Phim Việt - Trăn trở câu chuyện xuất ngoại

Chuyện xuất ngoại của phim Việt chưa bao giờ mới. Cái mới ở đây có chăng là các hình thức phát hành hiện nay ngày càng đa dạng, nhưng để đạt được tiêu chuẩn, từ việc hiểu được đến làm được là cả một khoảng cách lớn.
 Giấc mơ xuất ngoại

Những ngày này, ê-kíp đoàn phim Hai Phượng đang lâng lâng trong men say chiến thắng khi tin vui về doanh thu phòng vé liên tiếp báo về. Ở trong nước, sau 2 tuần công chiếu, phim cán mốc hơn 135 tỷ đồng, một kỷ lục của thể loại phim hành động Việt. Con số này chắc chắn sẽ còn tăng và người hâm mộ đang chờ đợi những “cú sốc” tiếp theo.

Trong khi đó, tại thị trường nước ngoài, thông qua nhà phát hành Well Go USA, bộ phim cũng đạt doanh thu khá khả quan. Cụ thể trong 3 ngày cuối tuần đầu tiên (từ ngày 1 đến 3-3), phim đạt doanh thu hơn 156.000 USD (tương đương 3,5 tỷ đồng) tại 14 rạp chiếu. Đặc biệt, sau khi được mở rộng thêm 15 rạp tại Mỹ và 3 rạp tại Canada, bộ phim hiện thu về hơn 390.000 USD (tương đương hơn 9 tỷ đồng).

Phim Việt - Trăn trở câu chuyện xuất ngoại ảnh 1 Hai Phượng đang được phát hành thương mại tại thị trường Bắc Mỹ và nhận khá nhiều phản hồi tích cực. Ảnh: Đ.P.C.C
Như vậy, sau Bẫy rồng từng được phát hành tại 9 rạp chiếu ở Mỹ và công khai doanh thu trên chuyên trang phòng vé Boxofficemojo với hơn 27.000 USD, Hai Phượng là phim Việt tiếp theo có thông tin doanh thu minh bạch.

Câu chuyện xuất ngoại và xuất khẩu phim Việt đã được bàn, được thực hiện từ cách đây chục năm. Có thể kể đến trường hợp của Dòng máu anh hùng từng được phát hành tại Mỹ và phân phối chủ yếu dưới dạng DVD, Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt; Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh; Lửa Phật; Chung cư ma; Ngủ với hồn ma; Cha và con và… Không thể phủ nhận nhiều đơn vị trong nước đã nỗ lực xúc tiến nhưng bước tiến vẫn rất chậm, thậm chí là giậm chân tại chỗ.

Có một thực tế, không ít phim quảng bá rình rang được bán, chiếu ở nước ngoài nhưng trên thực tế chủ yếu là hoạt động tri ân khán giả, giao lưu văn hóa hơn là thông qua các nhà phát hành chuyên nghiệp. Số lượng phim được phát hành thương mại, có doanh thu cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đặc biệt, hầu hết doanh thu của những bộ phim này luôn là ẩn số, hoặc có thể vì con số này khá thấp nên các đơn vị đưa phim ra nước ngoài ngại chuyện công khai. Một số đạo diễn khi được hỏi cũng không nắm được tình hình doanh thu bộ phim của mình.

Thời gian vừa qua, các dự án hợp tác phim cũng khá nở rộ. Có thể kể đến hàng loạt tác phẩm như Những cô gái và găng tơ 2, Yêu em từ khi nào (hợp tác Hồng Công); LALA: Hãy để em yêu anh, Sắc đẹp ngàn cân (hợp tác Hàn Quốc); Cuộc gọi định mệnh (hợp tác với Mông Cổ)…

Hầu hết các ê-kíp đều tuyên bố phim sẽ trình chiếu song song ở thị trường cả 2 nước, nhưng sau khi ra mắt tại thị trường trong nước với thực trạng “đầu voi đuôi chuột”, việc phát hành ở nước ngoài chẳng khác nào “bóng chim tăm cá”. Một số dự án hợp tác chưa ra mắt như Mỹ nhân thần sách (hợp tác với Thái Lan) còn tuyên bố có 2 phiên bản khác nhau cho khán giả 2 nước hay Sám hối (hợp tác Ấn Độ) từng rất đình đám nhưng cho đến nay chưa biết khi nào sẽ ra rạp.

Một hình thức xuất khẩu phim Việt khác cũng vừa manh nha đó là câu chuyện bán kịch bản. Bộ phim đi tiên phong là Em chưa 18 đã được một số nhà sản xuất tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… mua kịch bản làm lại.

Bên cạnh việc phát hành ở các rạp chiếu, một đích đến tiếp theo, không chỉ với các dự án điện ảnh, mà cả truyền hình chính là Netflix - dịch vụ xem video trực tuyến hàng đầu thế giới hiện đã có mặt tại 190 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trước đây, từng có một số phim Việt như Trúng số, Chung cư ma… được phát hành trên nền tảng này. Thậm chí, cũng có nguồn tin cho biết Hai Phượng sẽ bán bản quyền cho Netflix với giá 5 triệu USD (tương đương hơn 116 tỷ đồng) dù hiện tại thông tin này chưa được phía Ngô Thanh Vân xác nhận.

Giấc mơ Netflix chắc chắn không phải là quá xa vời. Bằng chứng là tại buổi họp báo công bố dự án Gái già lắm chiêu 3, bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân - Namcito cũng hé lộ thông tin về việc sản xuất series Gái già lắm chiêu: Tứ đại mỹ nhân với 10 tập, 60 phút/tập, đích đến chính là nền tảng Netflix. “Chúng tôi có những mối quan hệ và tự tin sản phẩm của mình đủ chất lượng để đưa ra thị trường quốc tế, trước mắt là trong khu vực châu Á. Chúng tôi cũng tự tin đội ngũ sản xuất Việt Nam cũng đang ngày càng chuyên nghiệp. Nhưng trước hết, chúng tôi muốn khán giả Việt có quyền thưởng thức những sản phẩm theo chuẩn quốc tế”, đại diện ê-kíp cho biết.

Đáp ứng tiêu chuẩn điện ảnh quốc tế

Có một điều mà bất cứ nhà sản xuất, ê-kíp làm phim nào cũng hiểu đó là để ra nước ngoài, phát hành thương mại một cách công khai và cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ, trước hết và trên hết, phải đạt chuẩn chất lượng họ đề ra.

Theo đại diện ê-kíp sản xuất, để Hai Phượng nhận được sự gật đầu của các cụm rạp ở Mỹ, bộ phim phải đáp ứng được những tiêu chuẩn về điện ảnh quốc tế, từ câu chuyện cô đọng, không lan man dàn trải nhưng vẫn đầy đủ kịch tính, cao trào và có chiều sâu, cho đến các phần kỹ thuật như âm thanh, hình ảnh, chất lượng phim, màu sắc và các cảnh hành động phải đủ đẳng cấp Hollywood. Đó là lý do, riêng ở phần hành động, Ngô Thanh Vân đã mời giám đốc hành động hàng đầu của Hollywood, người đã dàn dựng những phân cảnh hành động hấp dẫn trong các siêu phẩm như 007, Fast and Furious, John Wick, Transporter… tham gia trong ê-kíp sản xuất.

Phim Việt - Trăn trở câu chuyện xuất ngoại ảnh 2 Hai Phượng gây bất ngờ khi thành công tại thị trường Bắc Mỹ
Trong khi đó, về phần câu chuyện, dù không phải quá xuất sắc nhưng phim có lợi thế khá gần gũi khán giả ở khắp thế giới vì mang tính toàn cầu. Một điểm đặc biệt khác đó là, Hai Phượng đã tô đậm được dấu ấn Việt, từ phục trang chiếc áo bà ba tím, đến bối cảnh sông nước miền Tây, lò gạch cũ và hình ảnh TPHCM năng động. Sự kết hợp giữa bản sắc Việt và chuẩn Hollywood chính là yếu tố tiên quyết để phim vượt qua được tất cả những yêu cầu từ nhà phát hành quốc tế. Đây cũng là yếu tố được hầu hết các nhà làm phim từng có cơ hội tham gia các liên hoan phim quốc tế thừa nhận.

Đạo diễn, nhà sản xuất Namcito  cho rằng, ngay từ quá trình lên ý tưởng và chuẩn bị Gái già lắm chiêu - Tứ đại mỹ nhân đã được xây dựng phải đạt chuẩn chiếu trên Netflix, sản xuất theo đúng quy chuẩn của phim điện ảnh hiện đại. Ngoài phần ghi hình trong nước, công đoạn hậu kỳ chỉnh màu được thực hiện tại Thái Lan và phần âm nhạc sẽ do “phù thủy” Christopher Wong (Mỹ) - người đứng sau thành công của nhiều bộ phim điện ảnh Việt đình đám đảm nhận.

“Chúng tôi lấy tiêu chuẩn Netflix làm tiêu chuẩn sản xuất cho Gái già lắm chiêu - Tứ đại mỹ nhân. Và sản phẩm này hướng tới việc hợp tác trình chiếu trên Netflix cùng với các hệ thống OTT tại Việt Nam”, Namcito cho biết thêm.

Phim Việt - Trăn trở câu chuyện xuất ngoại ảnh 3 Gái già lắm chiêu: Tứ đại mỹ nhân có thể được bán cho dịch vụ xem phim trực tuyến Netflix. Ảnh: Đ.P.C.C
Bộ phim sẽ thu được thành công như thế nào, câu trả lời sẽ có khi khởi chiếu chính thức vào cuối năm 2019, nhưng nói như đạo diễn Bảo Nhân - phải chỉn chu từ những điều nhỏ nhất mới mong có thành công lớn.

Việc tiếp cận Netflix được xem là cánh cửa rộng mở với các nhà làm phim Việt trong giấc mơ xuất ngoại. Theo đại diện phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của đơn vị này, mục tiêu hiện tại của họ là “đem những nội dung châu Á đến thế giới” với nhiều kế hoạch đầu tư rất hấp dẫn. Hiện tại, Netflix mới bắt đầu sản xuất nội dung mang tính địa phương của từng quốc gia. “Chúng tôi có tiêu chuẩn với đối tác địa phương và sẽ hỗ trợ phần đào tạo, gửi chuyên gia quốc tế...”, vị đại diện này cho biết.

Hợp tác xuất khẩu phim Việt hiện nay rõ ràng đang có rất nhiều con đường khác nhau, thông qua các liên hoan phim, các nhà phát hành quốc tế, hợp tác sản xuất với nước ngoài, trình chiếu trên các hệ thống OTT, bán bản quyền kịch bản…

Cơ hội rõ ràng là rộng mở nhưng với chất lượng phim Việt còn trồi sụt như hiện tại, đa phần chưa đạt chuẩn quốc tế, việc phát hành tại các quốc gia châu Á còn khó khăn, chưa nói đến thị trường nhiều khắt khe như Bắc Mỹ. Nói như thế là để các nhà làm phim cần nhìn thẳng vào thực tế chất lượng từng tác phẩm của mình.

Những hoạt động tự thân vận động như trường hợp của Hai Phượng; Gái già lắm chiêu: Tứ đại mỹ nhân dĩ nhiên rất được ủng hộ nhưng để việc xuất khẩu phim Việt tiến đến chuyên nghiệp, cần sự liên kết giữa các nhà làm phim và đặc biệt, chính sách nhất quán cho lĩnh vực điện ảnh từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Không vận động, việc xuất khẩu phim vẫn mãi chỉ nhỏ lẻ, manh mún.

Tin cùng chuyên mục