Dịch bệnh heo tai xanh

Phối hợp chung để ngăn chặn

Phối hợp chung để ngăn chặn

Tại hội nghị phòng chống dịch bệnh heo tai xanh (hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở heo – PRRS) tổ chức ở TPHCM vào ngày 8-5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cho biết, kết quả phân tích cấu trúc gen của virus (do Trung Quốc và Mỹ thực hiện) cho thấy, virus gây bệnh ở VN có mức tương đồng về amino acid từ 99,99% của nước láng giềng đã bị trước đó 1 năm (thuộc nhóm độc lực cao).

Như vậy, rõ ràng nguyên nhân phát tán dịch heo tai xanh tại VN có liên quan đến tình hình dịch bệnh ở các nước xung quanh do khâu kiểm soát vận chuyển dọc biên giới chưa chặt chẽ. Cũng chính khâu này đã làm cho dịch bệnh đang ngày càng lan rộng trong nước.

Nhân viên thú y trở thành… nguồn lây bệnh

Phối hợp chung để ngăn chặn ảnh 1

Tiêu độc khử trùng - một trong những biện pháp phòng chống dịch heo tai xanh nhưng chưa được các địa phương thực hiện nghiêm túc. Ảnh: CCTY

Nhìn lại 3 đợt dịch bệnh heo tai xanh (2 đợt năm 2007 và hiện nay) dễ thấy rằng, số địa phương có dịch (tính theo đơn vị xã, huyện) và lượng heo bị dịch cùng tăng mạnh. Từ 25 xã, ở 146 huyện (đợt 1) lên 40 xã, ở 178 huyện (đợt 2) và tăng lên 58 xã ở 793 huyện (đợt 3) và số lượng heo cũng tăng từ 7.296 con (tiêu hủy) lên 13.070 con và hiện nay là trên 260.000 con. Hiện có 11 tỉnh bị nhiễm nhưng dịch bệnh đang có chiều hướng lan rộng nên nhiều khả năng số địa phương bị dịch bệnh sẽ vuợt qua con số 14 tỉnh của đợt 2 (đợt 1 là 7 tỉnh).

Giải thích về sự lây lan theo hướng ngày càng nhanh và rộng của dịch bệnh, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nhấn mạnh 2 sai lầm mà ông cho là “chết người” trong phòng chống dịch bệnh heo tai xanh thời gian qua. Đó là tình trạng nhiều nhân viên thú y cơ sở không nhận dạng được triệu chứng bệnh do lẫn lộn với bệnh dịch tả, thương hàn, tụ huyết trùng; cũng không loại trừ có nghi ngờ bị bệnh tai xanh nhưng vì lợi ích riêng, đã cố tình để lại chữa trị thay vì phải báo cáo lên trên. Sau đó, chính các nhân viên thú y này lại đi chữa bệnh ở những đàn heo khác, mang theo virus, trở thành tác nhân lây nhiễm sang đàn heo các hộ xung quanh.

Nhưng khi xác định được bệnh tai xanh thì việc xử lý của các địa phương cũng không triệt để, tiêu hủy không đúng quy trình, tiêu độc khử trùng qua loa, bỏ lỏng khâu giết mổ. Đặc biệt là không kiểm soát được khâu vận chuyển, trong khi thống kê cho thấy 70% trường hợp nhiễm bệnh là từ khâu này. Vì vậy, rút kinh nghiệm từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng chỉ đạo lãnh đạo các tỉnh phía Nam không để lặp lại những sai lầm trên, nhất là trong bối cảnh dịch heo tai xanh đã xuất hiện tại Lâm Đồng, một tỉnh thuộc Nam Tây Nguyên, giáp với Đông Nam bộ, khu vực chăn nuôi heo tập trung, quy mô trang trại lớn của cả nước.

Thiếu sự phối hợp chung

Sau khi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại tỉnh Lâm Đồng, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Thú y vùng 6 rất lo ngại dịch bệnh sẽ lây trực tiếp sang các tỉnh lân cận như Bình Phước, Đồng Nai, thậm chí các địa phương xa hơn như TPHCM, Long An, Tiền Giang hay Ninh Thuận, Bình Thuận. Điều lo ngại này xuất phát từ tình hình chính quyền địa phương nơi xảy ra dịch chưa nhận thức đầy đủ về mức nguy hiểm và tốc độ lây lan của bệnh nên chưa thực hiện đúng các biện pháp phòng chống mà bộ đề ra. Không chỉ phát hiện chậm mà báo cáo, công bố dịch cũng chậm (từ 7 đến 15 ngày).

Khi xử lý tiêu hủy, có một số hộ xin giữ heo lại điều trị (nếu heo không khỏi bệnh thì họ không yêu cầu hỗ trợ) vẫn được chấp nhận, trong khi khả năng để lại để bán “heo chạy” là rất cao. Những nơi này cũng không ngưng được việc giết mổ, kinh doanh thịt heo ngay trong vùng dịch và vùng đã công bố dịch. Hệ thống thú y cơ sở yếu kém, không có lực lượng chuyên trách, chưa có sự phối hợp chặt giữa các ban ngành. Những huyện giáp ranh với huyện có dịch vẫn chưa có kế hoạch, phương án phòng chống dịch bệnh. Từ những hạn chế này, lo ngại dịch bệnh heo tai xanh có thể lây lan ra huyện Di Linh, Đức Trọng, Đạ Hoai, Đạ Tẻ và những tỉnh khác là hoàn toàn có cơ sở.

Trong khi đó, theo báo cáo của Chi cục Thú y TPHCM, lượng heo vận chuyển từ Lâm Đồng về TPHCM vào thời điểm xuất hiện dịch heo tai xanh ở Lâm Đồng (nhưng chưa công bố dịch) tăng rất nhanh. Từ chỗ chiếm chưa tới 2% tổng lượng heo các nơi vận chuyển về TP, thời điểm đó đã tăng lên 8%-10%. Trước tình cảnh này, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, nơi có 80% giá trị nông nghiệp là từ chăn nuôi heo, khẳng định rằng dịch bệnh sẽ “vô phương cứu chữa” nếu những vấn đề trên không được giải quyết triệt để. 

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục