Phối hợp kiểm soát sản xuất thực phẩm

Sản xuất nông nghiệp của TPHCM chỉ đáp ứng được khoảng 20% - 30% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại phải nhập từ các tỉnh và nhập khẩu qua nhiều đường khác nhau. Do vậy, việc phối hợp chặt chẽ với các tỉnh/thành khác trong việc cung ứng, tạo nguồn thực phẩm cho thành phố để đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, an toàn thực phẩm là cần thiết.
Các sản phẩm của Đà Lạt bày bán phục vụ người dân TPHCM và các tỉnh tại siêu thị Co.opmart
Các sản phẩm của Đà Lạt bày bán phục vụ người dân TPHCM và các tỉnh tại siêu thị Co.opmart

TPHCM chỉ đáp ứng được sản lượng đối với mặt hàng rau củ quả là 30%; động vật sống 10%; thủy sản và sản phẩm thủy sản 15% - 20%. Để công tác phối hợp đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thị trường cũng như giúp tiêu thụ hàng hóa cho các địa phương, TPHCM, Lâm Đồng, Long An đã xây dựng đề án phối hợp chung về việc xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn trong giai đoạn 2017-2019. 

Việc phối hợp là để kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu: trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác đến cơ sở sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.

Tổ chức sơ chế sản phẩm từ tỉnh và xác nhận sản phẩm an toàn đối với những sản phẩm chưa được chứng nhận chuỗi trước khi đưa về tiêu thụ trên địa bàn TPHCM. Từ đó, thành phố đảm bảo cho việc người dân được tiêu dùng những mặt hàng chất lượng, an toàn. 

Trong năm 2019, 3 địa phương tiếp tục xây dựng, vận hành chuỗi thực phẩm an toàn nhằm giám sát và đảm bảo được chất lượng an toàn thực phẩm các loại nông sản, thực phẩm tại TPHCM và các tỉnh.

Sản phẩm đạt chứng nhận chuỗi được kiểm soát tốt từ sản xuất đến lưu thông, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, không tồn dư hóa chất cấm sử dụng, hóa chất ngoài danh mục được phép sử dụng. Không dừng lại đó, TPHCM tiếp tục phối hợp với các tỉnh có nguồn thực phẩm đưa về tiêu thụ tại thành phố nhằm kiểm soát chất lượng sản phẩm từ gốc.

Tin cùng chuyên mục