọi khâu vừa thiếu vừa yếu như Việt Nam, mà còn phải gồng mình trong cuộc đua marathon “nhà nhà làm phim, người người làm phim, cả nước làm phim” như thời gian qua, là hệ lụy tất yếu dẫn đến thực trạng hiện nay của phim truyền hình Việt. Ông Hưng cũng gọi giai đoạn hơn 10 năm vừa qua là cuộc diễn tập, thanh lọc đội ngũ. Đồng tình quan điểm đó, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC khẳng định, từ việc mày mò làm điện ảnh chuyển sang truyền hình cần sự lựa chọn, chắt lọc và nếu không đáp ứng được sẽ thất bại, kể cả nhà sản xuất cũng bị đào thải. 

Cạnh tranh bằng sự chuyên nghiệp
 
Sự thành công và được khán giả đón nhận của một số phim truyền hình gần đây: Zippo, mù tạt và em, Tuổi thanh xuân 1 và 2, và đặc biệt là hai phim đang lên sóng Người phán xử cùng Sống chung với mẹ chồng cho thấy không phải không có giải pháp cứu vãn. Thống kê của cuộc khảo sát nói trên cho thấy vẫn có đến 42% khán giả xem phim truyền hình thường xuyên, trong đó nhóm xem nhiều nhất là người giúp việc, nghỉ hưu, nội trợ với tỷ lệ 82%. Hài hước lãng mạn, cổ trang, trinh thám và hành động là những thể loại đang được khán giả yêu thích nhất. Xét về mức độ cảm xúc của khán giả khi xem phim truyền hình nhiều nhất là dễ chịu (64%), sau đó là xúc động (63,4%). Có đến 51% khán giả quan tâm trao đổi về nội dung phim, tiếp sau đó là diễn xuất diễn viên, số phận nhân vật... Điều đó cho thấy, khán giả Việt không hề quay lưng nếu các phim đạt chất lượng.
 
Những tín hiệu nói trên cho thấy ngọn nguồn sinh lực mới của phim truyền hình Việt đang nảy nở. Tuy nhiên, theo những người làm nghề để cuộc “đại phẫu” ấy thành công chỉ cần gói gọn trong hai chữ chuyên nghiệp. Một thị trường phim ảnh lành mạnh không có chỗ cho những tay chơi nghiệp dư theo kiểu “mì ăn liền”, chụp giật mà rất chọn lọc và kén người chơi. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng, bên cạnh nhiều hạn chế chúng ta đang có những tiến bộ về nghề nghiệp, tư duy làm phim trẻ trung, sử dụng công nghệ hiện đại... Việc thu thanh đồng bộ, kỹ thuật chỉnh màu cũng được áp dụng ngày càng nhiều trong quy trình sản xuất. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải lấy dẫn chứng, trong thành công của Người phán xử, việc học hỏi cách làm phim từ các dự án hợp tác với Hàn Quốc, Nhật Bản trước đó là nguyên nhân quan trọng. Ở góc độ diễn viên, NSND Hoàng Dũng nhấn mạnh công tác đào tạo cũng cần hướng đến sự chuyên nghiệp hơn và tiến hành đồng bộ với tất cả các khâu còn lại.
  
Ngoài hai yếu tố quan trọng là cần sự đầu tư thích đáng và hướng đến đối tượng khán giả cụ thể, công tác truyền thông quảng bá cũng được các nhà quản lý, làm phim nhìn nhận. Chuyên nghiệp trong cách thức phát hành đặc biệt quan trọng. Ngoài tivi, cần phân bố bản quyền trên các nền tảng internet khác. Hiện nay, khi hầu hết các bộ phim đều được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, không còn bao cấp của nhà nước, đạo diễn Thanh Hải cho hay không thể trông chờ tất cả vào quảng cáo truyền thống. Sự thay đổi về xu hướng khán giả và cách thức tiếp cận khiến các nhà làm phim càng cần ý thức hơn trong việc sử dụng các phương cách khác nhau, đặc biệt giữ bản quyền cho tác phẩm.
 
Dù có nhiều tín hiệu lạc quan nhưng để lấy lại niềm tin nơi khán giả, đưa phim truyền hình khởi sắc trở lại không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Hạn chế về hệ thống phim trường hiện đại, nỗi lo công nghệ phát triển quá nhanh, không theo kịp nhu cầu khán giả, sức ép từ các hình thức giải trí online là những thách thức hiện hữu.
 Trong bảng khảo sát ý kiến khán giả về chất lượng phim truyền hình 2016 do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) thực hiện, khi được hỏi về nhược điểm của phim truyền hình có đến 47,4% ý kiến khán giả cho rằng các phim có cốt truyện không hay. Ngoài ra, còn có hàng loạt các nhược điểm: nhiều nội dung quảng cáo; phim dài dòng lê thê; diễn xuất rập khuôn của diễn viên; lời thoại và âm nhạc không hay; bối cảnh sơ sài, hình ảnh thiếu trau chuốt... 

Tin cùng chuyên mục