Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành: “Năm của nghệ thuật điều hành chính sách”

Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành: “Năm của nghệ thuật điều hành chính sách”

Những số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2012 vừa được công bố tuy cho thấy sự “chuyển biến” nhất định theo chiều hướng tích cực của nền kinh tế nhưng chưa thể khẳng định đà phát triển. Ngược lại, kết luận “giảm phát” vào lúc này cũng là vội vàng. “Chúng ta luôn phải theo dõi sát sao và tháng 8 là thời điểm đặc biệt quan trọng để đánh giá lại toàn diện tình hình và có những điều chỉnh chính sách thích hợp”, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra nhận định như thế trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP.

  • Thời khắc tháng 8

* Phóng viên: Thưa ông, với việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 lần đầu tiên có giá trị âm trong 38 tháng qua, nhiều người lo ngại về nguy cơ giảm phát. Ông có bình luận gì?

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương.

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương.

* TS VÕ TRÍ THÀNH: Cần phân biệt rõ thiểu phát với giảm phát. Thiểu phát là giá cả vẫn tăng nhưng thấp, trong khi giảm phát là giá cả đi xuống. Mới chỉ có một tháng CPI giảm, những tháng trước đó vẫn tăng, dù thấp thì chưa thể nói ngay là giảm phát. Tôi cho rằng nói “có nguy cơ thiểu phát” thì chính xác hơn, vì như thế nào là “tăng thấp” cũng là chuyện. Đối với một nền kinh tế đang tăng trưởng cao như Việt Nam thì lạm phát ở khoảng 3% - 4%/năm có thể coi là thiểu phát nhưng về dài hạn là bình thường; trong ngưỡng 4% - 6% là rất ổn.

* Ông có nghĩ rằng giá cả sẽ còn tiếp tục giảm trong những tháng tới hay không?

* Giá cả tăng thấp như những tháng qua chủ yếu do tổng cầu giảm, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Thêm vào đó mặt bằng giá thế giới cũng giảm, nhất là xăng dầu. Diễn biến giá cả những tháng tới phụ thuộc vào hiệu quả nỗ lực kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ và kịch bản giá thế giới. Đối với kịch bản giá thế giới, khả năng tăng “sốc” có xác suất rất thấp. Kịch bản tăng thấp hoặc thậm chí giảm mạnh - trong trường hợp khối eurozone sụp đổ - nhiều khả năng xảy ra hơn. Vừa qua, cuộc bầu cử ở Hy Lạp khiến giới phân tích lạc quan hơn đôi chút về việc Hy Lạp ít có khả năng rút khỏi eurozone nhưng khủng hoảng nợ vẫn đang lan sang Tây Ban Nha, rồi đảo Síp và tác động vẫn chưa lường hết được. Cần nhớ người ta vẫn nói vui rằng, GDP của Hy Lạp chưa tới 350 tỷ USD, chưa bằng 1/10 Đức, chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng 18.400 tỷ GDP của EU nhưng nước này có thể bắt cả châu Âu làm “con tin”. Nói cách khác, kịch bản giá thế giới còn bất định; xu hướng tăng giá mạnh khó xảy ra. Trong nước là chuyện lòng tin của người tiêu dùng giảm sút và dù đã chuyển biến nhưng vẫn chưa đi lên một cách rõ rệt.

* Ông có cho rằng công tác dự báo không tốt dẫn đến giải pháp điều hành chưa thật sự hợp lý là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện nay?

* Công bằng mà nói, không thể hy vọng dự báo như “đóng đinh” được mọi thứ từng 6 tháng hay một năm. Ngay cả các tổ chức quốc tế cũng 2 tháng thay đổi “dự báo” một lần. Thế mới nảy sinh ra nghịch lý, trước đây dự báo là một trong những căn cứ để định hình phương hướng sản xuất kinh doanh và điều hành vĩ mô. Giờ dự báo gần như đang chạy theo tình hình! Ngay như Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) giữa năm ngoái dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2012 là 4,5%; đến tháng 9-2011 hạ xuống còn 4%; tháng 1-2012 hạ tiếp xuống còn 3,3%; sau đó là 3,5% và mới nhất thì chỉ 2,5% - 3% thôi. Vì sự không chắc chắn ấy mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng có phần “chùng chình” trong điều hành chính sách, dù nhiều động thái cho thấy có xu hướng nới lỏng hơn, hạ lãi suất trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, về phía Việt Nam, tôi cho rằng phản ứng thị trường qua chính sách của Chính phủ chưa thật rõ và đủ mức quyết liệt. Chúng ta luôn phải theo dõi sát sao và tháng 8 tới đây là thời điểm đặc biệt quan trọng để đánh giá lại toàn diện tình hình và có những điều chỉnh chính sách thích hợp. Cả các nhà đầu tư cũng vậy. Có thể nói năm nay là năm của nghệ thuật điều hành chính sách!

* Tại sao lại là tháng 8 chứ không phải thời điểm khác?

* Khi đó xu hướng sẽ rõ hơn: giảm phát hay thiểu phát, mục tiêu tăng trưởng như thế nào, điều hành thế nào để đạt được mục tiêu… Nhưng tôi vẫn phải nói xu hướng khó khăn hơn có xác suất cao hơn; đòi hỏi tính quyết liệt trong các giải pháp của Chính phủ.
Cốt lõi là bơm được tiền ra

* Vậy theo ông nên tập trung vào những giải pháp nào?

* Tại kỳ họp vừa qua Chính phủ đã báo cáo rất rõ với Quốc hội các nhóm giải pháp. Tôi muốn nhấn mạnh thêm là trong các nhóm chính sách cốt lõi, điều rất quan trọng là phải thực sự bơm được tiền ra. Tín dụng vừa qua tăng trưởng rất thấp (có người lo ngại bài học của năm 2010 là khi đưa tiền ra, mở van mạnh quá sẽ lại làm cho lạm phát tăng trở lại vào cuối năm hoặc năm sau. Trong bối cảnh hiện tại, tôi cho rằng khả năng này ít có thể xảy ra). Muốn thế, bên cạnh việc hạ lãi suất, có 2 yếu tố rất quan trọng là phải xử lý được nợ xấu và thực hiện bảo lãnh tín dụng. Riêng bảo lãnh, có chính sách rồi nhưng xem lại quy trình thủ tục thế nào… Phải tập trung vào việc xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các ngân hàng để lành mạnh hóa hệ thống này. Càng để lâu, giá phải trả sẽ càng lớn. Nhật Bản là một trường hợp điển hình, họ cẩn trọng bàn thảo lâu quá và định giá nợ xấu cao quá nên đã phải chịu dư chấn khá nặng nề.

* Nhưng ngay cả tỷ lệ và giá trị tuyệt đối ước tính của nợ xấu dường như vẫn chưa có con số thống nhất, thưa ông?

* Đúng là có sự khác biệt giữa các nguồn thông tin về nợ xấu. Nguồn tổng hợp từ báo cáo của các ngân hàng thương mại “nhẹ nhàng” hơn cả; cho đến giờ vào khoảng trên dưới 4%. Đánh giá của các định chế tài chính quốc tế nghiêm trọng hơn nhiều, hiện lên đến 13% - 14%... Tôi cho rằng con số từ Thanh tra Ngân hàng Nhà nước có lẽ sát thực hơn cả, tức hiện nay dao động ở mức 8,6%. Nhưng theo nguồn nào thì xu hướng vẫn là nợ xấu đang tăng lên, phải sớm xử lý dứt điểm.

* Mô hình cơ quan xử lý nợ cũng là một đề tài tranh luận. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

* Tôi cho rằng định chế xử lý nợ phải có nguồn lực đủ mạnh và được trao quyền hạn đặc biệt. Do đó, cần có sự giám sát đặc biệt đối với nó. Một điều kiện then chốt nữa là vai trò của các chuyên gia định giá nợ; đảm bảo các nhóm lợi ích không thể chi phối việc định giá dẫn đến việc nợ xấu được định giá quá cao chẳng hạn. Tốt nhất, định chế đó nên trực thuộc Chính phủ và những người làm cụ thể phải từ Ngân hàng Nhà nước - họ là những người am hiểu cuộc chơi phức tạp này hơn cả. 

ANH THƯ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục