Phòng cháy chữa cháy tại nhà dân

Vào mùa khô rất dễ xảy ra cháy nổ, chỉ cần có nguồn lửa bén có thể bạn mất cả ngôi nhà và tính mạng. 
Phòng cháy chữa cháy tại nhà dân
Lâu nay nhiều người cũng còn mang tâm lý trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy (PCCC) chỉ để đối phó. PCCC tại hộ nhà dân chưa được quy định cụ thể trong văn bản pháp luật, nên hầu hết các hộ nhà dân chưa được trang bị và tự giác PCCC cho gia đình mình.

Thời gian vàng để chữa cháy

Chiều cuối tuần, con hẻm 625 Âu Cơ phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú đang yên tĩnh thì một nhóm thanh niên xăm trổ đi trên 3 xe máy phóng vào, đậu trước nhà 625/3 đập cửa và rồi mắng chửi không ngớt chủ nhà này để đòi tiền nợ. Khoảng nửa tiếng sau, từ trên tầng 3 của ngôi nhà, hàng chục chai bia tự chế thành “bom xăng” ào ào quăng xuống nhóm thanh niên bên dưới. Sợ hãi, nhóm thanh niên bỏ chạy thoát thân. Tuy nhiên, không ít “bom xăng” tự chế rơi vào mái hiên 2 nhà bên cạnh bốc cháy. Lo sợ cháy lan cả xóm lao động với hơn chục nóc nhà, những nhà có bình chữa cháy lập tức mang bình ra phun. Đám cháy nhỏ lẻ tẻ các nơi nhanh chóng được dập tắt trước khi lực lượng chức năng phường xuống hiện trường.

Còn nhà bà Trần Thị Hồng, ngụ 66 Trần Não, Bình An, quận 2 và hàng xóm sát nhà bà mới đây cũng một phen “hú hồn” khi ngăn kịp thời đám cháy lớn trong gang tấc nhờ bình tĩnh và xử lý đúng quy trình. Đang đi bộ gần nhà thì bất chợt phát hiện khói bốc lên từ nhà mình. Cố nén hoảng sợ vì nhà bà buôn bán tạp hóa, bà Hồng nhanh chóng chạy về mở cửa và hô hoán hàng xóm hỗ trợ. Những người xung quanh đã mang bình chữa cháy gia đình sang phun, nhờ đó đám cháy được nhanh chóng dập tắt trước khi xe chữa cháy của Phòng Cảnh sát PCCC quận 2 đến hiện trường. Vụ cháy chỉ khiến nhà bà Hồng thiệt hại không đến 500.000 đồng.

Trước đó, lực lượng tại chỗ tham gia cứu chữa thành công vụ cháy tại xưởng sản xuất thuộc Công ty TNHH Ấn Tượng Việt ở 305/7 Lê Văn Quới, khu phố 2, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân. Điều đáng nói ở đây là cơ sở bị cháy nằm xen cài trong khu dân cư đông đúc, sự cố cháy lại xảy ra vào ban đêm và nhờ người dân ở xung quanh cũng như nhân viên một số quán ăn, nhà hàng tiệc cưới sát đó nhanh chóng mang bình chữa cháy và các loại phương tiện khác đến hỗ trợ kịp thời cũng như lực lượng tại chỗ xử lý bình tĩnh, đúng cách mà lực lượng PCCC chuyên nghiệp của quận Bình Tân đã không cần “xuất mã”. Thiệt hại từ vụ cháy cũng không đáng kể.

Theo đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM, hiện nay lực lượng đang tập trung vào công tác rất quan trọng là kiềm chế, ngăn chặn cháy lớn. “Thời gian vàng để chữa cháy là trong vòng 10 phút đầu. Do đó, chúng tôi luôn nhắc nhở các công ty, doanh nghiệp, đơn vị, người dân các khu phố khi đơn vị đến tập huấn cũng như lực lượng cán bộ, chiến sĩ phải thực hiện nghiêm túc những quy định trong việc báo tin, sự bình tĩnh và tham gia chữa cháy ban đầu của lực lượng tại chỗ, sự phối hợp của các lực lượng tại hiện trường cũng như người dân xung quanh khi có sự cố xảy ra đóng vai trò rất quan trọng”.

Cũng theo Đại tá Lê Tấn Bửu, so với một số địa phương khác thì TPHCM đã kiềm chế được nhiều vụ cháy lớn từ sự phối hợp, chủ động kịp thời như trên.

Mỗi nhà cần có bình chữa cháy

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng may mắn, kịp thời như vậy. Thời gian qua có nhiều vụ cháy nhỏ đã lan nhanh thành những đám cháy lớn do không có phương tiện và thiết bị xử lý kịp thời, gây hậu quả nghiêm trọng về người và của. Nhất là ở những hộ gia đình vừa kết hợp làm nhà ở lại vừa để kinh doanh thì rủi ro và hậu quả khi có sự cố xảy ra càng cao hơn hẳn. Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân, hầu hết hộ nào cũng có bếp gas để đun nấu, lại có rất nhiều những vật dụng dễ bắt lửa, dễ gây cháy cạnh đó là bàn thờ đang thắp nhang nhưng chủ nhà lại đi vắng... Đã vậy địa bàn quận có đông dân, lại san sát nhau nên nguy cơ và khi sự cố xảy ra dễ để lại thiệt hại nặng nề. Vì vậy, yêu cầu mỗi nhà có một bình cứu hỏa để xử lý tại chỗ là rất cần thiết. Cũng theo đồng chí, các gia đình cần tránh tâm lý mua bình chữa cháy để đối phó, cần thực tập nhiều có kỹ năng để ứng phó. Trên thực tế, nhiều người không biết mở van khóa bình, gặp cháy thì càng bối rối mở không hết chốt khóa. Điều quan trọng nhất khi chữa cháy là phải bình tĩnh để có thể xử lý tốt, tự cứu mình trước thì mới cứu được người thân.

Thế nhưng, Đại tá Lê Tấn Bửu, hiện nay luật chưa có điều khoản nào cụ thể buộc người dân phải thực hiện quy định trên mà mới dừng ở khuyến khích, nhắc nhở. Hiện nay ở các quận 3, 5 và Bình Thạnh đã có chỉ đạo về việc mỗi nhà phải có bình chữa cháy nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc vận động. Trước thực tế trên, Cảnh sát PCCC TP đã đề xuất TP xin cơ chế đặc thù để hỗ trợ, trang bị cho mỗi hộ dân một bình chữa cháy. Nguồn hỗ trợ sẽ được vận động từ phía các doanh nghiệp, các công ty và kể cả chính quyền địa phương. 

Trên lý thuyết là vậy nhưng khi trao đổi với chúng tôi, đại tá Lê Tấn Bửu cũng nhìn nhận, để thực hiện được chủ trương trên cũng không phải dễ dàng. Trước mắt, Cảnh sát PCCC TP vẫn đã và đang phát động nhiều phong trào được người dân ủng hộ và nhân rộng tại các khu dân cư, trong đó có phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”. Theo Đại tá Lê Tấn Bửu, cảnh sát PCCC sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để từng hộ dân trang bị bình chữa cháy. Bên cạnh đó sẽ phổ biến thật cụ thể cho người dân cách sử dụng và bảo trì, bảo dưỡng phương tiện PCCC.

Tin cùng chuyên mục