Phó chủ tịch UBND tỉnh có thể là bí thư kiêm chủ tịch đặc khu

Chiều 23-4, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang về xây dựng hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu). 
Hội nghị trực tuyến về xây dựng hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức chiều 23-4. Ảnh: VOV
Hội nghị trực tuyến về xây dựng hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức chiều 23-4. Ảnh: VOV
2 phương án đối với bí thư đảng ủy đặc khu
Tại hội nghị, cả 3 địa phương Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang đều nhất trí phương án bí thư đảng ủy đặc khu kiêm chủ tịch UBND và sẽ do 1 phó chủ tịch UBND tỉnh đảm nhiệm.
Về mô hình chính quyền đặc khu, theo bản dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (HCKTĐB - được đề nghị đổi tên thành “Luật Đơn vị HCKTĐB Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc”) mới nhất do ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ trình bày, chính quyền địa phương đặc khu được xác định là một cấp chính quyền, có HĐND và UBND. HĐND đặc khu sẽ có từ 9-15 đại biểu, không tổ chức thườngtrực HĐND và các ban của HĐND UBND đặc khu bao gồm chủ tịch và 2 phó chủ tịch.
Theo phương án của Bộ Nội vụ, chủ tịch UBND đặc khu sẽ do HĐND đặc khu bầu theo giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau khi thống nhất với chủ tịch UBND tỉnh, trình Thủ tướng phê chuẩn sau khi HĐND bầu. Về hệ thống chính trị tại các đặc khu, Ban Tổ chức Trung ương đưa ra phương án thành lập đảng bộ đặc khu là đảng bộ cấp huyện trực thuộc đảng bộ tỉnh. Ban Tổ chức Trung ương đưa ra 2 phương án đối với bí thư đảng ủy đặc khu: hoặc đồng thời là chủ tịch HĐND, là ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy; hoặc đồng thời là chủ tịch UBND đặc khu, là ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, phó chủ tịch UBND tỉnh. Nếu bí thư đồng thời là chủ tịch UBND đặc khu thì bố trí 1 phó bí thư là phó chủ tịch phụ trách an sinh xã hội và xây dựng hệ thống chính trị.
Đề xuất chủ tịch UBND đặc khu do chủ tịch UBND tỉnh giới thiệu
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc ủng hộ phương án 2, đề nghị bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch UBND đặc khu, như Quảng Ninh vẫn đang làm. Tuy nhiên, không đồng tình với đề xuất chủ tịch UBND đặc khu do Bộ trưởng Bộ Nội vụ giới thiệu mà nên do chủ tịch UBND tỉnh giới thiệu, bởi “người ở cơ sở, nắm chắc tình hình địa phương hơn”.
Về trung tâm hành chính công, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho rằng cần được coi là một cơ quan quản lý nhà nước, hồ sơ trình lên có thể thẩm định ngay tại chỗ, “nếu chỉ là một đơn vị sự nghiệp như hiện nay thì không đổi mới gì”.
Quan điểm bí thư kiêm chủ tịch UBND đặc khu và quy trình giới thiệu như nêu trên được cả Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Lê Thanh Quang và Phó Bí thư Thường trực Kiên Giang Đặng Tuyết Em ủng hộ. Đồng chí Lê Thanh Quang đề nghị thêm, cần có phương án giải quyết cán bộ dôi dư và bổ sung cán bộ đủ trình độ ngay khi luật có hiệu lực, vì với mô hình tổ chức mới, tại huyện Vạn Ninh - nơi dự kiến xây dựng đặc khu - ước sẽ dôi dư khoảng 200 cán bộ… 
Kết luận nội dung này, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu: “Các ý kiến đều nhất trí tổ chức đảng theo hướng có đảng bộ cơ sở và trên cơ sở. Bí thư cấp ủy là chủ tịch đặc khu, 1 phó bí thư kiêm chủ tịch HĐND, kiêm Mặt trận Tổ quốc; 1 phó bí thư kiêm chính quyền”. Đồng chí Phạm Minh Chính cũng cho biết, Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương đều có đề án đảm bảo trật tự an toàn xã hội, bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ cho các đặc khu. 
“Cần nghiên cứu và chuẩn bị đề xuất để thực hiện theo hướng: chính quyền cũ phải tổ chức bầu được chính quyền mới, đồng thời tổ chức tốt đội ngũ cán bộ để luật ban hành là triển khai thực hiện được ngay; đảm bảo sự chuyển giao một cách êm thấm, không có xáo trộn, không ảnh hưởng đến an sinh xã hội, các hoạt động của Đảng, chính quyền”, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh và khẳng định, nhân sự cán bộ đặc khu sẽ không khép kín mà dựa vào đề án vị trí việc làm và năng lực để bố trí cho phù hợp; không nhất thiết chỉ là cán bộ địa phương.

Tin cùng chuyên mục