Phối hợp kiểm tra, kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng đối với vụ việc phức tạp

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, yêu cầu ngành kiểm tra Đảng và thanh tra Nhà nước của TPHCM phải làm tốt hơn nữa trong công tác trao đổi thông tin nhằm đảm bảo thực hiện xử lý kỷ luật về mặt Đảng và Chính quyền đối với các cá nhân vi phạm.

Ngày 20-9, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Thành ủy với Thanh tra TP trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.

Các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm UBTK Thành ủy; Nguyễn Long Tuyền, Thành ủy viên, Chánh Thanh tra TP chủ trì hội nghị.

Kết luận sai 10, kiểm điểm còn 5

Tại hội nghị, đồng chí Đặng Minh Đạt, Thành ủy viên, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Thành ủy TPHCM, cho biết, từ năm 2013 UBKT Thành ủy TPHCM và Thanh tra TPHCM đã ký kết quy chế phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng.

Từ khi phối hợp đến nay, UBKT Thành ủy và Thanh tra TP đã phối hợp, kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 3 tổ chức đảng và 3 đảng viên diện Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM quản lý.

Qua đó, UBKT Thành ủy đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy xem xét xử lý 1 tổ chức đảng và 5 đảng viên; quyết định kỷ luật 7 đảng viên. Ngoài ra, 3 tổ chức đảng và 1 đảng viên khác có khuyết điểm (nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật) bị đề nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Cấp quận - huyện cũng phối hợp kiểm tra và xử lý kỷ luật 28 tổ chức Đảng (trong số 67 đơn vị bị kiểm tra) 95 đảng viên (trong số 116 đảng viên bị kiểm tra).

Đồng chí Đặng Minh Đạt nhận xét, việc phối hợp giữa cơ quan kiểm tra của Đảng và thanh tra Nhà nước được thực hiện thường xuyên hơn, góp phần giải quyết kịp thời các đơn thư tố cáo, khiếu nại. Đồng thời đảm bảo việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý những vi phạm của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên.

Tuy vậy, việc thực hiện quy chế còn một số tồn tại, như ở một số nơi, việc trao đổi thông tin giữa 2 ngành còn chưa được thật sự quan tâm. Một số vụ việc xem xét kiểm điểm theo kết luận thanh tra chậm trễ, kéo dài…

Phát biểu thảo luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Long Tuyền, Thành ủy viên, Chánh Thanh tra TP, đồng tình và chia sẻ, rất ít vụ việc sai phạm (qua phát hiện của thanh tra) về trách nhiệm thực thi nhiệm vụ cán bộ, công chức bị xử lý hành chính, do hết thời hiệu xử lý.

Trường hợp tổ chức kiểm điểm thì không đạt yêu cầu, kể cả các vụ việc chuyển cho cơ quan điều tra (sau đó cơ quan điều tra không khởi tố vụ án, chuyển trả để xử lý hành chính. Đặc biệt, có trường hợp đi nước ngoài rồi gửi bản kiểm điểm về để tổ chức kiểm điểm. Rất không nghiêm túc.

“Thanh tra kết luận sai 10 nhưng khi kiểm điểm còn 5, thậm chí không còn khuyết điểm”, đồng chí Nguyễn Long Tuyền bày tỏ. Điều đáng nói, đây là tình trạng phổ biến, không phải cá biệt. Nguyên do chưa có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong việc xử lý kỷ luật về mặt Đảng và Chính quyền đối với các sai phạm.

Phối hợp kiểm tra, kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng đối với vụ việc phức tạp ảnh 1 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Kỷ luật về mặt Đảng và Chính quyền phải tương thích

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKT Thành ủy TPHCM, đề nghị ngành kiểm tra của Đảng và thanh tra của Nhà nước cần thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm nhằm khắc phục các hạn chế, thiếu sót và thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp.

Về phương hướng sắp tới, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu cho biết, UBKT Thành ủy và Thanh tra TP sẽ chọn 3-5 vụ việc phức tạp/năm để phối hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý theo quy định của pháp luật, quy định của Đảng, gắn với việc thực hiện Quy định 1374-TU/QĐ (của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước).

Cũng tại hội nghị, đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, lưu ý thời gian tới, cơ quan kiểm tra của Đảng và cơ quan thanh tra của Nhà nước cần quan tâm phối hợp kiểm tra, thanh tra giám sát không chỉ đối với đảng viên mà thực hiện đối với tổ chức Đảng.

Đặc biệt, trong phối hợp giữa ngành kiểm tra và thanh tra các cấp cần phát huy tốt hơn vai trò giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Phát biểu kết luận chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những kết quả thực hiện quy chế phối hợp. Đồng thời yêu cầu sớm hoàn thiện quy chế phối hợp thông qua việc sửa đổi những nội dung chưa hợp lý và rà soát, cập nhật nội dung từ các văn bản mới có liên quan.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị, các đơn vị xây dựng chương trình thanh tra, kiểm tra quý 4-2018 và năm 2019 nhằm xác định các đầu việc và phối hợp thanh tra, kiểm tra. Ở cấp TP, UBKT Thành ủy và Thanh tra TP phối hợp thanh tra, kiểm tra đối với vụ việc quan trọng, phức tạp cần giải quyết.

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, việc xử lý về mặt Đảng và Chính quyền đối với các trường hợp sai phạm phải tương thích nhau. Theo đó, sau khi xử lý kỷ luật về mặt Chính quyền thì trong vòng 30 ngày, Đảng phải xử lý kỷ luật. Thời hạn cũng tương tự trong trường hợp Đảng kỷ luật trước.

“Công tác này chưa được thực hiện tốt trong thời gian qua”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lưu ý và dẫn chứng có trường hợp chậm trễ trong xử lý dẫn đến hết thời hiệu xử lý. Do vậy, trong thời gian tới phải đảm bảo 100% kết luận thanh tra các cấp chuyển cho UBKT cùng cấp để kiểm tra công tác xử lý, đảm bảo việc xử lý kỷ luật phải tương thích về mặt Đảng lẫn chính quyền.

Chánh Thanh tra TPHCM Nguyễn Long Tuyền: “Áp lực bởi nhiều cuộc điện thoại”!

Từ đầu năm 2018 đến nay, Thanh tra TP thu hồi cho ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng. Nếu các sai phạm này không được phát hiện kịp thời sẽ gây thất thoát cho Nhà nước một số tiền lớn. So với các tỉnh, thành, Thanh tra TPHCM đạt được tỷ lệ thu hồi đứng đầu cả nước. Song, việc xử lý sau thanh tra, trong đó có kiến nghị thu hồi gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, công tác đôn đốc xử lý sau thanh tra chưa đạt hiệu quả mong muốn, nhất là đối với các kiến nghị thu hồi mặt bằng, nhà đất hoặc tham mưu đề xuất điều chỉnh, bổ sung các quy định, chính sách bất cập. Nguyên do, quy định về cưỡng chế xử lý sau thanh tra và ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân còn hạn chế.

Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật không được phát hiện trong nội bộ đơn vị mà thường từ thông tin phản ánh của báo chí, từ tố cáo. Qua thống kê 17 đoàn thanh tra mà Thanh tra TP đang thực hiện thì đa số là xuất phát từ đơn tố cáo từ bên ngoài và phản ánh của báo chí.

Quá trình thực hiện công việc của thanh tra, để ban hành kết luận thanh tra xác định vi phạm là kỳ công, đòi hỏi tâm huyết và trách nhiệm. Vừa qua một số vụ việc UBND TP giao, Thanh tra TP có nhiều cố gắng, nỗ lực hoàn thành nhưng cũng chịu nhiều áp lực, trong đó có những cuộc điện thoại.

Tin cùng chuyên mục